Sự kiện

An toàn lưới điện ở Bình Phước: Mối đe dọa từ cây cao su

Thứ tư, 13/11/2013 | 08:40 GMT+7
Một cây dầu chạm vào đường dây (ĐZ) 500 kV đã gây ra sự cố mất điện toàn miền Nam chiều 22/5 đã gây tổn thất rất lớn về kinh tế, an ninh xã hội cũng như sinh hoạt của người dân, cũng là một bài học sâu sắc cho ngành điện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mối đe dọa tương tự vẫn đang rình rập.



Cây cao su là nguồn thu nhập chính của người dân Bình Phước nhưng cũng là mối đe dọa lớn với lưới điện. Ảnh: Ngọc Loan

Dù không có ĐZ 500 kV đi qua nhưng trên địa bàn tỉnh Bình Phước có tới 473km ĐZ 110 kV do Chi nhánh điện cao thế Bình Phước quản lý vận hành. Ngoài ra còn 2.909 km ĐZ trung áp và 3.047 km ĐZ hạ áp do Công ty điện lực (PC) Bình Phước quản lý. Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày càng phức tạp, đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân và việc cấp điện của ngành.

Cây cao su là nguồn thu nhập chính của người dân Bình Phước nhưng cũng là mối đe dọa lớn với lưới điện. Bởi lẽ, theo quy định, chiều rộng hành lang an toàn của đường dây 110 kV là 4m. Tuy nhiên, khi cây cao su phát triển tối đa có thể cao tới 18-20 m. Vào mùa mưa cây phát triển rất nhanh, nếu không phát quang kịp thời, chỉ cần gió to cây sẽ va quẹt ngã đổ vào đường dây làm mất điện diện rộng và gây nguy hiểm cho công nhân cạo mủ.

Ông Lê Tấn Quang, Phó giám đốc PC Bình Phước, cho biết, riêng 9 tháng đầu năm 2013, Bình Phước đã có tới 24 vụ sự cố lưới điện trung  áp do vi phạm hành lang lưới điện. Nguyên nhân chủ yếu do người dân vi phạm hành lang an toàn điện, tự ý chặt phá cây làm vướng vào đường điện, hoặc xây dựng nhà cửa, thi công công trình không đảm bảo an toàn nên đã gây hiện tượng phóng điện, gây nên những thiệt hại lớn cho ngành điện và các đơn vị kinh tế do mất điện.

Đơn cử, ngày 17/5 vừa qua, tại xã Minh Hưng (Chơn Thành), gió lốc đã làm cao su ngã đè lên pha C, B ở trụ 337-338 làm dứt dây điện. Chi nhánh điện cao thế phải huy động toàn bộ lực lượng làm việc cật lực suốt 7 giờ bất kể cả đêm tối để khắc phục sự cố.

Tại xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập), người dân cưa cây làm đổ đứt dây điện khu vực này cũng khiến cho đội đường dây phải huy động lực lượng truy tìm nơi xảy ra sự cố và làm việc suốt 8 giờ liên tục. Chiều 11/4, một trận gió lốc ở huyện Chơn Thành đã làm nhiều cây cao su gẫy đỗ đè vào đường dây điện cao thế làm cho toàn bộ khu vực bị cúp điện.

Theo thống kê của Chi nhánh điện cao thế Bình Phước, trong 473  km đường dây điện cao áp có tới 400 km đi qua rừng cao su, hiện có hàng trăm  vị trí khoảng trụ đường dây đang bị vi phạm, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Mặc dù Chi nhánh đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, đảm bảo an toàn nhưng việc xâm hại HLATLĐ cao áp vẫn liên tục xảy ra.

Thực tế, người dân Bình Phước đều hiểu được mức độ nguy hiểm này. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế nên nhiều gia đình có đường điện đi ngang vườn không đồng ý cho ngành điện phát quang, tỉa cành, nhất là những cây nằm ngoài hành lang vẫn có nguy cơ ngọn, cành sà vào dây điện. Người dân đòi bồi thường rất cao nhưng đây là cây ngoài hành lang nên ngành điện không có căn cứ đề chi bồi thường. Hơn nữa, Chi nhánh điện cao thế Bình Phước chỉ được lập biên bản vi phạm mà không có chức năng xử phạt càng khiến cho số vụ vi phạm ngày càng. Mỗi khi cần phát quang hành lang tuyến, “nhà điện” lại phải “năn nỉ” người dân cho chặt mé những cành nhỏ. Do đó, việc phát quang phải thực hiện liên tục do cây cao su phát triển nhanh, mỗi lần phát quang lại phải cắt điện làm ảnh hưởng đến cung cấp điện cho người dân.

Hiện PC Bình Phước đã vận động được UBND tỉnh ban hành quyết định 62/2009 ngày 28/12/209 quy định phạm vi giải tỏa với ĐZ điện áp đến 35 kV khoảng cách từ gốc trụ điện ra mỗi bên ít nhất 10 m. Mong rằng với quy định nêu trên, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp và sự vào cuộc quyết liệt hơn của Công ty lưới điện cao thế miền Nam sẽ giúp cải thiện tình trạng mất an toàn lưới điện ở Bình Phước.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 473km ĐZ 110 kV, 2.909 km ĐZ trung áp và 3.047 km ĐZ hạ áp. Tính đến hết tháng 9/2013, tổng số cây cao su vi phạm nằm trong hành lang an toàn lưới điện là 13.893 cây, nằm ngoài hành lang là 117.556 cây. Chiều dài đường dây điện có cao su vi phạm là 538,77 km.
 
Ngọc Loan / ICON.com.vn