Chủ động nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Thứ tư, 3/10/2018 | 08:56 GMT+7
Hiện nay, việc phát triển nguồn điện có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, các nguồn lực khác chưa thu hút được nhiều thì một trong những giải pháp đang được các bộ, ngành, chuyên gia ủng hộ, đó là phát triển những dự án phát điện bằng năng lượng tái tạo (NLTT) phân tán, độc lập hoặc không đấu lưới bởi đặc thù ở nước ta vẫn còn rất nhiều khu vực đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa chưa được sử dụng điện lưới quốc gia do địa hình hiểm trở. Người dân sống phân tán, không tập trung, nếu kéo đường điện về thì kinh phí đầu tư rất cao, trong khi bà con lại không sử dụng nhiều điện.
 
Bộ Công thương cho biết, sau hơn một năm triển khai, Quyết định số 11/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (DAÐMT) tại Việt Nam và Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các DAÐMT đã tạo được "cú huých" cho thị trường ÐMT tại Việt Nam. Ðối với các DAÐMT lắp mái, tính đến cuối tháng 7-2018, đã có 748 dự án được triển khai trên cả nước, với tổng công suất 11,55 MWp (Wp là công suất tối đa mà pin mặt trời có thể sản xuất trong điều kiện tối ưu). Tuy đã tạo được tín hiệu đáng mừng nhưng việc triển khai cũng đang gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các DAÐMT áp mái; chứng nhận về thiết bị biến tần...

Do đó, các cấp, các ngành cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, thì mới tạo động lực thúc đẩy ÐMT phát triển mạnh mẽ. Theo Quyết định số 11/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11-4-2017), các DAÐMT lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng đồng hồ đo điện hai chiều.
 
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu về phát triển ÐMT lắp mái. Tính đến nay, đã có gần 300 khách hàng ÐMT lắp mái nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Ðể hỗ trợ khách hàng, EVNHCMC chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt điện kế hai chiều, ghi chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số ÐMT phát ngược lên lưới cho khách hàng...

Nhưng đến nay, EVNHCMC vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán ÐMT với khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và phát hành hóa đơn cho khách hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Theo các chuyên gia, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể phương thức bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và hóa đơn trong hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các hộ dân.
 
Việc phát động toàn dân phát triển ÐMT trên mái nhà, ao hồ, sườn đồi, trên các tòa nhà... là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ mọi vướng mắc cho ÐMT lắp mái nối lưới. Với hàng chục triệu hộ gia đình trên cả nước, chỉ cần mỗi hộ phát lên lưới vài kW giờ, sẽ có con số tổng sản lượng điện rất lớn; góp phần giảm tải áp lực đầu tư. Hiện nay, Bộ Công thương đang xem xét trình Chính phủ sửa đổi cơ chế giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn NLTT, đối với DAÐMT áp dụng sau tháng 6-2019; cơ chế đấu thầu riêng, hợp đồng mua bán điện cho các DAÐMT; đồng thời, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 11 để giải quyết những vấn đề liên quan thuế cho các DAÐMT lắp mái.

Theo Cục Ðiện lực và NLTT (Bộ Công thương), mục tiêu của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 là hầu hết số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: các thôn, bản, hộ dân chưa có điện, hầu hết đều ở vùng đặc biệt khó khăn, bị cô lập về địa hình, nằm quá xa lưới điện quốc gia; dân cư sống rải rác trong khi chi phí đầu tư cấp điện lớn, mức tiêu thụ điện năng lại ít.
 
Trong bối cảnh đó, các nguồn NLTT phân tán, độc lập, không nối lưới cho những vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới được coi là một trong những giải pháp giúp bà con vùng sâu, vùng xa chủ động về nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Việc ứng dụng các mô hình NLTT tại chỗ như đèn xách tay năng lượng mặt trời, pin năng lượng mặt trời..., hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của người dân tại các địa bàn này. Cùng với đó, cần thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực để huy động vốn đầu tư cho phát triển các giải pháp NLTT không nối lưới...
Theo: Báo Nhân Dân