Con số lên tới 5-7 tỉ USD/năm vốn đầu tư phát triển hệ thống điện, đáp ứng đòi hỏi gia tăng sản lượng điện 15-17% sản lượng điện/năm đã nói lên điều đó. Ngành điện sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ nếu không có sự hỗ trợ từ nền kinh tế cũng như các nguồn lực khác trong xã hội. Những kết quả bước đầu của thị trường điện cạnh tranh và sự giúp sức về mặt tài chính của các tổ chức tín dụng trong việc thu xếp vốn cho các dự án, công trình điện của ngành điện đã chứng minh điều đó.
Kỳ vọng thị trường điện cạnh tranh
Để hoàn thành các nhiệm vụ mà nền kinh tế đặt ra, nhiều giải pháp cụ thể đã được ngành điện triển khai, áp dụng, đặc biệt là phát triển thị trường điện cạnh tranh. Như đã đề cập ở trên, khó khăn lớn nhất mà ngành điện đang phải đối diện là vốn đầu tư phát triển lưới điện nhưng vì trách nhiệm với xã hội, với nền kinh tế, bài toán lợi nhuận, tăng tích lũy đầu tư... đã được ngành điện tạm gác sang một bên. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, những khó khăn về vốn mà ngành điện phải đối diện ngày một lớn và một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khó lòng đủ sức gánh vác. Chính vì vậy, thị trường điện cạnh tranh được kỳ vọng là chìa khóa gỡ bỏ những mâu thuẫn nội tại của ngành điện, tạo nền tảng xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển ngành điện.
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh (đứng giữa) và đại diện các ngân hàng thu xếp vốn cho Dự án Thủy điện Lai Châu
Đại điện của EVN cho biết: Nguyên tắc hoạt động của thị trường cạnh tranh là toàn bộ sản lượng điện của các nhà máy điện được bán cho đơn vị mua duy nhất thông qua chào giá theo chi phí biến đổi để được lập lịch huy động. Điện năng mua bán được thanh toán theo giá hợp đồng và giá thị trường giao ngay của từng chu kỳ giao dịch. Tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho năm đầu tiên của thị trường được quy định ở mức bằng 95% tổng sản lượng điện phát của nhà máy, phần còn lại được thanh toán theo giá thị trường giao ngay. Tỷ lệ này sẽ được giảm dần trong các năm tiếp theo để tăng tính cạnh tranh trong hoạt động phát điện nhưng không thấp hơn 60%.
Và kể từ khi đi vào vận hành đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã cho nhiều kết quả tích cực như các nhà máy điện đã chủ động trong việc vận hành các tổ máy thông qua bản chào giá, làm tăng tính minh bạch trong việc huy động các nguồn điện so với cơ chế huy động nguồn như trước đây. Đặc biệt, nhiều nhà máy thủy điện đã có chiến lược chào giá hợp lý để huy động cao khi nước về hồ đủ lớn, điều này vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy, vừa nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận của nhà máy, góp phần giảm giá thị trường, tạo động lực nâng cao hiệu suất và khả năng sẵn sàng, giảm ngắn thời gian sửa chữa để đưa vào vận hành làm tăng tổng công suất khả dụng cho cả hệ thống điện.
Đặc biệt, bài toán giá điện cũng đã và đang từng bước được điều chỉnh ở mức hợp lý hơn, phản ánh đúng cân bằng cung cầu và minh bạch hơn. Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thì việc vận hành thị trường điện cạnh tranh ngày càng minh bạc đã tạo sân chơi bình đẳng cho các đơn vị phát điện. Trải qua những vướng mắc ban đầu, các nhà máy trực tiếp tham gia chào giá đã từng bước điều chỉnh chiến lược giá chào bán hợp lý và đã gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này cũng được bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định là những tín hiệu vui đối với mục đích hình thành và phát triển một thị trường điện toàn diện của nước ta trong thời gian tới.
Qua đó để thấy rằng, việc đẩy nhanh quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh sẽ là bước đột phá quan trọng giúp ngành điện giải quyết bài toán vốn phát triển hệ thống điện trong tương lai. Tuy nhiên, do điện là lĩnh vực hết sức đặc thù, nhạy cảm nên thị trường điện cạnh tranh vẫn đang được ngành điện triển khai thực hiện dựa trên nền tảng phát triển chung của toàn xã hội. Ngành điện vẫn đang gặp khó nhưng không phải vì thế mà bất chấp tất cả vì lợi ích trước mắt mà hy sinh mục tiêu lâu dài của đất nước, của nền kinh tế.
Cùng điện vượt khó
Gánh nặng đặt lên vai ngành điện là rất lớn và để từng bước giải quyết những khó khăn đó, trong những năm qua, ngành điện luôn nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Đây chính là nền tảng để EVN đầu tư phát triển hàng chục ngàn MW nhà máy điện, hàng trăm ngàn km đường dây tải điện và các trạm biến áp, với kinh phí hàng trăm ngàn tỉ đồng. Số liệu thống kê của EVN cho thấy, đến nay, EVN đã đưa điện đến hơn 98,8% số xã và hơn 96,8% số hộ dân nông thôn, góp phần cải thiện đáng kể cơ cấu kinh tế và bộ mặt của nông thôn Việt Nam theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ.
Những kết quả đó là rất đáng tự hào với đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành điện nhưng theo Tổng giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh thì, ngành điện sẽ khó có thể làm được điều đó nếu không có sự chung tay, giúp sức, chia lửa từ các tổ chức tín dụng trong nước trong việc thu xếp vốn cho các dự án, công trình điện. Lấy Dự án Thủy điện Lai Châu làm ví dụ, ông Thanh cho biết: Đây là dự án trọng điểm quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; ngoài việc hằng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 4.670 triệu kWh điện, Thủy điện Lai Châu còn góp phần cùng các nhà máy thủy điện khác trên Sông Đà phục vụ chống lũ và chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ, góp phần phát triển và ổn định kinh tế xã hội cho các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cho cả vùng Tây Bắc nói chung.
Trong quá trình thực hiện, dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La - Lai Châu, các bộ, ngành và đặc biệt được sự quan tâm tài trợ vốn của các tổ chức tín dụng trong nước, nhờ đó đến nay Dự án Thủy điện Lai Châu đang được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với nhu cầu vốn của Dự án Thủy điện Lai Châu khoảng 35.700 tỉ đồng là rất lớn, ngoài việc huy động nguồn vốn tự có thì khoản tín dụng 14.500 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đã góp phần hết sức quan trọng vào sự thành công của của dự án.
Được biết trong những năm qua, EVN luôn luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất có hiệu quả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank trong hầu hết các dự án của tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn V, tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn VI và các dự án đang triển khai tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn VII. Với số tiền hơn 40 ngàn tỉ đồng vay của các ngân hàng thương mại và sự giúp đỡ của các định chế tài chính khác, cho đến nay hàng chục ngàn MW công suất các nhà máy điện của EVN đã và đang được đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả, về cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc các ngân hàng thương mại cho EVN vay 14.500 tỉ đồng để đầu tư Dự án Thủy điện Lai Châu ngày hôm nay trong bối cảnh thu xếp vốn cho các dự án đang rất khó khăn một lần nữa lại khẳng định sự hỗ trợ, giúp đỡ rất hiệu quả và bền vững này.
Phát huy những kết quả đó, Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh: “EVN cam kết sẽ chỉ đạo sát sao công tác thi công đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra; đồng thời sẽ sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các ngân hàng thương mại trong quá trình giải ngân cho dự án”.