Tin trong nước

Điện khí hóa nông thôn miền núi ở Quảng Trị

Thứ hai, 4/4/2016 | 13:31 GMT+7
Quy mô khiêm tốn, vốn đầu tư nhỏ nhưng những công trình điện như Điện khí hóa Gio Hải, Pa Nho - Đồng Khánh, Adơi - Pa Tầng được đầu tư trên địa bàn Quảng Trị được xem như là những món quà nhỏ của các tổ chức hoặc cá nhân tặng cho nhân dân Quảng Trị luôn chứa đựng sự thiết thực, thân thương với đúng nghĩa của nó.

Những công trình này mãi mãi được ghi nhận như những dấu ấn mang lại nhiều kỷ niệm cho những ai đã từng tham gia xây dựng công trình, để lại những tình cảm đẹp, vẹn tròn cho nhân dân vùng được triển khai dự án, nơi người dân được hưởng lợi trực tiếp từ những gì mà các công trình điện mang lại.
 
Câu chuyện ở Gio Hải
 
Gio Hải là xã vùng bãi ngang nằm ở phía bắc Cửa Việt, phía nam Cửa Tùng thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị). Xã nằm không xa trung tâm huyện nhưng mãi đến năm 1995, giao thông trên địa bàn xã chủ yếu là những con đường cát, họa hoằn lắm mới có đoạn đường đất. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Gio Hải phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, cần cù sáng tạo tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chính những thành tích đáng trân trọng đó, Gio Hải được Nhà nước 2 lần phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và cũng là 1 trong 3 xã của cả nước và là xã đầu tiên của miền Trung - Tây Nguyên được chọn làm thí điểm về điện khí hóa nông thôn.
 
Từ năm 1992, 1993, Bộ Năng lượng đã giao cho Viện Năng lượng khởi động chương trình nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, dự toán công trình. Sau 15 tháng thi công (từ tháng 9-1995 đến tháng 12-1996), công trình với quy mô 31km đường dây trung hạ áp, 5 trạm biến áp (TBA) với dung lượng 750kVA và hàng ngàn công tơ được lắp đặt với giá trị trên 6 tỉ đồng đã đi vào vận hành trong điều kiện thi công chủ yếu bằng thủ công.
 
Cấp điện cho nuôi tôm ở Gio Hải
 
Đây là công trình chứng kiến sự phối hợp, chung sức đồng lòng của Nhà nước, ngành điện, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng triển khai dự án. Hình ảnh bà con ra quân chặt cây để phóng tuyến thi công kéo dây, cảnh thanh niên các thôn xóm hè nhau khiêng cột điện hạ thế về các vị trí móng bi cho kịp dựng cột, cảnh chia ngọt sẻ bùi qua từng củ khoai, con cá, chén nước chè giữa người thợ điện với bà con Gio Hải như vẫn còn đâu đó, như vẫn sâu nặng một nghĩa tình son sắt. Có thể nói rằng, công trình điện khí hóa đã mở đầu cho một giai đoạn phát triển điện lực với quy mô ngày càng lớn hướng về nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào nghèo khó ở vùng biên.
 
Điện khí hóa Gio Hải cùng với các chương trình mục tiêu khác của Nhà nước như đường giao thông, trường học, trạm xá, chợ búa... và sự thay đổi trong tư duy về phát triển kinh tế cũng như tăng cường các thiết chế văn hóa đang biến xã nghèo Gio Hải thành một vùng kinh tế trù phú, Gio Hải xưa đã vươn mình thành một tiểu đô thị với các khu dịch vụ du lịch mênh mông cát vàng biển biếc dọc theo con đường quốc phòng nối Cửa Tùng - Cửa Việt.
 
Món quà châu Âu cho Pa Nho - Đông Khánh
 
Công trình điện Pa Nho - Đông Khánh là món quà của Công ty Điện lực Cộng hòa Pháp (EDF) tặng cho Quảng Trị. Công trình được thực hiện trong năm 1996 với địa danh ghép cho một công trình điện. Khó có thể hình dung công trình này lại được thực hiện trên mấy làng, bản nhỏ ở hai khu vực cách nhau gần 100km đường bộ. Trong lúc Pa Nho là bản nhỏ người Vân Kiều thuộc thị trấn Khe Sanh huyện Hướng Hóa thì Đông Khánh là tên ghép của hai làng vùng cát Đông Dương và Diên Khánh thuộc xã Hải Dương, xã vùng trũng của huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
 
Với công trình này, đây là lần đầu tiên trên mảnh đất Quảng Trị lưới điện trung hạ áp được triển khai với các thiết bị điện được coi là khá tiên tiến lúc bấy giờ, bao gồm máy biến áp (MBA) nạp dầu bằng phương pháp chân không, có lớp đệm nitơ, các MBA này với tuổi thọ 40 năm không cần phải thí nghiệm định kỳ.
 
