Ông Nguyễn Xuân Tuấn- Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Vào năm 2012, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã hợp tác với các Ngân hàng, các tổ chức thanh toán để cung cấp cho người tiêu dùng phương thức trả tiền điện tiện ích: có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến các quầy thu ngân của ngành điện; Không phải chờ đợi nhân viên thu tiền điện tại nhà lại giảm chi tiêu bằng tiền mặt… Sau tròn 10 năm triển khai, đến nay, đã có hơn 90% số lượng khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, với khoảng 97% số tiền điện phải trả.
Chỉ sau 15 ngày khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia - EVN đã hoàn thành tích hợp và cung cấp toàn bộ 12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia - là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Văn phòng Chính phủ đánh giá EVN là doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính cũng như cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả các Bộ/ngành/địa phương trên Cổng. Đến cuối năm 2021, đã có tới 99,66% số hợp đồng mua bán điện ký mới được khách hàng sử dụng hình thức ký điện tử này.
Trong 3 năm gần đây, EVN liên tục được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Để đạt được kết quả này, EVN đã thực hiện công tác số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin tại hầu hết các lĩnh vực hoạt động của mình. Trong đó, EVN đã tự phát triển 16 hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn Tập đoàn và hàng chục các ứng dụng đặc thù khác. Các hệ thống phần mềm đã cơ bản đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lõi trong hầu hết các hoạt động điều hành sản xuất - kinh doanh.
Triển khai Chương trình Chuyển đổi số theo Quyết định (số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020) của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, EVN đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chương trình chuyển đổi số trong năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Vận hành phát điện tại trung tâm điều khiển nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để đạt được mục tiêu này, EVN xác định "lấy khách hàng là trung tâm để cung cấp các dịch vụ có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi giữa nhà cung cấp dịch vụ với khách hàng trên không gian số và đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng".
PV: Thưa ông Nguyễn Xuân Tuấn, trong Chương trình chuyển đổi số của mình, EVN đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành chương trình chuyển đổi số. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022. Xin được hỏi ông về khả năng hoàn thành kế hoạch này của EVN ra sao?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Kế hoạch chuyển đổi số của EVN giai đoạn 2021 - 2022, EVN có 45 nhiệm vụ lớn và 100 mục tiêu cần đạt được, với mục tiêu tổng quát là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022 và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong đó, EVN tập trung thực hiện chuyển đổi số trong 05 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số: Lĩnh vực Quản trị, Lĩnh vực Đầu tư xây dựng, Lĩnh vực Sản xuất, Lĩnh vực Kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH) và lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin (VT&CNTT).
Tính đến hết 8/2022, toàn Tập đoàn đã hoàn thành 86,5% khối lượng công đề ra, 04 tháng cuối năm 2022 chỉ còn lại 14,5% khối lượng công việc. Trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nội bộ hoàn thành 98,98% khối lượng, lĩnh vực đầu tư xây dựng hoàn thành 89,8% khối lượng, lĩnh vực sản xuất hoàn thành 85% khối lượng, lĩnh vực KD&DVKH hoàn thành 97,6% khối lượng. Với kết quả nêu trên, EVN sẽ cố gắng để hết năm 2022, sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2022.
Công nhân Đội Truyền tải điện Đồng Xoài (Truyền tải điện Miền Đông 2- Công ty Truyền tải điện 4) sử dụng Flycam kiểm tra tuyến đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Thưa ông, EVN triển khai thực hiện việc chuyển đổi số như thế nào để đạt được 3 mục tiêu quan trọng đó là tăng thêm tính tiện ích, tính thân thiện và độ khả dụng để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, hướng tới việc khách hàng trải nghiệm các dịch vụ điện lực và tiếp tục tăng thêm tính minh bạch, công khai. Đồng thời tăng thêm hiệu quả vận hành hệ thống điện, tăng thêm mức độ hiện đại của hệ thống điện Việt Nam để tiến tới xây dựng một Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đại, văn minh và người thân thiện với môi trường- như khẳng định của lãnh đạo EVN. Những tiện ích cho người tiêu dùng/sử dụng điện trong công cuộc chuyển đổi số được EVN quan tâm như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Trong gần 10 năm qua, EVN đã có những bước tiến đáng tự hào trong lĩnh vực KD&DVKH với những dấu ấn nổi bật của EVN được ghi nhận qua kết quả xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 27 trên 190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới (năm 2019). Cùng đó, điểm đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng dành cho EVN cũng tăng từ 6,45 điểm (năm 2013) tới 8,29 điểm (năm 2019).
