15 mùa nguy nan
Đứng trên cầu Xơi, dõi theo hướng tay chỉ, tôi nhìn xuống lòng sông thượng nguồn Vu Gia. Dòng nước róc rách len lỏi chảy hiền hòa qua các phiến đá nhấp nhô trên mặt sông. Vậy mà cũng đoạn sông này 13 năm trước – qua lời kể của anh cán bộ dẫn đường - trước mắt tôi hiện lên Ngầm Xơi với bãi đá lổn nhổn như chông, lũ về dâng ào ạt cuốn phăng mọi thứ. Không cầu, không thuyền bè, không phương tiện nào có thể vượt qua. Trong lúc đó, tại Phước Sơn (Quảng Nam), mưa lũ đã làm sạt lở mái kè taluy âm một bên móng cột vị trí 1906 đường dây 500 kV mạch 1. Công ty Truyền tải điện 2 đã huy động lực lượng từ các đội Truyền tải điện Đà Nẵng, Giằng, Phước Sơn và Đăkglei tham gia ứng cứu. Nhưng để đến được Phước Sơn chỉ có con đường độc đạo là… vượt qua dòng lũ đang cuồn cuộn ở Ngầm Xơi. May thay, có con thuyền độc mộc của một người dân tộc điều khiển, mặc dù chỉ chở được mỗi chuyến 1 người, nhưng đã tình nguyện đưa lần lượt từng người, từng thiết bị của đội truyền tải qua sông để kịp thời đi ứng cứu sự cố. Sang đến bờ bên kia cũng không có phương tiện nào khác ngoài loại xe… “căng hải”. Giám đốc Công ty truyền tải điện 2 ngày đó là anh Nguyễn Hà Đông (nay là Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) đã cùng anh em công nhân lặn lội cuốc bộ hơn 50 cây số đường rừng trong mưa lũ để kịp đến hiện trường chỉ huy khắc phục sự cố…
Dừng chân ở xã Cư Né, huyện Krông Buk (Đăklăc), chúng tôi được Trưởng truyền tải điện Đăklắc (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) Võ Duy Khánh đưa đến vị trí 2603. Chỉ cách mặt đường cái non nửa cây số mà chúng tôi lật đật “bò” mãi mới vào tới nơi. Ấy là bây giờ đường xá còn thuận lợi – anh Khánh nhìn chúng tôi mướt mải mồ hôi, nói - chứ như ngày xưa làm gì có đường, anh em chân thì dò đường, tay thì cầm dao phạt cây rẽ lối… Anh cho biết: Cũng tại vị trí này, 2 năm trước đã xảy ra 1 sự cố nguy hiểm. 8h sáng anh em đi kiểm tra tuyến trong lúc đang mưa lũ rất to và đã phát hiện móng bị lở cách chân cột chưa đầy 5m. Ngay lập tức hơn 70 cán bộ, công nhân Truyền tải điện Đăklăc đã được điều động đến xử lý. Đường vào hẹp, lại lắt léo, trời vẫn mưa lũ ầm ầm, anh em phải vác dụng cụ, thiết bị vận chuyển từ ngoài vào để khắc phục kịp thời. Liên tục 2 tháng thi công, đang mùa mưa nên phải trải bạt toàn bộ xung quanh chân cột để nước không ngấm vào đất, tránh việc đất bị nhão sẽ tiếp tục lở; đồng thời phải néo cột, đóng cọc giằng ở dưới chân đồi để đảm bảo xử lý ở trên và vẫn liên tục vận hành… Nhìn mấy cây cột lừng lững trên mỏm quả đồi, xung quanh móng đã được kè đá vuông vức xuống tận lưng chừng đồi, chúng tôi hình dung nếu ngày ấy các anh không lặn lội trong mưa lũ đi kiểm tra, phát hiện và không kể hiểm nguy xử lý kịp thời thì hậu quả không biết sẽ thế nào… Có đi tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy hết sức mạnh phi thường của những người lính truyền tải các anh.