Điều đặc biệt là kết cấu TBA không có thiết bị bảo vệ như máy cắt, cầu chì phía cao áp, mà chỉ có bảo vệ quá điện áp khí quyển, phía hạ áp MBA dùng dao cách ly kết hợp cầu chì. Các MBA hoặc cụm MBA được cách ly với lưới trung áp bằng dao cách ly không có buồng dập hồ quang mà dùng tiếp điểm phụ được tăng tốc bằng thép vuốt. Xà đỡ sứ theo kiểu cánh tay nhỏ gọn, sứ cách điện có bộ khóa dây vào cổ sứ theo kiểu gài chắc chắn. Lưới hạ thế 3 pha với cáp hạ thế vặn xoắn, hộp bảo vệ công tơ dùng vật liệu composite được sử dụng đầu tiên trên lưới điện Quảng Trị.
 
Các hộ trong vùng dự án còn được lắp đặt các thiết bị hoàn chỉnh bao gồm công tơ đo đếm, áttômat vi sai đảm bảo về an toàn điện, đường dây vào nhà, các thiết bị bảng điện và đèn điện trong nhà. Với đội ngũ 5 chuyên gia lành nghề - 2 chuyên gia cho khu vực Pa Nho, 2 chuyên gia cho khu vực Đông Khánh, 1 chuyên gia chỉ đạo chung - cùng với các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, đồ nghề phục vụ công tác thi công lắp đặt đã mang lại một cách thức tiếp cận mới về vấn đề thi công những công trình điện, về tác phong làm việc trách nhiệm, cẩn trọng, an toàn của người công nhân điện theo kiểu châu Âu.
 
Có dịp gặp lại những anh em cán bộ, công nhân tham gia xây dựng công trình thời đó, họ vẫn thường nhớ về những kỷ niệm của một thời sát cánh bên nhau dựng xây lưới điện, vẫn nhớ hình ảnh ông Trần Quốc Anh (lúc bấy giờ là Phó giám đốc Công ty Điện lực 3, sau này là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) lội nước băng qua làng rượu Kim Long để kiểm tra tiến độ lưới điện khu vực Đông Khánh (Hải Dương - Hải Lăng) hoặc cuốc bộ vào tận bản Pa Nho (Khe Sanh - Hướng Hóa) để thăm, nói chuyện với bà Hồ Thị Hương, cựu nữ đại biểu Quốc hội và bà con Vân Kiều khi điện về đến bản.
 
Họ vẫn nhớ hình ảnh các chuyên gia Pháp ngày đêm lăn lộn với công nhân Việt Nam trên công trường, nhớ sự phấn kích của các chuyên gia khi có trong tay những vật kỷ niệm là đôi quang gánh của người miền xuôi Quảng Trị, các tẩu thuốc của bà con Vân Kiều miền ngược trước ngày về nước cùng bao nhiêu kỷ niệm khác...
 
Qua gần 20 năm vận hành, lưới điện Pa Nho - Đông Khánh ngày ấy vẫn bền bỉ với thời gian, chất lượng của thiết bị vẫn đáng tin cậy, tất cả những điều ấy đều nói lên một điều rằng chất lượng và đẳng cấp thiết bị quyết định nhiều vấn đề về hiệu quả đầu tư, về giảm tổn thất điện năng, về tăng độ tin cậy cấp điện, về tăng năng suất lao động...
 
Và món quà của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải
 
A Dơi, Pa Tầng là 2 xã xa trung tâm nhất thuộc 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa có đường biên giới với nước bạn Lào. Đời sống của đồng bào 2 xã chủ yếu dựa vào trợ cấp của nhà nước, các gia đình mỗi năm cũng chỉ thu hoạch được vài chục cân lúa trỉa trên rẫy, vườn nhà nuôi dăm ba con gà và trồng mấy gốc xoài, chất đốt chính là gỗ củi thu được từ việc phá rừng đốt nương phát rẫy. Phương tiện liên lạc tại cụm xã A Dơi, Pa tầng, A Xing, A Túc, Xy chỉ duy nhất là chiếc máy điện thoại vệ tinh được đặt tại nhà một cán bộ xã A Túc vừa là quán ăn lớn nhất vùng. Từ ngã ba Tân Long (tính từ Đường 9) vào đến xã A Dơi, xã Pa Tầng vào những năm 2001, 2002 là hơn 40km đường đất nhỏ hẹp uốn lượn quanh co qua các sườn núi và hầu như chưa có một cây cầu nào được bắc qua các con suối lớn, nhỏ.
 
