Sự kiện

Cái ăn trong mùa mưa của đồng bào Tái định cư

Thứ sáu, 15/11/2013 | 13:49 GMT+7
Buổi chiều mùa này, mưa rừng ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam cứ dai dẳng, tưởng chừng bất tận. Gió hòa với mưa làm tiết trời se se càng trở nên lạnh một cách ẩm ướt và thẩm thấu. Đối với những vị khách từ miền xuôi ghé thăm, cảm giác lạnh của núi rừng Trường Sơn lúc này càng thêm rõ rệt.



Đoàn được gia đình cụ A Lăng Riết tiếp bằng ly nước chè nóng, sau khi biết đoàn đã dùng bữa

Vẫn no trong mùa lạnh

Cái mưa, cái lạnh làm cho cuộc sống vốn chậm chạp ở các buông làng nơi này như đang dừng lại. Đoàn chúng tôi ghé vào nhà Rông của thôn Tà Rèng – khu Pachepalanh, huyện Đông Giang, khu tái định cư của thủy điện A Vương (nhà Rông là nơi sinh hoạt chung của đồng bào Cơ – Tu, cũng là nơi dừng của những khách lỡ đường hoặc cần chỗ nghỉ ngơi). Hơi khói bếp bay giữa trời mưa lạnh, mùi ấp áp của mâm cơm mới từ ngôi nhà gần nhà Rông đã cuốn hút chúng tôi. Vợ chồng cụ A Lăng Riết bên mâm cơm, với những hạt cơm trắng tinh, vài con ếch kho mới bắt được tối qua phía bên nhà. Tiếp chúng tôi bằng những ly nước chè nóng, sau khi biết chúng tôi đã dùng bữa trước đó. Hơi nóng của trà cùng với cung cách trò vừa dùng miệng vừa dùng tay làm cho cả đoàn càng cảm nhận được sự hiếu khách nơi này. Sau vài chén chè, cụ A Lăng Riết cho biết: “Cơm đang dùng được nấu từ gạo của thủy điện A Vương cho, đủ dùng cho cả nhà 08 người”. Thực ra, theo nhìn nhận thì cụ A Lăng Riết kể thiếu một chú chó khá lớn của nhà cụ. Theo Thủy điện A Vương, từ tháng 7/2012 đến tháng 12/2015, trong Chương trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất trong công tác hỗ trợ đồng bào tái định cư của Thủy điện A Vương, Thủy điện phối hợp với chính quyền địa phương phát hơn 510 tấn gạo, được chia làm nhiều đợt, trong thời gian 42 tháng, tức mỗi người dân ở 3 khu Pachepalanh, Cutchrun huyện Đông Giang và khu Alua, xã Dang huyện Tây Giang đều được khoảng 10 kg gạo.

Hồi nhớ cuộc sống trước

Cái mưa vẫn còn, cuộc trò chuyện của chúng tôi càng lúc càng sôi nổi, càng gần bởi sự chân thật mà họ toát ra. Các món đồ dùng sinh hoạt, sản xuất làm cho một anh trong đoàn mê tít, từ con dao có cái cán dài, lưỡi dao nhỏ để chẻ cây mây, tre, nứa… đến cái Th’lét (tên gọi khác của cái Gùi) của cụ Riết, với thiết kế thật đẹp mắt và tiện dụng. Theo hai ông bà thì người đồng bào nơi đây khi xưa, tức còn ở nơi lòng hồ trước khi hiếng đất cho Nhà nước xây thủy điện, sống chủ yếu bằng nghề đi rẫy, làm nương. Bên cạnh việc trồng các cây lương thực như sắn, lúa thì họ đi lượm củi hoặc các loại thực phẩm do rừng cung cấp. Từ khi sống tại khu mới này, nhà cửa của bà con được xây dựng kiên cố bằng xi măng, các ngôi nhà tranh, nứa chỉ còn được nhắc lại tại các cuộc trò chuyện, hoặc chỉ còn ở trên rẫy. Theo anh Trần Quốc Trí, Bí thư chi bộ thôn Tà Rèng thì “Hiện nay 100% con em của đồng bào được đến trường, trường học được xây ngay tại khu tái định cư nên rất tiện việc đi lại cho các em”. Nhà của bà con tại đây xây theo kiểu tập trung, đường vào khu được bê tông hóa hoặc được tráng nhựa. Việc đi lại của bà con được thuận tiện hơn rất nhiều. Nhớ đến lần trước đây, khi trò chuyện với anh phó chủ tịch xã Dang, Hồ Xuân Tịnh, Phó Chủ tịch xã Dang, huyện Tây Giang thì việc xây dựng các khu tái định cư cho bà con như thế này rất thuận tiện cho việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến đồng bào; các trạm y tế được xây và đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, bà con không còn cảnh khi đau ốm phải đi hàng ngày trời mới đến được nơi chữa bệnh.
 


Cụ A Lăng Riết và vợ

Ước mong đồng bào có cuộc sống tốt hơn

Anh Trí cho biết thêm: “Ở đây, chỉ có đất canh tác là thiếu, bên cạnh nhờ vào các nguồn hỗ trợ của các cấp, bà con hiện đang phát triển cây keo, cây chuối”. Sắp đến, theo chủ trương của huyện, sẽ phát triển thêm mô hình trồng cây cao su. Lúc đó, bà con ở đây sẽ có thêm thu nhậm; cây keo thì thì phát triển rất tốt, thu hoạch chưa nhiều vì thời gian trồng còn ngắn, nhưng chuối ở đây thì năng suất cao, trái to và ít nhiễm bệnh. Chưa có số thống kê chính xác, nhưng chuối ở đây được thương lái thu gom rất nhiều, một phần vì ngon và phần khác thì lời khá nhiều, một buồng chuối (khoảng 10) nải ở đây giá chưa đến 70 ngàn, nhưng khi xuống đến thành phố thì giá lên đến gấp 3, gấp 4 lần.

Vì mỗi loại đất, mỗi vị trí địa lý đều khác nhau nên việc lựa chọn các loại mô hình sản xuất cần phù hợp là điều rất quan trọng; bên cạnh đó vì số dân đồng bào ít, trình độ lao động chưa cao nên sản lượng sản xuất thấp làm cho điều kiện thông thương tại đây càng thêm hạn chế. Từng bước phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục, chậm mà chắc chính là giải pháp tốt nhất cho đồng bào tại đây hiện nay. Bên cạnh các giải pháp, định hướng từ cấp huyện nhằm ổn định nâng cao đời sống bà con thì chính những chương trình hỗ trợ như của Thủy điện A Vương thực sự vô cùng cần thiết và mang ý nghĩa hết sức to lớn. Từ con số 100% hộ nghèo khi đồng bào khu tái định cư này còn ở nơi lòng hồ (khoảng trước năm 2005) đến nay, con số đó giảm xuống còn 63%, tỉ lệ đó cũng nó mang một ý nghĩa đáng khích lệ cho những người lãnh đạo cấp thôn, cấp xã vùng xa xôi này./.
 
Dương Ngọc Nhơn