Để đạt được 03 mục tiêu trên thời gian vừa qua EVN đã quyết liệt triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số.
Thứ nhất, để tăng thêm tính tiện ích, tính thân thiện và độ khả dụng để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, hướng tới việc khách hàng trải nghiệm các dịch vụ điện lực, EVN đã cung cấp 100% các dịch vụ cung cấp điện năng thông qua hình thức trực tuyến tương đương với dịch vụ công cấp độ 4, giờ đây mọi thủ tục từ đăng ký dịch vụ đến ký kết hợp đồng và thanh toán khách hàng đều có thể thực hiện trực tuyến 100%. Cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để EVN và khách hàng sử dụng điện có thể tiếp cận với nhau dễ dàng hơn.
Thứ hai, tiếp tục tăng thêm tính minh bạch, công khai. EVN đã đa dạng các kênh thông tin hướng để tới sự công khai, minh bạch về các quy định, thủ tục của ngành Điện như thông qua các website chăm sóc khách hàng, giải đáp trực tiếp qua đường dây nóng 24/24h của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN trên toàn quốc; các ứng dụng di động (App) chăm sóc khách hàng, các mạng xã hội…v.v. Hiện nay dù ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, qua đó khách hàng có thể theo dõi mọi thông tin về điện, bao gồm lịch ghi chỉ số công tơ, lịch cung cấp điện, gửi yêu cầu và theo dõi tiến độ thực hiện các dịch vụ điện như cấp mới hợp đồng mua bán điện; thay đổi/bổ sung thông tin hợp đồng; gia hạn/chấm dứt hợp đồng mua bán điện; tạm ngừng sử dụng điện; các dịch vụ kiểm tra, kiểm định thiết bị đo đếm, theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ hàng ngày…, thanh toán hóa đơn sử dụng điện không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng đều được cung cấp trực tuyến qua cổng dịch vụ công và ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Thứ ba, tăng thêm hiệu quả vận hành hệ thống điện, tăng thêm mức độ hiện đại của hệ thống điện Việt Nam để tiến tới xây dựng một Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đại, văn minh và người thân thiện với môi trường…). Lĩnh vực sản xuất là một trong 05 trọng tâm chuyển đổi của EVN, điều đó đã thể hiện được quyết tâm của EVN trong việc ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả vận hành hệ thống điện. Đồng thời, các thiết bị điện có công nghệ mới, công nghệ cao đã được EVN chú trọng đầu tư, trang bị trong nhiều năm qua. Đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu thứ 3 này.
Các Trung tâm chăm sóc khách hàng giải đáp 24/24h. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Cụ thể hơn, EVN dựa trên những cơ sở nào để đưa ra các mục tiêu này? Ông có thể cho dẫn chứng cụ thể về những tiện ích mà người tiêu dùng điện được hưởng lợi?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: EVN cho rằng chuyển đổi số là một quá trình và phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của toàn thể CBCNV trong toàn Tập đoàn. Nên từ nhiều năm nay EVN đã đẩy mạnh công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điều kiện rất thuận lợi để EVN triển khai đề án chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.
EVN có rất nhiều tiện ích để khách hàng sử dụng điện được hưởng lợi như: Các thủ tục đăng ký sử dụng các dịch vụ điện được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các website của EVN, các dịch vụ công các tỉnh/TP tương đương với dịch vụ công cấp độ 4; Các ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động thông minh, các nền tảng mạng xã hội; Các dịch vụ khác như hóa đơn điện tử từ năm 2012, hợp động sử dụng dịch vụ điện được ký bằng hợp đồng điện tử và đặc biệt là thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi thông qua rất nhiều kênh thanh toán điện tử.
PV: Ông có thể chia sẻ, ngoài những dịch vụ tiện ích hiện nay, sắp tới đây liệu khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ tiện ích nào nữa từ quá trình chuyển đổi số của EVN?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Để ngày càng mang lại những tiện ích hơn nữa cho khách hàng, trong thời gian tới EVN sẽ tiếp tục cải thiện và nâng cao hơn nữa các tiện ích hiện hữu để các tiện ích này ngày càng thân thiện và nâng cao hơn trải nghiệm cho khách hàng. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục mở rộng kết nối nền tảng số của EVN với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, nền tảng thuế quốc gia, các bộ/ngành/địa phương và các đối tác cung cấp dịch vụ khác ngoài EVN, cá nhân hóa việc chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ điện để rút ngắn hơn nữa khoảng cách và thời gian tiếp cận các dịch vụ điện.
