Công tơ điện tử góp phần nâng cao minh bạch trong kinh doanh, bán lẻ điện.
Trong ký ức của bà Đỗ Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cách đây nhiều năm, ngày 25 hàng tháng, gia đình đều phải cắt cử một thành viên ở nhà để giám sát việc ghi chỉ số đồng hồ cùng công nhân điện lực. Ký ức đó gần như đã phai nhạt khi những công tơ điện cơ được thay thế bằng công tơ điện tử, có thể truyền dữ liệu bất cứ lúc nào.
Giờ đây, thông qua ứng dụng di động của ngành điện, bà Liên có thể xem được mức tiêu thụ điện hàng ngày, đo đếm chính xác mức độ tiêu thụ và thậm chí có thể ước lượng được số tiền phải thanh toán.
Công nghệ đo xa bằng công tơ điện tử được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực triển khai từ sớm, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi và minh bạch cho khách hàng. Đến nay, gần như 100% công tơ điện tử được lắp đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, thay thế hoàn toàn công tơ trước kia.
Nhanh chóng thay thế công tơ có thể đo xa
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong đó có chỉ đạo “Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai công tơ thông minh trong đo đếm điện năng từ xa (AMR - Automatic Meter Reading), tiến đến xây dựng hệ thống đo đếm điện năng thông minh (AMI)”, các đơn vị thành viên thuộc EVN đã xây dựng lộ trình lắp đặt công tơ điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa theo từng năm.
Sớm nhất trên cả nước, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử với 100% khách hàng áp dụng hệ thống truyền dữ liệu từ xa từ năm 2018. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) sử dụng phần mềm hệ thống tra cứu chỉ số điện hàng ngày và cung cấp cho khách hàng sử dụng thử nghiệm.
Hệ thống này tự động cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ hình thành trên cơ sở phát triển hệ thống đo xa. Công cụ này có thể tạm tính hóa đơn tiền điện theo sản lượng đã ghi nhận; có biểu đồ so sánh sản lượng điện tiêu thụ, số ngày sử dụng điện, so với 2 tháng trước đó và cùng kỳ năm trước; tự động cảnh báo sản lượng điện vượt quá ngưỡng thiết lập, gửi đến khách hàng qua email, tin nhắn SMS.
Trong khi đó, Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cũng hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử cho 2,7 triệu khách hàng từ cuối năm 2021, đạt xấp xỉ 100%. Đây là bước chuyển mình quan trọng từ mô hình thủ công sang bán tự động và tự động trong công tác thu thập số liệu đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu có được.
Từ những dữ liệu đó, EVNHANOI sẽ nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số trong EVN, góp phần xây dựng hệ thống điện thông minh theo chủ trương của Chính phủ.
Cũng trong năm 2021, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cũng hoàn thành lắp đặt 2,65 triệu công tơ điện tử, xấp xỉ 100%. Trong khi đó, các công ty điện lực khác như Miền Trung (EVNCPC), Miền Nam (EVNSPC), Miền Bắc (EVNNPC)... đang tích cực triển khai thay thế công tơ, phấn đấu sớm hoàn thành trong những năm tới.
Lợi ích vượt trội cho khách hàng và doanh nghiệp: Dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ tra cứu
Công nghệ đo xa có những vượt trội, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, giúp khách hàng dùng điện như bà Đỗ Liên không còn phải “canh” cửa để công nhân ghi số điện như trước, mà vẫn theo dõi được lượng điện tiêu thụ và hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Dữ liệu từ các công tơ điện tử sẽ được truyền về trung tâm điều hành, sản lượng điện tiêu thụ được cập nhật trên các app chăm sóc khách hàng của EVN cài trên thiết bị di động. Khách hàng có thể xem mức độ tiêu thụ vào bất kỳ thời gian và địa điểm, qua đó nắm bắt tình hình sử dụng điện. Từ đó, khách hàng có thể chủ động điều chỉnh sử dụng điện phù hợp.
Người dùng có thể kiểm tra các chỉ số trên ứng dụng của ngành điện.
Áp dụng công tơ điện tử còn cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng, dữ liệu được truyền tải tự động hạn chế xuống tối thiểu sự can thiệp của con người. Thông qua theo dõi dữ liệu trực tuyến, ngành điện sớm phát hiện và xử lý kịp thời sự cố khi khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng vì thế được nâng cao và ổn định.
Việc thực hiện đo xa giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động, đồng thời việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động.
Số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa cũng kịp thời phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp và đường dây để nâng cao độ an toàn lưới điện. Song song đó, việc kết hợp với hệ thống hóa đơn điện tử giúp khách hàng có thể nhanh chóng tra cứu dữ liệu sử dụng điện, từ đó có các ứng xử phù hợp trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Số liệu từ công tơ điện tử được truyền tự động về máy chủ, công nhân điện lực không cần ghi và nhập số liệu thủ công.
Theo EVN, các công tơ điện có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa đều được mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi và tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Trong đó, quy cách kỹ thuật để mua sắm công tơ thực hiện theo đúng quy định của EVN, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật điện quốc tế IEC:62052-11, IEC:62053-21 và yêu cầu kỹ thuật quy định trong quản lý đo lường của Việt Nam.
Trước khi lắp đặt cho khách hàng, tất cả công tơ đều được phê duyệt mẫu và kiểm định theo quy trình do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành (ĐLVN 39:2012). Ngành điện chỉ lắp đặt những công tơ có kết quả kiểm định đạt yêu cầu để bảo đảm vận hành chính xác.
Thực hiện thay thế công tơ có thể đo xa là một trong những bước đi quan trọng giúp ngành điện đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, lấy khách hàng là trung tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ.