Tin mới nhất

Chuẩn bị cho những đợt nóng nắng tiếp theo: Công ty Điện lực Hà Nội ra quân củng cố lưới điện

Thứ hai, 15/6/2009 | 13:47 GMT+7
Đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2009 bắt đầu từ ngày 7-6 khiến cho phụ tải của Hà Nội tăng đột biến với công suất cao nhất lên tới  1553MW (ngày 10-6), tăng 29% so với ngày có công suất cao nhất năm 2008; sản lượng gần 32,5 triệu kWh, tăng hơn 41% so với ngày có sản lượng cao  nhất năm 2008. Nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội bị mất điện do quá tải cục bộ ở các trạm biến áp phân phối (TBA) và nhảy áp tô mát. Để giảm thiểu tình trạng mất điện do quá tải máy biến áp và nhảy áp tô mát, Công ty Điện lực Hà Nội (HNPC) đã tổ chức ra quân củng cố lưới điện trên toàn địa bàn từ ngày 11-6 và hoàn thành vào 14-6.


Công nhân Chi nhánh điện Quốc Oai ( Công ty Điện lực Hà Nội) đóng, cấp điện cho các hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà

Đã lường trước mùa hè

Không phải chỉ ở HNPC, mà cả ngành điện từ khâu sản xuất (Nhà máy), truyền tải (đường dây 500kV, 220kV và 110kV) đến phân phối (các đơn vị Điện lực) đều là triển khai phương án cung cấp điện mùa khô. Đặc biệt đối với các Điện lực phải hoàn tất phương án chống quá tải trong tháng 4 hàng năm. Năm 2007, HNPC đã thực hiện phương án chống quá tải với giá trị vốn 340,4 tỷ đồng; năm 2008 là 341,3 tỷ đồng và năm 2009, chưa kể phần đầu tư cho lưới điện trung và hạ thế, chỉ riêng phương án chống quá tải đối 13 công trình 110kV đã có tổng giá trị vốn là 240 tỷ đồng, bao gồm: cải tạo và mở rộng Trạm Gia Lâm, Văn Điển, Văn Quán, Thường Tín, Trôi, Đông Anh, Vân Đình, Phúc Thọ, Tía; xây dựng mới trạm Linh Đàm, Cầu Diễn và cải tạo một số đường dây 110kV.

Mặc dù HNPC đã xác định cũng cấp điện năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưới điện do hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã Hòa Bình về Hà Nội. Lưới điện ở những khu vực trên đều bị cũ nát, phần lớn hệ thống lưới điện hạ áp của các thị trấn, xã được xây dựng từ nhiều năm, đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp không được các tổ chức quản lý kinh doanh quan tâm nên hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng. Chưa kể nhiều trạm biến áp đặt chưa đúng trung tâm phụ tải do tại thời điểm xây dựng việc quy hoạch khu dân cư chưa rõ ràng, bên cạnh đó, phát triển phụ tải ở khu vực nông thôn tràn lan, nên bán kính cấp điện có nhiều nơi lên tới 2km, nên việc cấp điện rất khó an toàn, liên tục và ổn định. Thậm chí cả những ngày không nắng nóng, có nhiều khu vực, vào giờ cao điểm điện áp chỉ khoảng 100V.

Cuộc tập trận lần thứ nhất

Có thể coi đợt nóng nắng vừa qua là cuộc tập trận lần thứ nhất từ sau ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và sự cố đầu tiên của mùa hè 2009 là sự kiện cháy máy biến áp 7.500kVA của Trạm biến áp (TBA) trung gian Phúc Yên (do Công ty Điện lực 1 quản lý- PC1) cấp điện cho toàn bộ huyện Mê Linh từ ngày 7-6. Ngay sau khi máy biến áp bị cháy, PC1 đã thay thế máy biến áp 3.200kVA để cấp điện tạm thời cho khu vực. Do công suất máy biến áp dự phòng này chỉ có công suất bằng ½ so với công suất máy biến áp bị cháy nên huyện Mê Linh vẫn bị cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm. Theo kế hoạch, 15-6-2009, việc sửa chữa mới được hoàn thành thì huyện Mê Linh mới được cấp điện trở lại bình thường.

