Chuyển đổi số trong EVN

Công nghệ 4.0 trong các nhà máy nhiệt điện

Thứ tư, 12/10/2022 | 14:35 GMT+7
Nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ số để gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành, các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số một cách sâu rộng.
Năm 2022, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã đưa hệ thống giám sát và chẩn đoán từ xa (RMS) giai đoạn 1 vào khai thác. 
 
Đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số, ngay từ năm 2021, Công ty Nhiệt điện Mông Dương I đã áp dụng nhiều ứng dụng của cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, có thể kể đến một số ứng dụng thiết thực như: Chữ ký số; phần mềm sổ nhật ký vận hành điện tử; bảng ghi thông số điện tử của các nhà máy điện trên máy tính bảng; phần mềm theo dõi và thu thập số liệu thông số môi trường tại các trạm quan trắc tự động; phần mềm tính suất hao than và nhiệt online để điều hành chỉ tiêu suất hao nhiệt tại nhà máy…
 
Đáng chú ý là để nâng cao độ tin cậy vận hành cho các tổ máy, yếu tố quyết định trong việc đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng của Công ty, năm 2022, đơn vị đã mạnh dạn đưa hệ thống giám sát và chẩn đoán từ xa (RMS) giai đoạn 1 vào khai thác. Hệ thống này được đánh giá là bước tiến rất lớn sẽ thu thập toàn bộ các dữ liệu liên quan đến công tác vận hành của nhà máy. Sau khi hệ thống đưa vào vận hành ổn định, các kỹ sư của Công ty Nhiệt điện Mông Dương I đã khai thác hệ thống để giám sát thông số vận hành lò hơi, tuốc bin từ xa, hỗ trợ phân tích, đánh giá hiệu suất tổ máy. Ngoài ra, hệ thống giúp truy xuất dữ liệu nhanh, tin cậy phục vụ báo cáo sản xuất, phân tích, đánh giá tình hình thiết bị. Trước những hiệu quả của hệ thống, hiện Công ty đang thiết kế giai đoạn II, tập trung vào các thông tin cảnh báo sớm, đưa ra được các dự đoán về xu hướng của các dữ liệu hệ thống trong tương lai để hỗ trợ tối đa cho công tác vận hành từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Tương tự, việc tăng hiệu suất lao động, nâng cao công tác quản trị cũng là mục tiêu mà Công ty Nhiệt điện Uông Bí đang hướng đến khi triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động của đơn vị. Hiện Công ty đã thực hiện lập hồ sơ công việc trên hệ thống văn phòng điện tử, áp dụng chữ kỹ số, nhật ký vận hành điện tử, ứng dụng các phần mềm họp trực tuyến, áp dụng mã QR cung cấp tài liệu với 100% cuộc họp không sử dụng giấy. Qua đó, giảm chi phí in ấn, lưu trữ tài liệu, giảm chi phí đi lại, thời gian xử lý, triển khai nhiệm vụ công việc… Đảm bảo việc chuyển đổi số sẽ diễn ra sâu rộng, Công ty cũng đang tập trung hoàn thiện xây dựng và đưa vào ứng dụng phần mềm theo dõi khiếm khuyết nhằm nâng cao chất lượng công tác sửa chữa bảo dưỡng; triển khai nhật ký điện tử vận hành. Ông Lê Trung Kiên, Quyền Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí cho biết: Trong năm 2022, Công ty sẽ hoàn hoàn thành xây dựng kiến trúc kho dữ liệu dùng chung (kho dữ liệu đo đếm, kho thị trường điện). Trong giai đoạn 2023-2025, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành công tác chuyển đổi số tại tất cả các đơn vị, các quy trình chuyên môn nghiệp vụ để sớm trở thành một doanh nghiệp số.
 
Nhân viên thủ kho Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh dán mã QR cho vật tư.

Với 4 tổ máy 300MW, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh là một  trong những nhà máy sản xuất điện có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Do đó, chỉ tính riêng các mã vật tư để phục vụ hoạt động sản xuất cũng lên tới gần 30.000 mã. Mỗi mã vật tư lại cần kèm theo nhiều thông tin để quản lý như: Chủng loại, số lượng, thông số kỹ thuật, vị trí của sản phẩm trong kho hàng, thời gian nhập kho, xuất kho... Trước đó, khi chưa áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, những mã vật tư này được thống kê, nhập, xuất và xử lý dữ liệu hoàn toàn bằng thủ công trên bảng Excel. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác truy xuất thông tin, không tìm kiếm được chính xác vật tư thiết bị sử dụng, không cập nhật được lượng hàng tồn kho chính xác tại thời điểm cần.
 
Ngoài khối lượng vật tư lớn, Công ty còn có một lượng hàng dự án hơn 3.500 mã do các nhà thầu bàn giao lại, gần như chỉ có tên danh mục, thông số kỹ thuật chi tiết không đầy đủ, nếu chỉ tra cứu trên file dữ liệu trên thì không thể xác định được vật tư cần thay thế. Do đó, khi có yêu cầu thay thế vật tư phục vụ công tác sửa chữa, việc tìm kiếm thường rất tốn thời gian, không đảm bảo được tính kịp thời. Giải quyết thực trạng này, Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh đã đưa Hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp Bravo vào sử dụng, trong đó tích hợp phân hệ quản lý về mua sắm, tổng hợp nhu cầu vật tư. Việc xây dựng hệ thống quản lý với sự hỗ trợ của phần mềm Bravo đã góp phần giúp quá trình thực hiện các công việc liên quan về mua sắm vật tư được khoa học và hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, Công ty tiếp tục triển khai chương trình “Áp dụng mã số - mã vạch trong công tác quản lý vật tư” bằng phần mềm QR code. Khi xuất kho hoặc nhập kho hàng hóa, nhân viên chỉ cần quét mã QR bằng các thiết bị chuyên dụng thì mọi thông tin sẽ được hiển thị. Đồng thời hệ thống cũng sẽ ghi nhận và tự động tạo phiếu xuất, nhập kho, với tất cả các thông tin về sản phẩm. Quy trình này đã giúp các bộ phận liên quan thuận tiện trong việc theo dõi, tìm kiếm hàng tồn kho trên hệ thống.
 
Không chỉ riêng Nhiệt điện Mông Dương I, Nhiệt điện Uông Bí và Nhiệt điện Quảng Ninh, mà theo đánh giá của Sở Công Thương, từ năm 2021 đến nay, tất cả 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đều có những chuyển động rất tích cực trong công tác chuyển đổi số. Việc áp dụng khoa học công nghệ đã giúp cho các nhà máy nâng cao được hiệu quả trong công tác quản trị, nâng cao độ tin cậy của các tổ máy. Đây cũng là yếu tố góp phần đảm bảo cho kế hoạch sản xuất của các đơn vị luôn đạt và vượt sản lượng được giao.

Link gốc
Theo: Báo Quảng Ninh