Trong nhiều năm, tính từ thời điểm năm 2002 trở về trước, kinh tế Hà Nội liên tục phát triển tới tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trên 11%, gấp 1,5-1,6 lần tốc độ tăng GDP của cả nước. Đồng thời, Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển con người. Những yếu tố này đã khiến cho nhu cầu sử dụng năng lượng tăng theo. Để cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho Hà Nội, từ năm 2002, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai phương án tăng cường cung cấp điện, chống quá tải cho Thủ đô Hà Nội, với việc xây dựng đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công và lần đầu tiên đưa trạm 220kV vào sâu nội thành. Các thủ tục đầu tư được triển khai theo đúng trình tự theo quy định và năm 2006 hoàn thành. Công việc hoàn thành đến 80%, nhưng đến năm 2008, thời điểm hợp nhất Hà Tây- Hà Nội, thì công trình trên lại bị rơi vào tình thế hết sức khó khăn. Nếu đường dây này không được đóng điện vận hành vào tháng 5-2010 theo kế hoạch thì vào dịp Hà Nội Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long và những năm tiếp, Hà Nội sẽ thiếu điện.
Vận hành sửa chửa đường dây 220kV. Ảnh: Ngọc Hà
3 năm hoàn thành thủ tục đầu tư
Khi EVN bắt tay vào triển khai dự án đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công thì vẫn còn tỉnh Hà Tây, vì thế đường dây phải đi qua địa phận 2 tỉnh là Hà Tây và Hà Nội. Văn bản thỏa thuận tuyến đường dây trên không 220kV Ba la- Thành Công và mở rộng trạm Ba La được UBND tỉnh Hà Tây giao cho các Sở, ngành từ ngày 18-12-2002 và đến ngày 6-5-2005, trên cơ sở xem xét ý kiến của các Sở, ngành có liên quan và bằng Văn bản số 1509/UB-CN, UBND tỉnh Hà Tây đã thống nhất về hướng tuyến đường dây.
Cũng vào thời điểm năm 2002, EVN đồng thời triển khai thủ tục phần đường dây đi qua địa phận Hà Nội và trạm 220kV Thành Công. Theo đó, ngày 27-11-2002, Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội đã có Văn bản số 480/QHKT-P2 giới thiệu địa điểm xây dựng trạm biến áp 220kV Thành Công. Theo đó, trạm biến áp 220kV (TBA) Thành Công được xây dựng nằm phía Tây mương Hào Nam- Yên lãng, cách TBA 110kV Thành Công khoảng 100m về phía Tây, trong khu vực Công viên Đống Đa theo quy hoạch, khu đất lúc đó đang do Công ty Việt An quản lý sử dụng, với qui mô diện tích đất dành cho trạm là 3.000m2.
Tuyến đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công và các lộ xuất tuyến được thỏa thuận: từ TBA Hà Đông đến đường vành đai 3, tuyến dây 220kV đi nổi theo tuyến đường qui hoạch Láng Hạ- Thanh Xuân kéo dài (đoạn tuyến dây qua địa phận tỉnh Hà Tây, EVN sẽ phải thỏa thuận với Hà Tây để thống nhất tuyến với đoạn đi trên địa phận TP Hà Nội). Đoạn từ vành đai 3 vào trạm Thành Công, tuyến đi cáp ngầm dọc theo đường Láng Hạ- Thanh Xuân (từ vành đai 3 đến sông Tô Lịch), đường Láng và đường La Thành- Thái Hà- Láng; các lộ xuất tuyến đấu nối với tuyến dây nổi 110kV Thành Công- Thanh Xuân và Thành Công- Giám hiện có.
Sau khi xem xét ý kiến của Sở Qui hoạch Kiến trúc, ngày 25-11-2003, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3757/UB-XDĐT chấp thuận địa điểm xây dựng TBA 220kV Thành Công và các xuất lộ tuyến.
Bàn cãi nổi- chìm: Thêm 3 năm
Thủ tục đầu tư đã được hoàn tất từ năm 2006, nhưng công việc giải phóng mặt bằng khó khăn đã khiến cho việc thi công công trình chưa được tiến hành và rồi tháng 8-2008, Hà Tây – Hà Nội hợp nhất đã khiến cho công trình đường dây này lại càng khó thực hiện khi mà đoạn đường dây đi qua tỉnh Hà Tây đã hoàn tất thủ tục “nổi” thì nay lại bàn sang “ngầm”. Thế là từ bấy đến nay thoắt đã 3 năm vẫn chưa ngã ngũ.
Theo EVN, tiến dộ xây dựng dự kiến của đường Lê Văn Lương kéo dài là Quí I-2009 (Thông báo tiến độ của Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ- Thanh Xuân trong Công văn số 49/CV-DA2), tuy nhiên, trong thực tế, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng rất khó khăn, phức tạp nên tiến độ này có thể còn kéo dài. Để đáp ứng tiến độ, EVN cần phải tiến hành hạ ngầm đoạn đường dây nói trên trước khi xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài, điều này sẽ dẫn đến một số khó khăn là: phải tiến hành đền bù, hỗ trợ kinh phí để Quân khu Thủ đô xây dựng và di chuyển Trung đoàn 47 (nếu thực hiện phương án nổi sẽ không mất thời gian này); đoạn cáp ngầm đi dưới hồ Mễ Trì sẽ không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn khi tiến hành san lấp, lu nền để xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; đoạn cáp ngầm vượt sông Nhuệ phải phối hợp với cầu sông Nhuệ, trong khi đó cầu này chưa được thiết kế. Vấn đề quan trọng hơn cả là nếu chuyển từ “nổi” sang “ngầm” thì sẽ phải hiệu chỉnh lại Tổng mức đầu tư, Thiết kế kỹ thuật, Hồ sơ mời thầu dự án và để hoàn thành các cônng đoạn này, thời gian sẽ không ít hơn một năm.