16 giờ ngày 13-6, máy biến áp công suất 3.200kVA của Trạm trung gian Quốc Oai bị cháy. Trưởng Chi nhánh điện Quốc Oai Lê Ánh Dương cho biết, sau Trạm trung gian Quốc Oai là 19 TBA phân phối cấp điện cho 4 xã là: Ngọc Mỹ, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Nghĩa Hương với tổng số hộ sử dụng lên tới khoảng 30 ngàn hộ. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Điện lực Quốc Oai đã huy động 45 cán bộ công nhân ắthc trọn đếm để tiến hành thay  máy biến áp và cho đến 6 giờ sáng ngày 14-6 thì đóng điện trở lại. Trong thời gian thay máy biến áp Trạm trung gian Quốc Oai, Điện lực đã tạm thời cấp điện cho khoảng 8 ngàn hộ từ Trạm trung gian Hòa Thạch.

Trong đợt nắng nóng vừa qua, trên toàn địa bàn Hà Nội có 174 TBA phân phối trong tình trạng quá tải; 184 áp tô mát quá tải; số lần nhảy áp tô mát là 306 lần (ngày 8-6), 311 lần (ngày 9-6) và 270 lần (ngày 10-6); Trong 3 ngày, PCHN phải huy động 4.500 người trực.

Trưởng Chi nhánh điện Quốc Oai cũng cho biết, Chi nhánh đang quản lý bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng cho 13 xã và 1 thị trấn với 23.000 khách hàng (toàn huyện có 20 xã và 1 thị trấn). Tháng 4-2009, Chi nhánh đã hoàn thành 11 công trình chống quá tải, nhưng do lưới điện quá cũ nát, hơn nữa trong những ngày nắng nóng vừa qua, phụ tải đã tăng đột biến lên tới 18% nên rất dễ gây ra sự cố.

Phó Chủ tịch Thường trực huyện Quốc Oai Hoàng Năng Thiều cho biết, ngay sau khi xác định sự cố mất điện là do cháy máy biến áp, lãnh đạo huyện đã yêu cầu lãnh đạo các xã thông báo và giải thích với người dân thông cảm và không có những thông tin sai lệch.

Tại Điện lực Thanh Xuân, toàn bộ cán bộ công nhân cũng ra quân để hoàn tất việc thay áp tô mát và nâng công suất một số TBA phân phối. Phó Giám đốc Điện lực Thanh Xuân Đăng Vũ Hải cho biết, hiện nay Điện lực đang quản lý 420 TBA phân phối, trong đợt nắng nóng vừa qua có 16 TBA phân phối trong tình trạng cấp điện không ổn định do phụ tải tăng đột biến. Tập trung ở những khu vực ven đô, phụ tải chưa ổn định do dân cư đang phát triển, như: Khương Trung, Khương Đình, Phương Liệt, Thượng Đình và Nhân Chính.

Do tình hình nắng nóng vẫn đang diễn biến phức tạp nên hiện nay Điện lực Thanh Xuân vẫn duy trì trực tăng cường 25 người/ca (bình thường chỉ 10 người/ca).

Mong muốn có sự thông cảm của khách hàng

Phó Giám đốc HNPC Bùi Duy Dụng cho biết, mặc dù HNPC đã có sự chuẩn bị cho việc cung cấp điện mùa hè, theo đó, nhiều công trình chống quá tải đã được hoàn tất từ tháng 4, nhưng với phụ tải tăng đột biến lên tới trên 40% thì việc cung cấp điện không thể không bị động. Vì vậy, HNPC rất mong muốn có sự thông cảm từ phía khách hàng.

Theo ông Dụng, qua đợt nắng nóng vừa qua, HNPC cũng nhận thấy ở một vài khu vực, lưới điện Hà Nội đã bộc lộ những tồn tại như quá tải máy biến áp phân phối, hay tình trạng nhảy áp tô  mát do quá tải đường trục, lệch pha, vì vậy, ngay từ ngày 11-6, nắng nóng giảm đi, Công ty đã yêu cầu  các Điện lực, Chi nhánh phải xử lý ngay những tổn tại trên như làm thêm đường dây xuất tuyến để giảm tải, hoán đổi máy biến áp từ khu vực non tải sang khu vực quá tải. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra và cân đảo pha lộ hạ thế, thay áp tô mát…Tuy nhiên, các giải pháp trên cũng chỉ mang tính chất giải quyết tình thế, cấp bách để giảm thiểu sự cố khi xuất hiện những đợt nắng nóng tiếp theo trong năm nay. Về lâu dài, HNPC tiếp tục đầu tư phát triển và củng cố lưới điện trên cơ sở dự báo phụ tải và đặc biệt quan tâm đến những yếu tố làm  phụ tải đột biến tăng./


Thanh Mai