- Phát triển thủy điện một cách ồ ạt đã để lại những hệ lụy khó lường đối với môi trường, với đời sống của người dân và phát triển KT - XH. Liên tục trong các Kỳ họp gần đây, các ĐBQH đã chất vấn Chính phủ về vấn đề này và tại Kỳ họp này, Chính phủ đã có kết quả chính thức báo cáo với QH. Đại biểu đánh giá như thế nào về Báo cáo này?
- Cá nhân tôi cho rằng, đến Kỳ họp này, Chính phủ mới báo cáo QH về kết quả rà soát quy hoạch thủy điện là chậm so với đòi hỏi của thực tiễn, cũng như đòi hỏi của ĐBQH. Bởi từ năm 2011, khi Chính phủ xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia năm 2011 – 2020, nhiều ĐBQH đã chất vấn thành viên Chính phủ về những hệ lụy do phát triển thủy điện một cách ồ ạt và tính kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng và thực hiện quy hoạch thủy điện chưa cao. Tuy nhiên, phải đến khi QH đưa yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện tại Nghị quyết số 40 về thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư thì Chính phủ mới thực hiện. Dẫu vậy, tôi ghi nhận, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện yêu cầu của QH. Nếu không tiến hành rà soát quy hoạch thủy điện thì có thể kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng và thực hiện quy hoạch thủy điện, cũng như nhiều quy hoạch khác sẽ tiếp tục không nghiêm; mối liên kết giữa quy hoạch phát triển điện với các quy hoạch liên quan sẽ không được quan tâm thích đáng. Nếu QH không yêu cầu Chính phủ rà soát và báo cáo với QH thì những hạn chế trong quy trình vận hành hồ thủy điện, vận hành liên hồ, quá trình xây dựng nhà máy thủy điện... có được đánh giá chính xác hay không? Có thể, chúng ta vẫn nhìn thấy những sai phạm, thiếu sót trong quản lý ở một số thủy điện, ở một số địa phương mà khó có thể hình dung được bức tranh tổng thể về những hệ lụy do phát triển thủy điện gây ra.
- Thưa Đại biểu, việc thực hiện quy hoạch thủy điện đang đặt ra những vấn đề nào đối với phát triển bền vững nguồn năng lượng này ở nước ta?
- Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo nên khá phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta, khi mà nhiều nguồn năng lượng không tái tạo đã khai thác gần hết, phải nhập khẩu sớm hơn dự kiến. Đây cũng là nguồn điện có suất đầu tư thấp, đỡ phức tạp hơn so với các nguồn điện khác nên có thể xã hội hóa, huy động nhà đầu tư tư nhân tham gia. Trong thời gian qua, loại hình năng lượng này đã cung cấp một lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia. Nhưng bên cạnh lợi ích kinh tế thì cần cân nhắc các lợi ích về xã hội, về môi trường sinh thái khi xây dựng thủy điện. Thực tế, vào mùa khô, khi công trình thủy điện không có đủ lượng nước để phát điện đã huy động từ nhiều nguồn khác, kể cả nhập khẩu để đáp ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư phải di dời cho xây dựng thủy điện, phục hồi diện tích rừng đã mất thì cần phải bỏ ra nhiều tiền của và thời gian. Vì vậy, khi quyết định chủ trương đầu tư mỗi công trình thủy điện đều cần đặt lên bàn cân để so sánh giữa cái lợi, cái hại. Cần lưu ý rằng, các nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến thủy điện không phải do hiệu suất sinh lãi cao. Giá bán điện từ nhà máy thủy điện cho Tổng công ty mua bán điện hiện nay tương đối thấp, khó có thể giúp chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh. Vậy thì, phải có một lợi ích khác từ việc được cấp phép đầu tư thủy điện mới thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Lợi ích khác đó là gì, các cơ quan chức năng phải hiểu rõ để cân nhắc khi quyết định phê duyệt đầu tư dự án.
Quá trình thực hiện các dự án còn lại sau khi rà soát quy hoạch thủy điện cũng phải chấp hành nghiêm quy hoạch, không thể dễ dàng đưa vào, đưa ra như thời gian qua. Hiện nay, chưa xác định rõ việc loại bỏ hơn 400 dự án khỏi quy hoạch có gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hay không, nhưng có thể thấy đó là một sự lãng phí lớn đối với nguồn vốn của xã hội. Theo quy trình đầu tư, chi phí dành cho quá trình nghiên cứu báo cáo khả thi của mỗi dự án sẽ do chủ đầu tư bỏ ra. Chủ đầu tư phải tự chịu về chi phí này nếu như không bố trí được nơi tái định cư, nơi trồng lại rừng, không được người dân đồng ý hoặc không có nguồn kinh phí để trả cho Quỹ bảo vệ, phát triển rừng. Đành rằng đây là rủi ro doanh nghiệp phải tự chịu nhưng cũng có lỗi từ các cơ quan chức năng. Nếu dự án thủy điện không đưa vào quy hoạch thì doanh nghiệp sẽ không thực hiện nghiên cứu, xây dựng báo cáo khả thi. Nguồn vốn các chủ đầu tư dành cho công tác nghiên cứu, lập báo cáo khả thi của dự án thủy điện được đưa vào sản xuất, kinh doanh thì không phải sẽ có thêm việc làm cho người lao động, nguồn thu cho ngân sách Nhà nước hay sao?