Các kỹ sư điều hành viễn thông toàn quốc tại phòng NOC 11 Cửa Bắc, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: An ninh mạng là vấn đề cốt lỗi của chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác này được EVN chú trọng như thế nào khi các dịch vụ cung cấp cho khách hàng liên quan đến thông tin cá nhân rất cần được bảo mật ?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Từ 2015 EVN đã ban hành quy định về đảm bảo an toàn thông tin trong Tập đoàn và thiết kế mô hình định hướng đảm bảo an toàn thông tin (ATTT). Trong thời gian qua, cùng với xu hướng phát triển của công nghệ đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện lộ trình chuyển đổi số, EVN tiếp tục chú trọng đảm bảo an ninh mạng và ATTT theo cả 3 trụ cột là: Con người, Quy trình và Công nghệ, đồng thời thực hiện triển khai mô hình đảm bảo ATTT 4 lớp theo đúng định hướng của Chính phủ tại Chỉ thị 14/CT-TTg/2019 ngày 07/6/2019, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách về an ninh mạng và ATTT như Bộ Tư lệnh 86-BQP, Cục A05 – Bộ CA, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và truyền thông.
Trong thời gian tới, EVN tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tập trung đầu tư vào yếu tố con người, coi con người là yếu tố then chốt quyết định đối với việc đảm bảo an ninh mạng và ATTT.
PV: Trong Chương trình chuyển đổi số của EVN có 2 năm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực mà còn thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số. Xin được hỏi quan điểm của ông từ thực tế của EVN?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, cũng như nhiều đơn vị khác EVN phải thích ứng và áp dụng công nghệ để thay đổi phương thức làm việc nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất, cũng như vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Tôi cho rằng, những khó khăn, những tác động tiêu cực do dịch Covid- 19 đã gây ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội, cản trở hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khó khăn đó đã thúc đẩy chúng ta phải sáng tạo hơn, phát triển được những giải pháp công nghệ để giải quyết những khó khăn chúng ta phải đổi mặt. Với động lực vượt khó đó, trong giai đoạn 2 năm dịch bệnh, các hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của EVN vẫn cơ bản được đảm bảo nhờ vào công nghệ, nhờ vào sự sáng tạo của cộng đồng Công nghệ thông tin nói chung và của các kỹ sư công nghệ của EVN nói riêng.
Hệ thống văn phòng số Digital Office đã áp dụng ở tất cả các đơn vị thuộc EVN góp phần nâng cao ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính của EVN.
PV: Ông có thể chia sẻ về công tác đầu tư của EVN (nguồn lực: vốn, nhân lực…) vào chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025?
Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Như tôi đã trao đổi ở trên, chuyển đổi số là một hành trình, vì vậy nền tảng hạ tầng và nhân lực của EVN không chỉ được đầu tư phát triển khi chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, mà đã được đầu tư, tích lũy từ qua nhiều năm, nhiều giai đoạn phát triển.
Trong hành trình chuyển đổi số của EVN, chúng tôi nhận thấy để trở thành doanh nghiệp số, trước hết CBCNV của EVN phải được đào tạo chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, phải được đào tạo kỹ năng số, nâng cao trình độ, cũng như phải trang bị công nghệ số. Tuy nhiên, EVN chủ trương các sản phẩm/giải pháp số phải do chính các kỹ sư Công nghệ thông tin và các chuyên gia của EVN nghiên cứu phát triển. Vì vậy, những năm qua EVN đã có nhiều khóa đào tạo cơ bản và nâng cao để phát triển nguồn nhân lực số.
Hạ tầng số là vấn đề cốt lõi, là hạ tầng căn bản để chuyển đổi số nhưng có hạ tầng số chưa hẳn đã là chuyển đổi số, mà phải có những con người sẵn sàng các điều kiện để làm việc trong môi trường số. Vì vậy, chuyển đổi số ngoài hạ tầng số phải đồng bộ với việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện làm việc mới.
EVN đã hình thành và xây dựng hệ sinh thái EVNConnect để kết nối hạ tầng và cung cấp các dịch vụ. Cụ thể EVNConnect đã kết nối với nhiều bộ/ngành/địa phương, cụ thể là kết nối với: (i) Cổng Dịch vụ công Quốc gia; (ii) Hệ thống thông tin điều hành của Chính phủ; (iii) Tổng cục thuế để triển khai hóa đơn điện tử; (iv) Kết nối với các ngân hàng thương mại, tổ chức thanh toán điện tử; (v) Các trung tâm hành chính công và các nền tảng số của một số tỉnh/TP.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!