Quản lý năng lượng

Cần có chính sách khuyến khích sản xuất điện từ rác thải

Thứ sáu, 1/8/2014 | 09:19 GMT+7
Sản xuất điện từ rác thải đã được nhiều nước trên thế giới triển khai từ lâu. TP Hồ Chí Minh cũng đã có dự án "biến rác thành điện", nhưng đến nay việc phát triển nguồn điện năng này vẫn giậm chân tại chỗ...
Công nhân vận hành trạm sản xuất điện từ rác tại bãi rác Gò Cát.
 
 
Vạn sự khởi đầu nan
 
Cách nay khoảng 10 năm, lần đầu tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Môi trường đô thị thành phố đã phát 125.000 kW điện sản xuất từ rác ở bãi rác thải Gò Cát (quận Bình Tân) lên lưới điện quốc gia. Đây là thông tin rất vui, minh chứng cho bước tiến rất quan trọng trong việc xử lý rác thải ở thành phố.
 
Quy trình biến rác thành điện năng tại Gò Cát được thực hiện bằng cách chôn rác trong các ô có lót vật liệu chống thấm HDPE, một loại nhựa mật độ cao, có độ bền hơn 50 năm. Mỗi ô sâu xuống lòng đất 7 m và cao hơn mặt đất 16 m. Khi rác đã được đổ đầy các ô thì sẽ được đóng kín lại và chuyển sang công đoạn ủ. Rác phân hủy trong ô sẽ tạo ra khí ga. Khí ga được một hệ thống ống ngầm trong ô dẫn đến trạm thu ga. Ga sạch sẽ được nén lại và dẫn đến trạm điện để chạy động cơ phát điện. Phần nước tách ra từ ga sẽ được xử lý sạch và xả ra sông, kênh, rạch. Rác sau khi phân hủy hoàn toàn, dự kiến trong vòng từ 12 đến 15 năm, sẽ được dùng làm phân bón. Mặt bằng bãi rác Gò Cát có thể được thu hồi và sử dụng làm việc khác khi phân rác được chuyển đến các vùng sản xuất nông nghiệp.
 
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này của thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố) và hiện là Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Nguyễn Trung Việt, giá bán điện sản xuất từ rác thấp hơn chi phí sản xuất là nguyên nhân chính đẩy hoạt động này vào tình trạng thu không đủ bù chi; hệ thống máy móc để sản xuất ra điện ở Gò Cát qua nhiều năm đã hư hỏng nhiều và hiện không có đủ kinh phí để sửa chữa. Ông Nguyễn Trung Việt cho biết thêm, toàn bãi rác Gò Cát mới chỉ "phủ đỉnh" (đậy kín bãi rác) được một phần năm diện tích cho nên việc ủ rác để tạo khí ga là một khó khăn khác mà bãi rác Gò Cát đang đối đầu.
 
Không chỉ có Gò Cát, giá bán điện sản xuất từ rác thấp hơn chi phí sản xuất ra điện đang là trở ngại chính trong việc sản xuất điện từ rác ở thành phố. Ngoài bãi rác Gò Cát, nhiều bãi rác khác ở thành phố cũng muốn sản xuất điện từ rác nhưng không thể tiến hành vì bất cập này.
 
Cần có cơ chế ưu đãi và khuyến khích
 
Hiện nay, mỗi ngày thành phố sử dụng khoảng 54 triệu kW giờ điện. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, nếu chạy hết công suất, hệ thống sản xuất điện ở Gò Cát mới chỉ sản xuất được khoảng 2.500 KW giờ. Đây là con số quá nhỏ, không đủ để các ngành chức năng phải có một cơ chế, chính sách ưu đãi hay khuyến khích cho hoạt động sản xuất điện từ rác phát triển.
 
Tất nhiên, nếu chỉ nhìn ở góc độ kinh tế, trước mắt, quyết định của các cơ quan chức năng không sai. Thế nhưng, nếu cộng thêm cả lợi ích về môi trường cho hoạt động này, một sự khuyến khích, hỗ trợ là rất cần thiết. Rác thải nếu được xử lý để sản xuất ra điện có thể hạn chế được khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu trái đất và gây ra hiện tượng nước biển dâng. Toàn bộ lượng rác được ủ kín (để tạo khí phát điện) sẽ hạn chế được mùi hôi và nước rỉ thoát ra bên ngoài. Quá trình đốt khí ở nhiệt độ cao để phát điện sẽ triệt tiêu các khí gây ô nhiễm như H 2 S, khí CO 2 ... Chưa kể, nguồn điện từ rác nếu được đầu tư phát triển cũng sẽ bổ sung một phần cho nhu cầu điện tiêu thụ hằng năm của thành phố, nhất là trong tình hình nguồn điện luôn thiếu vào mùa khô.
 
Ông Nguyễn Trung Việt cho biết, nhiều nước trên thế giới có chính sách ưu đãi trong vay vốn đầu tư hoặc trợ giá bán điện cho các nhà máy sản xuất điện từ rác. Hiện nay, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra gần bảy nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Trong các dịp lễ, Tết con số này là gần 10 nghìn tấn. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu khổng lồ, dồi dào cho việc sản xuất ra điện từ rác thải nếu có một cơ chế ưu đãi và khuyến khích phát triển hợp lý...
 
Theo: Báo Nhân dân