- Việc rà soát thực hiện quy hoạch thủy điện bắt đầu từ Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của QH. Dự kiến, tại Kỳ họp này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề xuất QH nên ban hành một Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện. Nếu đề xuất này được thông qua, theo Đại biểu, Nghị quyết của QH cần đưa ra những yêu cầu nào với Chính phủ trong xây dựng và thực hiện quy hoạch thủy điện?
- Tôi rất tán thành việc QH ban hành một Nghị quyết về quy hoạch thủy điện. Nhưng theo tôi, Nghị quyết của QH không thể chỉ biểu thị sự đồng ý hay không đồng ý với các dự án thủy điện được Chính phủ kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch. Nghị quyết của QH cần xác định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, thực hiện quy hoạch; đặc biệt là trách nhiệm đối với việc không bảo đảm mối liên kết giữa quy hoạch thủy điện với quy hoạch đất đai, quy hoạch trồng và phát triển rừng... Nếu hôm nay không xác định rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào, trách nhiệm của Trung ương, của địa phương đến đâu đối với những hạn chế trong thực hiện quy hoạch thủy điện thì có lẽ, sau này cũng sẽ hòa cả làng cả thôi, sẽ không hối thúc được việc chấn chỉnh sai phạm trong xây dựng, thực hiện quy hoạch.
Nghị quyết của QH cần giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành trong việc trồng rừng thay thế cho diện tích rừng đã bị mất để phục vụ cho các nhà máy thủy điện; xác định thời hạn phải hoàn thành công tác này để bảo đảm diện tích rừng ở nước ta.
Ngoài ra, Nghị quyết của QH cũng cần yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch thủy điện toàn quốc, vì hiện còn 136 dự án tạm dừng thực hiện để xem xét sau năm 2015. Các dự án này còn chưa có kết luận cuối cùng nên vẫn phải theo dõi sát sao để bảo đảm thực hiện đúng quy trình, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Nếu không tiếp tục rà soát để có quyết định đúng đắn đối với những dự án còn để ngỏ này thì bài toán thiếu quỹ đất cho việc trồng rừng thay thế sẽ càng phức tạp hơn. QH cũng cần có thái độ kiên quyết đối với việc phải hy sinh một diện tích rừng lớn hay rừng nguyên sinh để xây dựng thủy điện. Nếu dự án thủy điện vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì phải trình ra QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư...
- Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát thực hiện quy hoạch thủy điện là thực hiện theo Nghị quyết số 40 của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII. Điều này cho thấy, hoạt động chất vấn của QH đã mang lại những hiệu quả thiết thực và cụ thể, thưa Đại biểu?
- Từ nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã có nhiều cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Đặc biệt, từ giữa nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH. Tiếp đó, QH đã tiến hành giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Và trong những Kỳ họp vừa qua, không chỉ các thành viên Chính phủ báo cáo với QH về việc thực hiện lời hứa, mà Chính phủ đã có báo cáo chung về việc thực hiện lời hứa của Chính phủ. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng rất tôn trọng ý kiến của các ĐBQH, đều có báo cáo giải trình tiếp thu việc gì đã làm, đang làm, sắp tới cần làm và dự kiến ra sao. Thực tế cũng cho thấy, nhiều chất vấn của ĐBQH đã được các bộ, ngành tiếp thu, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành. Những việc đã làm được sau chất vấn vừa qua là một cú hích, có tác dụng tích cực trong việc giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Và việc thực hiện và chấp hành quy định pháp luật của các bộ, ngành cũng đã có kết quả tốt hơn.
Tại Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ đã báo cáo QH về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện. QH cũng đưa ra thảo luận tại nghị trường về báo cáo này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng báo cáo QH về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất... Việc làm này của Chính phủ tiếp tục khẳng định, chất vấn của ĐBQH đã được chuyển thành hành động, có chuyển động trên thực tế. Việc nghiêm túc chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch thủy điện sẽ mang lại niềm tin cho ĐBQH, cho cử tri cả nước. Tôi mong rằng tiền lệ này sẽ được Chính phủ tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Những hành động, chuyển động thực tế như vậy sẽ nâng cao hiệu quả, chất lượng điều hành, quản lý vĩ mô của các bộ, ngành, từ đó, giúp tăng niềm tin của nhân dân.
- Xin cám ơn Đại biểu!