Ngày ấy, người và các phương tiện vận tải đi vào A Dơi - Pa Tầng phải qua một trạm kiểm soát biên giới đóng ở đầu con đường xuống ngầm của con suối La La.
 
Việc đưa điện vào A Dơi, Pa Tầng được xem là một nhu cầu chính đáng không chỉ của cán bộ, nhân dân hai xã mà là nỗ lực chung của huyện Hướng Hóa, ngành điện và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Vì vậy nhân chuyến thăm Quảng Trị, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ đã quyết định xây dựng Công trình điện A Dơi - Pa Tầng làm quà tặng góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội của bà con Vân Kiều mang họ Bác Hồ hai xã miền Tây Hướng Hóa, Quảng Trị.
 
Với tính chất quan trọng và yêu cầu khẩn trương về tiến độ, công trình điện A Dơi - Pa Tầng nhận được sự quan tâm rất lớn của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực 3. Điện lực Quảng Trị và Xí nghiệp cơ điện Công ty Điện lực 3 được giao thi công công trình có ý nghĩa này. Toàn bộ các công việc khảo sát, thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, thi công, nghiệm thu đóng điện được thực hiện một cách khoa học, nhiều khó khăn vướng mắc của thực tế hiện trường như việc chuyển hướng tuyến để tránh các rừng ma, việc vận chuyển vật tư thiết bị qua các ngầm, việc đào đúc móng cột gặp địa chất phức tạp... đã được bàn bạc giải quyết nhanh chóng, thấu đáo. Tất cả lãnh đạo của Điện lực Quảng Trị, các phòng, ban bộ phận, những đội xung kích, đặc biệt là Chi nhánh Điện Khe Sanh đã thực sự vào cuộc theo phương châm tất cả cho A Dơi - Pa Tầng.
 
Vào những giai đoạn quyết liệt nhất, anh Ngô Việt Hải - Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng giám đốc Tổng Công ty phát điện 2 - trực thuộc EVN) đã trực tiếp ra hiện trường cùng ăn cùng ngủ với anh em cán bộ, công nhân để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Việc xây dựng công trình điện A Dơi - Pa Tầng được xem là một kỷ lục về thời gian về xây dựng lưới điện miền núi trên địa bàn Quảng Trị, là biểu hiện của sự quyết tâm cao độ trong việc thi đua thực hiện nhiệm vụ trong những thời điểm quyết định. Chính vì vậy mà trước tết Nhâm Ngọ (mùng 6 tháng Chạp Tân Tỵ tức 18-1-2002) công trình đã hoàn thành nghiệm thu đóng điện.
 
Trong những ngày này, đến với các xã vùng Lìa, dải đất dọc bên dòng Sê Pôn - dòng sông biên giới hữu nghị Việt - Lào nói chung và hai xã A Dơi, Pa Tầng nói riêng, những người xây dựng vận hành lưới điện luôn nhớ về một thời đã qua, khi họ cùng nhau chung tay để thắp sáng một niềm tin vào tương lai tươi đẹp. Với các công trình điện đã được xây dựng, với con đường trải nhựa phẳng lì đến gần trung tâm vùng Lìa đang được hối hả thi công để nối với những khu vực xa xôi nhất, với cở sở sản xuất của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, đất đai vùng Lìa đã được đánh thức, cây sắn đã thực sự trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, với hàng trăm tỉ đồng nguyên liệu sắn tươi cấp cho nhà máy chế biến hằng năm.
 
Quảng Trị đã hoàn thành đưa điện đến các xã trong toàn tỉnh từ năm 2007, đến nay những bản làng cuối cùng đang được Tổng Công ty Điện lực miền Trung vay vốn ADB thi công cấp điện. Lưới điện nông thôn, miền núi đang được tiếp tục nâng cấp, sửa chữa. Công cuộc điện khí hóa đã và đang đang trở thành động lực lớn cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhưng những dấu ấn của các công trình điện khí hóa nhỏ nhưng tình nghĩa ấy vẫn như đang hiện hữu, như đang vang vọng thanh âm của những bài ca đi cùng năm tháng.
Petrotimes