Công nhân EVNHCMC tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho khách hàng
Nhu cầu sử dụng điện trong những ngày nắng nóng tăng cao cộng thêm giá điện tăng từ ngày 20-3 khiến hóa đơn của nhiều khách hàng sử dụng điện tại TP HCM tăng so với tháng trước.
Dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng yêu cầu
Tính đến ngày 31-3, tổng sản lượng điện mỗi ngày của TP đã tăng dần, từ 71 triệu KWh/ngày đến trên 83 triệu KWh/ngày. Riêng ngày 27-3, ghi nhận sản lượng cao nhất vào khoảng 83,45 triệu KWh. Nắng nóng sẽ còn kéo dài và có thể gia tăng đến khoảng tháng 6. Như vậy, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện sẽ tăng theo.
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, quyền Trưởng Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), cho biết nhiều năm nay, lượng điện tiêu thụ tại TP trong các tháng 3, 4 đều tăng khoảng 50% so với tháng 2. Vì vậy, nhiều khả năng hóa đơn tiền điện trong các tháng tới sẽ cao hơn tháng 2. Một lý do nữa đẩy chênh lệch giá điện giữa tháng 2 và các tháng còn lại ra xa là tháng 2 chỉ có 28 ngày, trong khi từ tháng 3 trở về sau, mỗi tháng có 30-31 ngày.
Trả lời thắc mắc về hóa đơn tiền điện trong tháng 3, lãnh đạo EVNHCMC giải thích từ ngày 20-3, giá điện tăng bình quân 8,36%. Nếu áp cho từng bậc thang sinh hoạt (6 bậc), giá điện tăng từ 8,33%- 8,4%. Ví dụ, khách hàng sử dụng 350 KWh thì số tiền phải trả thêm hơn 48.000 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng lũy tiến nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho hay từ đầu năm đến nay, các công ty điện lực đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Sản lượng điện tiêu thụ tại TP HCM chủ yếu trong sinh hoạt và dịch vụ, trong đó điện sinh hoạt chiếm đến 41%. "EVNHCMC mong muốn và kêu gọi tất cả khách hàng nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi phí tiền điện vừa góp phần cho việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho TP" - ông Bảo nói.
Cụ thể, theo EVNHCMC, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là thực hiện "4 đúng": dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng yêu cầu. Theo đó, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, bật máy điều hòa ở chế độ tiết kiệm (trên 25 độ C), tận dụng ánh sáng, gió thiên nhiên khi giảm nắng nóng. Đặc biệt, chọn mua các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, kiểm tra đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát điện.
Phương án lâu dài
Một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, lâu dài được ngành điện khuyến khích trong thời gian gần đây là lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. TP HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh nên tiềm năng sử dụng điện mặt trời rất lớn. Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng, phần điện dư có thể bán lại cho ngành điện. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái vừa tiết kiệm chi phí tiền điện hằng tháng vừa bảo vệ môi trường do sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
"7-8 năm trước, đầu tư khoảng 60-70 triệu đồng/KWp nhưng hiện nay, bình quân chỉ còn 20-21 triệu đồng/KWp. Công nghệ sản xuất tấm pin điện mặt trời rất phát triển, tuổi thọ trung bình của các tấm pin tối thiểu là 15 năm nên lắp đặt khoảng 6-7 năm là hoàn vốn" - ông Bảo phân tích.
Khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời thì liên hệ EVNHCMC để được hướng dẫn. Sau khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, chủ đầu tư có nhu cầu bán phần điện dư cho ngành điện thì liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua đầu số 1900545454 để được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hòa lưới và lắp điện kế 2 chiều.