|
"Lính truyền tải" chống sạt lở móng cột đường dây 500kV Bắc Nam |
Đã 15 năm kể từ khi đường dây 500 kV mạch 1 chính thức được đóng điện đi vào vận hành. 15 năm là 15 mùa khô đối mặt với những nguy cơ cháy rừng, phóng điện qua sứ; là 15 mùa mưa với mối lo sạt lở, đổ cột, đứt dây… 15 năm chưa hết một thế hệ những người quản lý, vận hành đường dây, song quá đủ thời gian để trải nghiệm những gian nan không bút nào kể xiết. Trải dài dọc đất nước từ đầu Bắc đến mũi Nam, trên mỗi cung đoạn, mỗi địa bàn, anh em truyền tải lại phải đối mặt với những khó khăn riêng tuỳ đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, thói quen, tập tục địa phương… Có điều duy nhất mà tôi nhận thấy giống nhau và rất đáng khâm phục ở những người thợ truyền tải điện khắp đất nước là sự bền bỉ, dẻo dai và vô cùng dũng cảm.
Cheo leo đường công vụ
Những lúc sự cố, thợ truyền tải phải đối mặt với nguy hiểm đã đành. Nhưng có khi chỉ là đi kiểm tra tuyến, nội việc phát cây mở lối, lội bộ qua đám mòng mong, muỗi vắt, sình lầy để vào đến vị trí cột cũng mất tới hơn nửa ngày đường. Anh em nhiều khi phải ngủ nhờ nhà dân hoặc thậm chí mang nồi xoong đi theo để nấu cơm, ăn bờ ngủ bụi là chuyện thường tình… - Anh Đào Viết Trường, Chủ tịch công đoàn Đội đường dây Bình Phước (Công ty truyền tải điện 4) tâm sự. Một trong những khó khăn nhất của công tác quản lý vận hành không thể không nhắc đến là đường vào tuyến hay còn gọi là đường công vụ. Được biết, thời gian đầu các anh cũng tận dụng được đường thi công, nhưng sau một thời gian mưa lũ, các con đường tạm cũng bị xói lở không thể đi được. Có đoạn gần đường cái, nhưng khi hoàn thành đường Hồ Chí Minh thì đường vào tuyến cũng biến mất luôn hoặc quá dốc không thể đi được, do bị phạt chân núi để làm đường. Đã từng lặn lội cuốc bộ lên dốc, xuống đèo, len lỏi qua các đám cây với chiếc gậy trong tay leo lên các vị trí xung yếu, tôi cũng thấm thía nỗi khổ của “dân truyền tải” vì không có đường vận hành. 15 năm qua, đây vẫn là vấn đề nan giải khi ngành Điện muốn dùng vốn sửa chữa để duy tu nhưng bên tài chính lại không quyết toán vì cho rằng “có phải đường của riêng ngành Điện đâu mà đòi bỏ tiền ra làm”. Còn địa phương thì cũng lắc đầu quầy quậy không phối hợp vì “dân chúng tôi có đi lại bằng đường đó đâu”. Hầu hết các con đường vào tuyến hiện nay đều do anh em công nhân tự phát quang và đắp tạm để đi lại, hoặc có nơi đặc biệt khó khăn thì ngành Điện buộc phải sửa chữa, xây dựng bằng tiền phúc lợi. 15 năm qua, để những “cung đường trên không” luôn “sống” và “cõng” hơn 148 tỷ kWh điện thắp sáng mọi miền đất nước, những người thợ đường dây vẫn phải lặn lội trên những con đường ngổn ngang không lối đi ấy với một câu hỏi: Đến bao giờ những con đường công vụ luôn “thông” như những kWh điện không ngừng trải khắp đất nước!?
Một điều không thể phủ nhận là đối với những người quanh năm lặn lội cùng đường dây như lính truyền tải thì rừng cũng là nhà và tuyến là gia đình. Họ luôn là những người vất vả nhất song cũng thầm lặng nhất trong ngành Điện.
