Tin trong nước

Có một thu ngân như thế

Thứ năm, 29/10/2009 | 09:25 GMT+7

Tổng kết phong trào thi đua về công tác kinh doanh viễn thông của Điện lực ĐắkLắk vừa qua, trong số 85 thu ngân viên được khen thưởng về thành tích thu cước viễn thông, anh là người duy nhất có tỷ lệ thu cước đạt 100%. Tỷ lệ này đã để lại ấn tượng không chỉ đối với Hội đồng thi đua khen thưởng mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với lực lượng thu ngân viên và các đơn vị trong Điện lực. Anh là Nguyễn Đức Khương, chủ dịch vụ điện nông thôn tại xã Buôn Tría, huyện Lắk.

Bắt đầu với lắm khó khăn…

Anh Nguyễn Đức Khương, chủ dịch vụ điện nông thôn tại xã Buôn Tría, huyện Lắk (Ảnh: Mỗi khi mặt nước hồ Lắk dâng lên, việc đi thu tiền gặp rất nhiều khó khăn)
Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo Quốc lộ 27, vượt qua gần 60 km là đến hồ Lắk, một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh ĐắkLắk. Những ngày đầu tháng 10/2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, nước hồ Lắk dâng lên khá lớn làm cho mặt hồ rộng mênh mông. Men theo bờ hồ chừng 5km, chúng tôi đến nhà thăm anh vừa lúc anh dắt xe máy ra chuẩn bị đi thu tiền buổi chiều. Khi biết chúng tôi không chỉ ghé thăm mà có mục đích khác, anh tươi cười : “Đừng viết báo, xấu hổ lắm…”.

Qua câu chuyện được biết, năm 2005, anh ký hợp đồng với CNĐ Krông Ana (lúc đó chưa thành lập CNĐ Lắk) để làm đại lý thu tiền điện. Từ ngày CNĐ Lắk thành lập và có thêm nhiệm vụ kinh doanh viễn thông (năm 2007), anh được lãnh đạo CNĐ giao thêm công việc thu cước viễn thông. Lúc đầu anh cũng nghĩ, công việc đi thu tiền viễn thông chắc cũng như đi thu tiền điện, cứ cầm hóa đơn đi đến từng nhà lấy tiền thế là xong, nhưng khi chính thức đi thu mới thấy hết sự khó khăn của công việc này nhất là đối với những xã khó khăn như xã Buôn Tría, xã Đắk Liêng. Nếu thu tiền điện chỉ có việc đi thu tiền, nhà nào chưa có tiền thì hẹn ngày khác đến thu, hoặc có biện pháp khác còn việc thu cước viễn thông ngoài việc đi thu còn phải biết chút ít về lĩnh vực viễn thông điện lực để giải thích, hướng dẫn hoặc giải đáp nhanh những thắc mắc của khách hàng. Để làm được việc này, không những thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thu ngân viên do Điện lực tổ chức mà bản thân cũng phải tự học hỏi rất nhiều mới đáp ứng được. Anh cho biết thêm, thời gian đầu khi viễn thông điện lực mới đi vào hoạt động, việc đi thu ban đầu thực sự cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều khách hàng “chê” sóng yếu hoặc điện thoại không gọi nhưng vẫn phát sinh cước,… để chây ì trong việc thanh toán tiền cước. Để làm rõ việc này, anh đã đề nghị khách hàng quản lý thật chặt máy điện thoại của gia đình trong một tháng để đối chiếu. Ví như, mỗi lần gọi xong cất điện thoại vào tủ, khi nào có nhu cầu thì lấy ra gọi không thì thôi. Hoặc có gia đình anh hướng dẫn, cứ gọi cuộc nào ghi vào sổ cuộc đó, sau khi có hóa đơn cước đem ra so sánh. Với cách làm có vẻ “hai lúa” thế này mà đem lại hiệu quả thực sự. Hóa ra, trước đây do quản lý không chặt, con cái của họ dùng vô tội vạ, nào là nhắn tin các trò chơi trên truyền hình, nào dùng điện thoại để tán gẫu, nào để hàng xóm gọi chùa… vì vậy mà tiền cước mới đội lên nhiều, lúc đầu họ cũng nghĩ viễn thông Điện lực tính thêm, sau một thời gian quản lý chặt như thế họ nới hiểu ra. Thế là, không những nợ cũ đã được thanh toán mà kể từ đó, mỗi khi có hóa đơn cước viễn thông, khách hàng đều thanh toán đầy đủ. Cá biệt, có trường hợp, do thường xuyên vắng nhà nên khách hàng đưa tiền trước rồi trừ dần kẻo “tội chú Khương đi lui đi tới nhiều lần” như lời của ông Đỗ Văn Vội ở Buôn Tría nói. Và người này nói cho người kia biết, cả buôn rồi cả xã nhà nào có điện thoại đều chú trọng đến công tác quản lý và đương nhiên tiền cước họ đều thanh toán đầy đủ không còn nợ nần dây dưa.

Những con số đáng trân trọng

Hiện tại, anh Nguyễn Đức Khương đang ký hợp đồng với Điện lực Đắk Lắk để thu hơn 1000 khách hàng sử dụng điện và gần 300 khách hàng viễn thông trên địa bàn xã Buôn Tría và xã Đắk Liêng thuộc huyện Lắc với bán kính đi thu khoảng 15 km. Đây là hai xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm khoảng trên 40%. Điều đáng nói, trong những năm qua, không những tỷ lệ thu tiền viễn thông đạt 100% mà tỷ lệ thu tiền điện của anh từ năm 2005 đến nay cũng đều đạt 100%. Thành tích này đã góp phần cho CNĐ Lắk trong thời gian vừa qua luôn dẫn đầu Điện lực ĐắkLắk về chỉ tiêu thu cước viễn thông và kinh doanh điện năng. Với kết quả đó, thu nhập bình quân hàng tháng của anh đạt khoảng 3,3 triệu đến 3,5 triệu đồng. Khi được hỏi kinh nghiệm để thu đạt kết quả cao, anh cho biết: “Muốn thu tốt (kể cả thu tiền điện và cước viễn thông) vấn đề quan trọng nhất là phải hiểu biết về khách hàng mình đang thu; tìm hiểu xem họ làm nghề gì, hoàn cảnh gia đình họ ra sao; thời gian nào đi thu là hợp lý nhất và một vấn đề không kém phần quan trọng là phải giữ uy tín với khách hàng. Ví dụ, hôm nay họ chưa có tiền, họ hẹn 5 giờ chiều mai đến nhà, thì chiều mai dù có bận rộn chừng nào thì đúng 5 giờ là phải có mặt. Hoặc khi họ gọi điện yêu cầu mình đến nhà để hỏi một vấn đề gì đó liên quan đến công việc thì không được từ chối…”.
Kết thúc bài viết, xin ghi lại lời nói vừa đùa vừa thật của một nữ CBCNV CNĐ Lắk lúc chia tay: “Anh mà viết về gương anh Khương trong việc đi thu tiền cước viễn thông và thu tiền điện là đúng người, đúng “tội” rồi đó. Em nghĩ khó có người vượt qua anh ấy đâu, Em đã từng đi thu nên em biết, để đạt được tỷ lệ đó thì người đi thu phải cố gắng như thế nào…”.

Theo: PC3