Chi phí sản xuất điện tăng cao do giá nhiên liệu tăng đột biến

Thứ tư, 14/9/2022 | 20:39 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 8-2022, EVN tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 với sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng đạt 23,9 tỷ kWh. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Lũy kế 8 tháng đạt 181,92 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống: Sản lượng thủy điện đạt 63,25 tỷ kWh, chiếm 34,8%;  Nhiệt điện than đạt 71,67 tỷ kWh, chiếm 39,4%; Tua bin khí đạt 19,67 tỷ kWh, chiếm 10,8%; Năng lượng tái tạo đạt 24,95 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 18,82 tỷ kWh, điện gió đạt 5,84 tỷ kWh) và điện nhập khẩu đạt 1,91 tỷ kWh, chiếm 1%.
 
Trong 8 tháng đầu năm, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 84,57 tỷ kWh, chiếm 46,49% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.
 
Cũng trong 8 tháng đầu năm, EVN và các đơn vị đã khởi công 88 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 65 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV (bao gồm: 6 công trình 500kV, 13 công trình 220kV và 46 công trình 110kV). Trong đó, đã đóng điện đường dây 500kV Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, trạm biến áp 220kV Chư Sê, nâng công suất trạm biến áp 220kV Bỉm Sơn, nâng công suất trạm biến áp 220kV Đô Lương, dự án đấu nối 110kV sau trạm biến áp 220kV Chư Sê, đường dây 110kV cấp điện cho trạm biến áp 110kV XM Đại Dương.
 
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Bộ Công Thương cho phép thi công trở lại. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm (dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy NĐ Quảng Trạch 1, dự án Cơ sở hạ tầng dùng chung các Nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất 1, 2 và 3...) vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm...

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tính đến hết tháng 8-2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 90,72%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 97,32%; các đơn vị trong EVN đã hoàn thành 86,5% kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số trong 2 năm 2021-2022, trong đó, một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như quản trị nội bộ (98,98%), kinh doanh và dịch vụ khách hàng (97,56%), đầu tư xây dựng (94,8%).
 
Tháng 9, dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống  ở mức 754,8 triệu kWh/ngày (tăng 18,6% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 41.400 MW. 
 
Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, EVN huy động tối đa các nhà máy thủy điện đang phải xả nước (hoặc có nguy cơ xả nước) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Ban chỉ đạo các địa phương, cập nhật dự báo thủy văn để có kế hoạch điều tiết phù hợp; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy - nhiệt điện; khai thác cao các nhiệt điện than nội khu vực phía Bắc để tích dần nước các hồ thủy điện; dự phòng nhiệt điện dầu; tập trung nhân lực, vật tư thiết bị hoàn thành các dự án: Mạch 2 đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng, đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn, đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương, đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc...; chỉ đạo các Tổng Công ty/Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thuỷ điện, vùng hạ du hồ chứa…
Thanh Mai