Trung tâm điều khiển xa PC Thanh Hóa.
Mục tiêu này nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng; cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) xây dựng kế hoạch và lộ trình tổ chức thực hiện bảo đảm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và năm 2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi số một cách toàn diện hướng tới trở thành doanh nghiệp số.
“Để đạt được những mục tiêu đó, ngay từ những ngày đầu triển khai, ban lãnh đạo PC Thanh Hóa đã bám sát chỉ đạo các phòng/ban chức năng công ty, các đơn vị trực thuộc cùng nhau bàn và đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả trong từng lĩnh vực như: Kỹ thuật – an toàn; kinh doanh – dịch vụ khách hàng; tài chính kế toán; kế hoạch, quản trị văn phòng, tổ chức nhân sự, đầu tư xây dựng, quản lý đầu thầu, thanh tra - kiểm tra…
Theo đó, công ty xác định, để chuyển đổi số giải pháp tiên quyết trước hết là cần phải chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong trong đơn vị, tiếp đến là nhận diện và phát triển các trọng tâm, xây dựng chính sách, chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động và coi đây là trách nhiệm của toàn thể người lao động. Từ đó, từng bước chuyển đổi tư duy, cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là sự nhạy bén trong việc tận dụng những thời cơ thuận lợi để tập trung vào công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp quản lý, vận hành hệ thống điện” - ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc PC Thanh Hóa cho biết.
Sau gần 2 năm chính thức đi vào triển khai tổ chức thực hiện, bám sát để án và kế hoạch chuyển đổi số của EVNNPC chỉ đạo được dựa trên 6 chương trình bao gồm 3 “số hóa” và 3 “thực hiện”. PC Thanh Hóa đã từng bước xây dựng lưới điện thông minh qua việc theo dõi và cập nhật thường xuyên tình trạng thao tác xa, tín hiệu Scada đối với từng trạm 110kV và từng thiết bị đóng cắt; xây dựng và đưa vào vận hành chính thức 10 TBA không người trực; đảm bảo hoạt động thông suốt hệ thống công nghệ thông tin; triển khai công tác số hóa dữ liệu và số hoá quy trình trong việc cập nhật số liệu vào các phần mềm và thực tế quản lý; tổ chức triển khai và khai thác hiệu quả hệ thống phần mềm ứng dụng từ các cấp quản lý đến người lao động. Số hóa thông qua quy trình, trang cấp thiết bị, đưa các ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo ngày càng nâng cao dịch vụ và đem đến sự hài lòng khách hàng.
Đến nay công ty đã thực hiện thay thế 513.450 công tơ đo xa, riêng trong năm 2022 (tính đến 30-9-2022), công ty đã thay thế lắp đặt mới 139.240 chiếc; thực hiện chuẩn hóa thông tin cơ sở dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý CMIS3.0 đối với 100% khách hàng và các TBA công cộng, chuyên dùng; đa dạng hóa thông tin, dịch vụ của ngành điện, theo đó 100% dịch vụ điện cấp độ 4 thông qua: Tổng đài 19006769, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc, ứng dụng EVNNPC CSKH trên điện thoại di động, webiste, Cổng dịch vụ công Quốc gia, qua tin nhắn zalo, fanpage facebook … để hỗ trợ, chăm sóc và giải đáp đến khách hàng trên các lĩnh vực một cách nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong tình hình mới.
100% công văn, hồ sơ đều được số hóa trên hệ thống văn phòng điện tử (D-Office) và giải quyết theo quy trình, tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, lưu trữ văn bản.
Đưa vận hành điện tử vào trong công tác quản lý nhân sự HRMS, quy trình xây dựng bài giảng, lập khóa cử đi học, thi sát hạch trên phần mềm E-learning; hệ thống văn phòng điện tử D-Office được tích hợp chữ ký số và triển khai văn bản trên máy tính và thiết bị di động, 100% công văn, hồ sơ đều được số hóa trên hệ thống văn phòng điện tử và giải quyết theo quy trình, tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, lưu trữ văn bản; tổ chức các hội nghị, cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến; Tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng và đối tác trung gian triển khai có hiệu quả các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đến hết tháng 9-2022 đạt 89,7% vượt 22,8% so với chỉ tiêu EVNNPC giao là 66,9%; doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt 97,2%… Qua đó cho thấy chuyển đổi số đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cũng như những tiện ích mang đến sự hài lòng của các đối tác và khách hàng, từ đó giúp cho hình ảnh, vị thế của ngành điện ngày một được gia tăng.