Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên về chặng đường chuyển đổi số trong những năm qua của Tập đoàn.
Năm 2022 là năm thứ 2 EVN triển khai thực hiện "Đề án tổng thể Chuyển đổi số" đã được Hội đồng thành viên EVN thông qua tại Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/2/2021.
Trong đó, Tập đoàn xác định tập trung thực hiện 4 lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi số, bao gồm: Lĩnh vực quản trị nội bộ, lĩnh vực đầu tư xây dựng, lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng.
Tính đến hết tháng 9/2022, EVN đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc đề ra, trong đó có một số lĩnh vực đạt được mức độ hoàn thành rất cao, như lĩnh vực quản trị nội bộ (98,9%), lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng (97,6%), lĩnh vực đầu tư xây dựng (89,8%).
PV: EVN đã đạt được những thành tựu nào trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực trọng tâm, thưa ông?
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN: Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng, có tới 99,67% các giao dịch của người dân với EVN đã được điện tử hóa qua các hệ thống đa kênh dịch vụ, Internet; hơn 97% các nhu cầu sử dụng điện được điện tử hóa thông qua các hợp đồng mua bán điện điện tử.
Đáng chú ý, có tới 90,72% khách hàng đã thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, trong khi một số ít khách hàng ở vùng sâu, vùng xa vẫn thanh toán tiền điện qua kênh truyền thống.
Thời gian tới, EVN đặt mục tiêu đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện lực lên Cổng dịch vụ công quốc gia và được sử dụng các thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư để đơn giản hóa, điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện.
Bên cạnh đó, EVN sẽ đẩy mạnh công tác lắp đặt công tơ điện tử có chuyển số liệu từ xa để tăng tính chính xác, minh bạch về nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Đối với lĩnh vực quản trị nội bộ, hiện nay, 100% đơn vị thuộc EVN đã sử dụng hệ thống văn phòng điện tử (Digital Office), 100% báo cáo được luân chuyển điện tử, 100% các cán bộ quản lý được cấp chữ ký số.
Năm 2021, EVN đã ban hành 27.000 mã định danh điện tử cho các đơn vị thành viên và toàn bộ các đơn vị điện lực đã được kết nối liên thông với Bộ, ngành, địa phương thông qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN cũng ghi nhận những bước tiến dài trong công tác chuyển đổi số, kể như việc ứng dụng số hóa ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu điện tử; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giám sát thi công các công trình xây dựng điện.
Trong lĩnh vực sản xuất, khoảng 97% vật tư thiết bị chính của các nhà máy, trạm biến áp, đường dây truyền tải đã được số hóa để đưa vào hệ thống quản lý kỹ thuật của tập đoàn.
PV: Ngoài 4 lĩnh vực nêu trên, EVN còn thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nào?
Ông Võ Quang Lâm: EVN còn triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải để sửa chữa kịp thời và tiết kiệm hơn.
Cùng với công tác quản lý vận hành tuyến dây, tập đoàn cũng đẩy mạnh công tác tự động hóa trong việc vận hành và giám sát các trạm biến áp.
Năm 2021, 100% các trạm biến áp 110kV trên toàn quốc được tự động hóa và điều kiển từ xa, không người trực. Năm nay, EVN đã có thêm 18 trạm biến áp 220kV cũng được vận hành từ xa, nâng tỷ lệ lên 121/143 trạm biến áp được điều khiển từ xa.
PV: Ông sẽ lấy 3 từ gì để mô tả về kinh nghiệm chuyển đổi số của EVN?
Ông Võ Quang Lâm: Sau gần 2 năm EVN triển khai đề án chuyển đổi số trong Tập đoàn, tôi có thể mô tả về quá trình này qua 3 từ là: Nhận thức – Quyết tâm – Sáng tạo.
Nhận thức là sự thay đổi nhận thức của từng cán bộ công nhân viên, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo quản lý trong việc chuyển đổi số. Khi đó, chúng ta sẽ có quyết tâm thay đổi các quy trình nghiệp vụ, quy cách vận hành theo hướng số hóa.
Sáng tạo là sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo động lực để từng cán bộ công nhân viên đóng góp ý tưởng chuyển đổi số trong công việc hàng ngày của mình.
Mỗi một ý tưởng sáng tạo, sáng kiến đóng góp của bất kỳ cán bộ trong EVN đều được ghi nhận và biểu dương. Trong năm vừa qua, EVN đã chọn ra hơn 40 giải pháp, ý tưởng đổi mới sáng tạo để tiếp tục hoàn thiện và áp dụng chung trong toàn tập đoàn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức những cuộc thi đổi mới sáng tạo trong từng lĩnh vực cụ thể, kể đến như đổi mới sáng tạo trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, văn phòng và văn hóa doanh nghiệp.
PV: Tham gia Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2022 (VDA 2022), EVN đã mang đến những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Võ Quang Lâm: EVN đăng ký tham gia VDA 2022 ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với bộ giải pháp gồm 5 sản phẩm:
- Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD 2.0 – IMIS 2.0).
- Giải pháp cổng thông tin điện tử EVN và số hóa nghiệp vụ hành chính văn phòng (EVNPortal).
- Giải pháp quản lý sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM).
- Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (SmartEVN).
- Giải pháp tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia vào hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện.
Ngoài ra, còn có 7 đơn vị thành viên trong tập đoàn đăng ký các bộ giải pháp/sản phẩm do chính các kỹ sư của EVN nghiên cứu, phát triển.
PV: Năm 2022 là năm thứ tư liên tiếp EVN và các đơn vị thành viên có sản phẩm và giải pháp tham dự Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về giải thưởng này?
Ông Võ Quang Lâm: EVN là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ngay từ khi Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức giải thưởng này vào năm 2018.
Sau 4 năm, số lượng doanh nghiệp và các giải pháp tham gia ứng cử vào giải thưởng ngày càng nhiều và phong phú. Riêng trong lĩnh vực điện lực và lĩnh vực năng lượng thì có rất nhiều giải pháp do các doanh nghiệp trong và ngoài EVN tham gia.
Giải thưởng VDA đã tạo ra sân chơi, cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước có cơ hội tham gia và đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, lan tỏa tác dụng của việc chuyển đổi số.
EVN tham gia giải thưởng này với mong muốn giao lưu, học hỏi những doanh nghiệp, giải pháp mà EVN có thể ứng dụng được trong việc quản trị, vận hành và cung cấp các dịch vụ điện lực tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Hàng năm, EVN và một số đơn vị thành viên được Hội truyền thông số Việt Nam ghi nhận và tôn vinh bằng những giải thưởng chuyển đổi số xuất sắc.
Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là nguồn động viên khích lệ cán bộ công nhân viên của EVN tiếp tục có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo, giải pháp nâng cao mức độ trưởng thành chuyển đổi số của tập đoàn và từng đơn vị.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!