Mong muốn bình dị và bản lĩnh “lính truyền tải”
Trở lại đội Truyền tải điện Đăkglei (thuộc Công ty Truyền tải điện 2) sau 5 năm, tôi thực sự ngạc nhiên trước sự đổi thay nơi đây. Còn nhớ cũng thời điểm này năm 2004, tôi đã được anh em trong đội đưa đi thực tế một số vị trí xung yếu như 2022, 2023 và đặc biệt là vị trí 2021 cao nhất đoạn tuyến trên đỉnh đồi 910, được gọi là “cổng trời”. Từ nơi này có thể bao quát cả thị trấn Đăkglei thưa thớt những mái nhà lúp xúp nằm lọt thỏm bên dòng Đăkpcô. Quả thật có lên tận đây, tận mắt nhìn toàn cảnh đường dây 500 kV mạch 1 trườn qua lưng đèo, nối các quả đồi với nhau và trải dài thẳng tắp dọc con đường Hồ Chí Minh thật hùng vĩ mới thấy những người thợ truyền tải mặc dù rất nhỏ nhoi trong mênh mông của núi rừng Trường Sơn, song những nỗ lực của họ cho công tác vận hành lưới điện quốc gia thì lại quá lớn lao. Vậy mà ngày ấy tâm sự với chúng tôi, các anh chỉ có những mong muốn hết sức bình dị là có nhiều sách báo để đọc, được cải tạo sân chung để anh em chơi thể thao và… muốn nghe kể về Hà Nội. Gặp lại đội trưởng Phạm Văn Tuyên sau 5 năm, vẫn nụ cười hiền khô trên khuôn mặt đã pha màu nắng gió, anh hồ hởi cho biết: So với trước, cuộc sống của anh em đã cải thiện hơn rất nhiều, đã có sân tennis, có các phương tiện thông tin để giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, đường xá bây giờ cũng tốt hơn nên đỡ vất vả hơn nhiều…
Luôn đối mặt với hiểm nguy khi làm nhiệm vụ vận hành những cung đường trên không
Đưa chúng tôi viếng thăm nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm của 31 cựu chiến binh phường Kim Liên (Hà Nội) trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, chỉ cách trụ sở đội truyền tải chừng vài cây số, anh Tuyên kể lại: Anh em trong đội là những người đầu tiên phát hiện ngay sau khi tai nạn xảy ra. Ngay lập tức chúng tôi đã cấp báo với các lực lượng của tỉnh đến ứng cứu, đồng thời huy động toàn bộ anh em trong đội mang thiết bị, dây tời, ròng nhau xuống vực để kéo người bị nạn lên… Nghe anh kể lại, chúng tôi thực sự xúc động. Hình ảnh những công nhân truyền tải treo mình trên thân cột cả ngày với cái lưng bỏng rát thấm đẫm mồ hôi để sơn từng cái mặt bích, lau từng bát sứ… mặc dù đã quá quen thuộc, song giờ đây vẫn bộ đồng phục ấy, vẫn những thiết bị chuyên dụng ấy lại là hình ảnh các anh không quản hiểm nguy ròng nhau xuống vực để cứu người. Phải chăng, chính những nguy nan suốt 15 năm vận hành đường dây 500 kV đã tôi luyện nên bản lĩnh của “lính truyền tải” hôm nay!?
Lời kết
Gian khó và nhọc nhằn, những người làm công tác “vận tải điện” cứ âm thầm, lặng lẽ như hành trình không điểm dừng của dòng điện. Dọc dài theo đường dây trên mọi nẻo đất nước, tôi đều bắt gặp những khuôn mặt rắn rỏi, nhuộm nắng pha lẫn sự tự tin. Song mấy ai biết, bằng trách nhiệm của những người vận tải điện cho cả 2 miền, thợ truyền tải quanh năm xuôi ngược Bắc – Nam cùng dòng điện luôn đau đáu trong lòng nỗi lo giông bão, sạt lở mỗi mùa mưa và trằn trọc, day dứt bởi nguy cơ cháy rừng trong những mùa khô. Với họ, thử thách và nguy nan vẫn luôn ở phía trước.