Vì những lý do trên, EVN đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận phương án đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công đi nổi từ ranh giới Hà Nội- Hà Tây đến vị trí cột cuối (số 41) như thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt và hồ sơ mời thầu đã lập. Để đảm bảo yêu cầu mỹ quan của Thành phố, EVN sẽ giao cho Ban QLDA công trình điện Miền Bắc phối hợp với Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ- Thanh Xuân thiết kế dự phòng vị trí đặt ống luồn cáp ngầm tại giải phân cách của đường Lê Văn Lương kéo dài để hạ ngầm đường dây sau này nhưng vẫn đảm bảo cấp điện được cho Hà Nội bằng đường dây trên không.
Tại Văn bản số 7461/BCT-NL ngày 22-8-2008, Bộ Công Thương cũng có ý kiến, Dự án đường dây 220kV Hà Đông- Thành Cônn là công trình có trong danh mục các đường dây 220kV của Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2006-2010 có xét đến năm 2015 đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Theo Quyết định này, đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công có chiều dài 11km, trong đó có khoảng 4,5km cáp ngầm, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2008. Như vậy, thiết kế kỹ thuật của dự án do EVN phê duyệt là phù hợp với Qui hoạch phát triển điện lực do UBND thành phố Hà Nội tổ chức xây dựng.
Theo ý kiến của Sở Qui hoạch Kiến trúc Hà Nội, sau thời điểm hợp nhất tỉnh Hà Tây và Thủ đô Hà Nội (tháng 8-2008), cũng nhu sau khi UBND Thành phố có quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đấu nối với tuyến đường đô thị Bắc Hà Đông đã được xây dựng), khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài và đường Bắc Hà Đông có nhiều dự án phát triển đô thị đã và đang được triển khai xây dựng. Do đó, việc hạ ngầm tuyến đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công tại thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu ổn định, an toàn cho tuyến đường dây cao thế cũng như cảnh quan đô thị.
Đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội phải được đặt lên hàng đầu
Hiện nay, Hà Nội được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia, theo sơ đồ kết lưới khép vòng 220kV và 110kV với 2 nguồn điện chính là Thủy điện Hòa Bình và Nhiệt điện Phả Lại (tỉnh Hải Dương), cùng một số nguồn điện nhỏ được xây dựng từ những năm 70 thế kỷ trước như: Nhiệt điện Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Thuỷ điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái), Nhiệt điện Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Theo hiện trạng vận hành lưới điện 110kV thành phố Hà Nội hiện nay cho thấy một số TBA 110kV và các tuyến đường dây 110kV đang trong tình trạng quá tải hoặc đã xuất hiện nguy cơ quá tải. Bên cạnh đó, việc mở rộng địa giới Thủ đô sẽ dẫn đến tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp tăng nhanh, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng theo.
Căn cứ vào hiện trạng lưới điện thành phố Hà Nội và quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020, lưới điện Hà Nội cần thiết phải đầu tư xây dựng một số trạm 220kV đặt sâu trong nội thành. Đặc biệt với phụ tải khu vực quận Đống Đa và khu vực lân cận, từ năm 2007 đã phải có nguồn 220/110kV để cấp điện cho một loạt các TBA 110kV Giám, Thành Công, Nghĩa Đô, Thanh Xuân và giải quyết quá tải trạm 110kV Thành Công. Theo tính toán, đến năm 2010, khu vực Thành Công sẽ bị thiếu hụt lượng công suất khoảng 300MW; năm 2015 là 400MW.
7 tháng đầu năm 2009, mặc dù vẫn đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nhưng sản lượng điện của Hà Nội vẫn đạt 4,3 tỷ kWh tăng 8,86% so với cùng kỳ. Vì vậy, đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công đi vào vận hành không những đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho khu vực quận Đống Đa và khu vực lân cận mà còn đảm bảo được việc cung cấp điện, nâng cao tính ổn định, độ tin cậy của lưới điện Hà Nội trong các chế độ vận hành toàn Thành phố.
Để đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, EVN đã chủ động đầu tư nâng cấp 3 TBA 220kV Chèm, Mai Động, Hà Đông với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đây là những trạm quan trọng vì sẽ tiếp nhận các nguồn điện từ Quảng Ninh và đưa về cấp điện cho Hà Nội bằng đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công.
Từ trạng trên cho thấy, đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công là công trình trọng điểm nhằm đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa trong dịp Hà Nội kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, mà còn là yếu tố quyết định đến phát triển kinh tế-xã hội cho Thủ đô, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính và phục hồi kinh tế. Vì vậy, yếu tố quan trọng để quyết định tuyến đường dây 220kV Hà Đông –Thành Công là phải đặt việc đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội lên hàng đầu./