Cần nguồn “tài chính xanh” cho “chuyển dịch năng lượng công bằng”

Thứ ba, 2/8/2022 | 15:54 GMT+7
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB) tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam công bố mới đây, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0” (Net Zero), Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP (tương đương 368 tỷ USD) từ nay đến năm 2040.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
 
Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Chỉ riêng nguồn vốn cho chuyển đổi năng lượng của ngành điện cũng cần tối thiểu từ 14-16 tỷ USD mỗi năm. Đó là những con số rất đáng chú ý được đưa ra tại tọa đàm “Quản trị và Tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng” do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức vừa qua. 
 
Việt Nam đang nổi lên như là một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu về năng lượng sẽ tăng nhanh trong ba thập kỷ tới. Việc cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng, đồng thời thực hiện quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn tái tạo là thách thức lớn cần xử lý, trong đó có vấn đề tài chính. 
 
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP nhấn mạnh, một trong những thách thức trọng tâm mà Việt Nam phải đối mặt là đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, đồng thời đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế lâu dài không để lại hậu quả nào. 
 
Đó cũng là là lý do vì sao các diễn giả nhấn mạnh “chuyển dịch năng lượng công bằng” mà không phải chỉ là “chuyển dịch năng lượng”. Chuyển dịch năng lượng công bằng gắn gắn với việc tiếp cận năng lượng - đảm bảo cả về cung/cầu, giá cả phù hợp, việc tiếp cận toàn dân gắn với an sinh xã hội. Quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ đồng thời tạo thêm nhiều việc làm hơn, thúc đẩy các ngành kinh tế - công nghiệp gắn với phát triển năng lượng tái tạo và cũng đồng thời thúc đẩy thay đổi hành vi, tương tác xã hội...

 
Vấn đề đặt ra là chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững, cũng cần phải tiếp cận được “nguồn tài chính xanh”. Điểm danh 3 thách thức lớn đối với “tài chính xanh” là thiếu vốn, thiếu chính sách hỗ trợ đối với tài chính xanh (thanh khoản, lãi suất, thuế, phí, hỗ trợ giá, chi tiêu công xanh) và nhận thức, thói quen tiêu dùng xanh chưa cao. TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra tới 14 khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cùng với đó là chính sách nhất quán và ổn định hỗ trợ phát triển năng lượng xanh, sạch, bền vững…
 
"Tư duy về chính sách và sự đồng bộ của chính sách- đó mới là điều quyết định để có hình thành được tài chính xanh cho năng lượng công bằng hay không"- TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị.
 
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển để tiếp cận nguồn tài chính quốc tế, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa sản xuất được. Tài chính là yếu tố quan trọng trong việc đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng, trong đó, khả năng sinh lời và khả năng dự báo là những yếu tố then chốt trong tài chính. Một số vấn đề về quản trị như thị trường minh bạch, cạnh tranh, thoả thuận mua bán điện trực tiếp, môi trường pháp lý, quy định về xây dựng, truyền tải và phân phối cho các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong huy động tài chính cho chuyển dịch năng lượng.
 
Nguyên Long