Chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại

Thứ sáu, 12/6/2009 | 16:06 GMT+7
Ngày 11/6, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm nhờ số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm và doanh thu bán lẻ trong tháng 5 tăng trở lại.
Thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 6/6/2009 đã giảm 24.000 xuống 601.000 người - mức thấp nhất kể từ ngày 24/1, từ mức 625.000 trong tuần trước đó.
 
Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 30/5/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 6,82 triệu.
 
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 5/2009 đã tăng 0,5%, sau khi giảm 0,2% trong tháng 4.
 
Đây là tháng đầu tiêu doanh thu bán lẻ tăng trong vòng 3 tháng qua. Doanh thu bán xăng tăng 3,6%, doanh thu bán nguyên vật liệu xây dựng tăng 1,3%, là nguyên nhân quan trọng giúp doanh thu bán lẻ tăng trong tháng.
 
Thông tin này đã có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán bởi vì hoạt động tiêu dùng vốn đóng góp 2/3 GDP của Mỹ.
 
Liên quan đến thông tin đáng chú ý khác, RealtyTrac vừa cho biết số nhà bị tịch biên trong tháng 5/2009 ở Mỹ đã giảm 6% so với tháng 4/2009, nhưng vẫn tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Theo số liệu của RealtyTrac, trong tháng 5, tổng số nhà bị tịch biên là 321.480 đơn vị - cứ có 398 ngôi nhà dùng tiền vay để mua thì có 1 ngôi nhà bị tịch biên.
 
Chuyển qua thông tin đang thu hút sự quan tâm của giới truyền thông Mỹ, Giám đốc điều hành Bank of America Kenneth Lewis vừa chính thức khẳng định với Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ việc Bank of America thâu tóm Merrill Lynch một phần là vì sức ép từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
 
Kenneth Lewis cho biết, FED đã đe dọa cách chức những giám đốc điều hành của Bank of America nếu như ngân hàng này không giữ lời hứa thâu tóm Merrill Lynch - bất chấp tình trạng đổ vỡ tài chính của Merrill Lynch.
 
Như vậy, sau những đồn đoán trước đó thì nay chính Giám đốc điều hành của Bank of America đã khẳng định bị chịu áp lực trong thương vụ thâu tóm gây nhiều tranh cãi ở Phố Wall.
 
Nghi ngờ được đồn thổi nhanh chóng khi ngày 14/9/2008, Bank of America chi 50 tỷ USD để mua lại Merrill Lynch một cách chóng vánh trong thời điểm được xem là đen tối nhất của Phố Wall năm 2008, trong khi nếu để thêm một thời gian ngắn nữa, Merrill Lynch có thể cũng phá sản như Lehman Brothers hoặc chí ít, giá “bán mình” của Merrill Lynch cũng rẻ đi rất nhiều.
 
Với những gì Giám đốc điều hành Bank of America vừa tuyên bố, thì rất có thể quan chức đứng đầu ngành tài chính lúc đó là Henry Paulson và Chủ tịch FED Ben Bernanke sẽ sớm phải giải trình về vấn đề này.
 
Cổ phiếu hàng hóa cơ bản, ngân hàng dẫn dắt thị trường
 
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại nhờ thông tin số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm và doanh thu bán lẻ trong tháng 5 tăng trở lại.
 
Thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức tăng khoảng 0,4%, nhưng sau khi các số liệu về việc làm và bán lẻ được công bố thì cả ba chỉ số đã tăng vọt lên 1%.
 
Các chỉ số hình thành xu thế lên điển trong hầu hết thời gian giao dịch trong ngày đưa chỉ số Dow Jones, S&P 500 có lúc tăng xấp xỉ 1,5%, chỉ số Nasdaq chạm ngưỡng 1,8%. Tuy nhiên, các chỉ số đã đột ngột đi xuống trong hơn hai giờ giao dịch cuối cùng trong ngày - dù vẫn duy trì được sắc xanh trên bảng điện tử.
 
Cùng với đà tăng trong biên độ được nới rộng, tính thanh khoản của thị trường đã cải thiện rõ ràng hơn so với những phiên đầu tuần và bằng phiên trước đó với 1,22 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn New York.
 
Phiên hôm thứ Năm, cổ phiếu của các hãng năng lượng, khai mỏ là đầu tàu dẫn sắt thị trường lên điểm. Chỉ số S&P Năng lượng phiên này tăng 1,8% - trong đó cổ phiếu Chevron lên 2,4%, cổ phiếu Exxon Mobil tăng 0,28%; cổ phiếu Alcoa tiến thêm 6,4%.
 
