Các hồ thủy điện có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hạ du chống hạn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đầu năm nay, ở miền Bắc, nhằm hỗ trợ vùng hạ du bảo đảm đủ nước đổ ải vụ đông xuân, theo sự chỉ đạo và phối hợp của các ngành, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã xả 3,03 tỷ m3 nước, tiết kiệm hơn 2,13 tỷ m3 (hơn 40%) so dự kiến (hơn 5,16 tỷ m3) nhưng vẫn bảo đảm phục vụ việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Đây là con số có ý nghĩa hết sức to lớn, là đợt xả nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân ngắn nhất ở miền Bắc từ năm 2011 đến nay, tiết kiệm một lượng nước đáng kể dành cho phát điện vào mùa khô này. Để duy trì mực nước trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội thường xuyên ở mức 2,2m, các nhà máy thủy điện đã phải vận hành tối đa công suất (xả nước qua các tổ máy). Trong khi đó, miền Trung và Tây Nguyên đang đối mặt với đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục. Lượng nước về các hồ thủy điện trong khu vực chỉ bằng 50% mức trung bình nhiều năm, có nơi chỉ bằng 30%. Một số nhà máy thủy điện trong khu vực đã phải rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để phục vụ ưu tiên chống hạn cho hạ du, thậm chí, một số hồ thủy điện đã xuống tới mực nước chết khiến nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, ngành điện buộc phải huy động cao nhất các tổ máy nhiệt điện than, tăng cường phát điện bằng dầu (giá thành cao)…
Để đạt hiệu quả sử dụng nguồn nước, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia kiến nghị Tổng cục Thủy lợi tiếp tục giao các đơn vị nghiên cứu sâu hơn về những ảnh hưởng của hiện tượng xói lòng dẫn sông Hồng cũng như sự gia tăng mức độ phân lưu dòng chảy giữa sông Hồng và sông Đuống đến mực nước hạ du hệ thống sông Hồng làm cơ sở cho công tác tính toán xả nước những năm tới chính xác, hiệu quả hơn. Bên cạnh việc xây dựng các giải pháp để các địa phương có thể lấy nước trong những tình huống các nhà máy thủy điện đã xả hết năng lực nhưng mức nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn thấp hơn mức 2,2m, Tổng cục Thủy lợi cần phối hợp chặt hơn giữa lịch gieo trồng và lịch lấy nước để tiến tới xây dựng kế hoạch lấy nước cho các năm tiếp theo với phương án chỉ hai đợt.
Áp dụng các biện pháp tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới luân phiên...là cách tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đối với khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thực tế dung tích các hồ thủy điện ở khu vực không lớn, nếu chỉ tích nước để phát điện thì hạ du sẽ không có nước, hoặc nếu xả nước thì chẳng mấy hồ sẽ hết nước, khi đó chẳng những không sản xuất điện năng và cũng chẳng có nước để cho hạ du. Bởi vậy, việc tính toán, hài hòa lợi ích giữa phát điện và bảo đảm nguồn nước cho hạ du là bài toán hết sức nan giải, cực kỳ khó trong hoàn cảnh hạn hán ngày càng khốc liệt, khó dự báo, đòi hỏi sự phối hợp, điều hành chặt chẽ giữa các ngành điện lực, thủy lợi, chính quyền các địa phương. Để tránh lãng phí nguồn nước xả, các địa phương phải thông báo lịch xả nước đến người dân để thống nhất lịch lấy nước; vận động người dân điều chỉnh tập quán canh tác, nỗ lực lấy nước tập trung trong các đợt xả, bất kể là ngày hay đêm, ngày thường hay dịp nghỉ lễ.
Nếu không thực hiện lịch xả tập trung như ở miền Bắc thì nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện miền Trung, Tây Nguyên sẽ “trôi” ra biển rất nhanh vì đặc điểm biển khu vực này ngắn, địa hình dốc. Các địa phương phải tích cực nạo vét, khơi thông dòng chảy, tăng cường hệ thống thủy lợi nội đồng. Thậm chí, một số nơi phải áp dụng giải pháp ngăn sông tạm thời để giữ nguồn tài nguyên quý giá này. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, cải tạo hệ thống công trình thuỷ lợi, nhất là nghiên cứu xây dựng thêm các hồ trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Việc chống hạn đòi hỏi phải huy động toàn thể hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng vào cuộc tích cực, quyết liệt, trong đó cần làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, chống hạn, sử dụng nước có hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng tiêu thụ ít tài nguyên nước; tích cực nghiên cứu các biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới luân phiên… để tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước.