Chuyển đổi số trong EVN

Chuyển đổi số - Giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của EVNNPC

Thứ sáu, 14/10/2022 | 09:11 GMT+7
Trong những năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã góp phần cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao về đảm bảo điện năng, đưa ánh sáng, sức sống về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.... 
Điện lực Tân Uyên (PC Lai Châu) tổ chức lớp tập huấn vận hành thiết bị bay Flycam để kiểm tra lưới điện.
 
Để tiếp tục phát triển, EVNNPC xác định chuyển đổi số là một trong các nhóm giải pháp quan trọng trong chiến lược trở thành doanh nghiệp số năm 2023.
 
Thành tích đáng khích lệ trong chuyển đổi số
 
Từ năm 2021, EVNNPC đã xây dựng xong kế hoạch chuyển đổi số của Tổng công ty với những mục tiêu, định hướng rõ ràng và khẩn trương tổ chức thực hiện để sớm trở thành tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu Việt Nam; Tiến tới ngang tầm các công ty điện lực nhiều nước khu vực Đông Nam Á, dựa trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và hệ thống dịch vụ xuất sắc.
 
Đến nay, chuyển đổi số của EVNNPC đã đạt được nhiều thành tích rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, đặc biệt là mang đến cho gần 11 triệu khách hàng tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc những trải nghiệm dịch vụ điện công khai, minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện.
 
Điển hình, trong công tác số hóa dữ liệu, EVNNPC đã số hóa gần như toàn bộ dữ liệu về khách hàng, CBCNV, dữ liệu lưới điện 110kV, trung áp, dữ liệu liên quan tới các công trình đầu tư xây dựng, dữ liệu đo đếm...; 100% hồ sơ tài liệu, văn bản đến và đi, hợp đồng với khách hàng đều đã được số hóa.
 
Tổng công ty đã tiến hành số hóa các quy trình nội bộ trong các lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, tài chính kế toán, an toàn - kỹ thuật... thông qua việc xây dựng chương trình số hóa quy trình của Tổng công ty. Trong lĩnh vực kinh doanh điện năng, các quy trình lập, ký, luân chuyển hồ sơ thanh toán, đều được thực hiện trên môi trường số.
 
Các quy trình trong lĩnh vực tài chính kế toán đều đã được đưa lên môi trường số. Trong lĩnh vực kỹ thuật, kết quả của chuyển đổi số là hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện thông qua các chương trình: Hoàn tất chuyển đổi các TBA sang chế độ không người trực và trung tâm điều khiển xa; kết nối thiết bị recloser, LBS về trung tâm điều khiển và triển khai ứng dụng tự động hóa mạch vòng trung áp tại các tỉnh; xây dựng các TBA kỹ thuật số.
 
Lĩnh vực chăm sóc khách hàng, EVNNPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện trên các nền tảng số; kết nối các dịch vụ điện với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Thuế, Cổng dịch vụ công các tỉnh… Qua đó, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, 24/7 và dễ dàng trong việc theo dõi, tra cứu thông tin. Bên cạnh đó, EVNNPC đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc khách hàng tự động qua hệ thống chatbot (trả lời tin nhắn tự động), trả lời cuộc gọi tự động, nâng cấp trang web, App CSKH nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
 
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVNNPC đã ứng dụng nhật ký công trình điện tử và chữ ký số trong công tác quản lý dự án, triển khai hệ thống giám sát thông minh bằng camera đối với nhà thầu tại công trường, giúp kiểm soát chất lượng công trình và tiến độ thi công. Áp dụng các công nghệ mới như thiết kế 3D trong công tác khảo sát thiết kế để nâng cao hiệu suất khảo sát và chất lượng thiết kế.
 
Bên cạnh đó, để lan tỏa văn hóa doanh nghiệp số tới từng CBCNV, EVNNPC đã tổ chức các chương trình đào tạo chuyển đổi số, giúp nâng cao ý thức, kỹ năng, chuyên môn, đáp ứng được các yêu cầu công việc mới khi Tổng công ty dần trở thành một doanh nghiệp số.
Trung tâm Điều khiển lưới điện từ xa tại tỉnh Lai Châu.
 
Sớm chuyển đổi số trong công tác đấu thầu
 
Tại EVNNPC, chuyển đổi số trong công tác đấu thầu được thực hiện rất sớm. Cụ thể, Tổng công ty bắt đầu chuyển đổi số trong công tác đấu thầu từ năm 2019 và đến năm 2021 đã cơ bản hoàn thành với những thành tựu nhất định.
 
Theo đó, 100% số lượng các gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng (trừ các gói thầu vốn ODA không thể tổ chức thực hiện qua mạng); thực hiện ký số tất cả các văn bản phát hành trong công tác đấu thầu (từ bước lập, trình, thẩm định, phê duyệt các văn bản kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu đều được thực hiện trên phần mềm văn phòng điện tử (Eoffice); số hóa quy trình đánh giá chất lượng nhà thầu, thực hiện trên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS).
 
Công tác quản trị điều hành đấu thầu được triển khai trên chương trình IMIS với số liệu được nhập từ các đơn vị thành viên. Qua đó, giúp lãnh đạo Tổng công ty nắm bắt, đánh giá được các chỉ tiêu; đồng thời phục vụ kịp thời công tác quản trị và báo cáo thanh kiểm tra của các bộ, ngành cũng như EVN.
 
Trong công tác đấu thầu, chuyển đổi số đem lại rất nhiều thuận lợi, nhờ đẩy mạnh việc tổ chức đấu thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi, đều được thực hiện qua Mạng đấu thầu quốc gia.
 
Đặc biệt, với việc chuyển đổi số mạnh mẽ, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, công tác đấu thầu tại EVNNPC không bị gián đoạn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
 
Trong thời gian tới, EVNNPC sẽ tiếp tục thực hiện số hóa 100% các quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực đấu thầu thông qua phần mềm số hóa quy trình do Tổng công ty xây dựng và phát triển. Phần mềm số hóa quy trình, sẽ đáp ứng được việc kết nối về nghiệp vụ đấu thầu giữa Tổng công ty với bộ phận đấu thầu tại các đơn vị. Qua đó, giúp EVNNPC đánh giá, theo dõi, quản lý thông tin, cũng như truy vấn dữ liệu phục vụ lập báo cáo chi tiết về đấu thầu một cách nhanh chóng, chính xác.
Nhân viên Điện lực hướng dẫn khách hàng tra cứu sản lượng điện năng tiêu thụ hàng ngày qua ứng dụng Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (App CSKH).
 
EVNNPC sẽ trở thành doanh nghiệp số năm 2023
 
Tổng giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện cho biết: Có được những kết quả như trên là do EVNNPC đã sớm ban hành "Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2021-2022", trong đó nhấn mạnh việc số hóa quy trình và số hóa dữ liệu. Việc các dữ liệu được số hóa đã hình thành cơ sở dữ liệu số, tạo thuận lợi trong việc số hóa các quy trình thuộc lĩnh vực quản lý đấu thầu nói riêng và các quy trình thuộc các lĩnh vực khác của Tổng công ty nói chung.
 
“Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo đề án chung của EVN, EVNNPC đã xây dựng và đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của riêng mình, dựa trên các chương trình lớn, như: Số hóa toàn bộ quy trình nội bộ thông qua phần mềm số hóa quy trình; số hóa toàn bộ tài sản lưới điện thông qua xây dựng hệ thống quản lý lưới điện trên bản đồ (GIS) và các công cụ khai thác, hỗ trợ.
 
EVNNPC hướng tới mục tiêu năm 2022 sẽ cơ bản hoàn tất công tác số hóa dữ liệu, số hóa các quy trình nội bộ, từng bước chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu tập trung và các ứng dụng trên nền bản đồ. Năm 2023, EVNNPC sẽ quản trị, điều hành, tương tác với CBNV, khách hàng, phần lớn trên môi trường số và sẽ trở thành doanh nghiệp số”, Tổng giám đốc EVNNPC nhấn mạnh.
 
 
Theo: Tuổi trẻ Thủ đô