Khối ngân hàng cũng tạo được sức tăng ấn tượng và đóng góp quan trọng vào đà tăng chung của thị trường khi chỉ số KBW Ngân hàng lên 2,6% - trong đó cổ phiếu Bank of America tăng 8,3%, cổ phiếu Fifth Third Bancorp lên 5,9%,...
Biểu đồ diễn biến của chứng khoán Mỹ ngày 11/6 - Nguồn: G.Finance.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 11/6: chỉ số Dow Jones tăng 31,9 điểm, tương đương 0,37%, chốt ở mức 8.770,92.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 9,29 điểm, tương đương 0,5%, chốt ở mức 1.862,37.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 5,74 điểm, tương đương 0,61%, đóng cửa ở mức 944,89.
 
Chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất trong 5 tháng
 
Cả ba chỉ số chứng khoán khu vực đều tăng điểm, đưa thị trường lên ngưỡng cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Số liệu về tình hình việc làm, bán lẻ ở Mỹ đã có tác động tích cực tới diễn biến của thị trường châu Âu.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng đã dẫn đầu thị trường về biên độ tăng điểm, trong đó cổ phiếu HSBC, UBS, Barclays và BNP Paribas tăng từ 2,2-5,6%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 25,12 điểm, tương đương 0,57%, chốt ở mức 4.461,87. Khối lượng giao dịch đạt 2,49 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức lên 1,11%, khối lượng giao dịch đạt 18,47 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,59%, khối lượng giao dịch đạt 120,11 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á hụt hơi, trừ VN-Index
 
Ngày 11/6, các chỉ số chứng khoán khu vực đã đuối sức sau phiên tăng điểm mạnh một ngày trước đó.
 
Các thị trường Nhật, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ đã giảm điểm nhẹ. Còn các thị trường lớn khác đều tiếp tục lên điểm với biên độ không đáng kể.
 
Biên độ tăng giảm của các chỉ số chứng khoán khu vực đều nằm trong biên độ hẹp. Điều này được xem là một điều chỉnh cần thiết sau phiên tăng điểm “nóng” trước đó.
 
Điểm nổi bật trong phiên này là thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index đã lấy lại đà tăng điểm với biên độ gần 3%. Sự quay đầu của thị trường Việt Nam không nằm ngoài dự báo của nhiều công ty chứng khoán, bởi thị trường đang hừng hực niềm lạc quan.
 
Chuyển qua thông tin đáng chú ý khác, ngày 11/6, Văn phòng Nội các Nhật cho biết GDP của nước này trong quý 1/2009 đã tăng trưởng âm 14,2% - thấp hơn so với mức âm 15,2% được công bố tháng trước.
 
Chứng khoán Nhật đã giảm điểm nhẹ hôm thứ Năm sau khi tăng mạnh phiên liền trước. Trong ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 có lúc đã vượt ngưỡng kháng cự 10.000 điểm trước khi giảm điểm vào cuối phiên.
 
Trước những lo ngại về lãi suất ở Mỹ có thể gia tăng sẽ tác động xấu tới hoạt động tiêu dùng ở Mỹ, cổ phiếu blue-chip khối xuất khẩu đã bị tác động tiêu tực trong phiên này. Trong đó, cổ phiếu của Honda mất 1,4%, cổ phiếu TDK Corp xuống 0,9%, cổ phiếu Sony trượt 0,9%,...
 
Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 giảm 10,16 điểm, tương đương -0,1%, chốt ở mức 9.981,33. Khối lượng giao dịch đạt 3 tỷ cổ phiếu, thị trường có 809 mã giảm điểm và có 758 mã tăng điểm.
 
Liên quan đến thị trường Trung Quốc, Cục Hải quan nước này cho hay xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2009 đã giảm 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 5 lại giảm 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Như vậy thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 đạt 13,4 tỷ USD - thấp hơn so với mức dự báo 14,9 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó.
 
Phiên giao dịch hôm thứ Năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm điểm sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó. Kết thúc phiên, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,67%, chốt ở mức 2.797,32.
 
Chuyển qua thị trường Hàn Quốc, ngày 11/6, Ngân hàng Trung ương nước này đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 2%/năm. Đây là tháng thứ tư liên tiếp Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã giữ nguyên mức lãi suất cơ bản sau khi cắt giảm 3,25% kể từ tháng 10/2008.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI phiên này đã tiếp tục tăng 0,32%, chốt ở mức 1.419,39. Như vậy chỉ số này đã phục hồi được 26% trong gần 6 tháng đầu năm.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,63%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 0,4%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,32%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông nhích 0,03%. Chỉ số BSE của Ấn Độ hạ 0,25%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tăng 2,77%.
Theo: VNE