Tin thế giới

Có chăng cuộc cách mạng hệ thống đường dây điện ở Châu Âu?

Thứ năm, 31/7/2008 | 10:52 GMT+7
Trên lý thuyết thì kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2007, mọi công dân của Liên minh châu Âu (EU) đều có thể tùy ý lựa chọn cho mình nhà cung cấp điện và khí đốt. Thế nhưng trên thực tế thì những lợi ích mang lại từ tự do hóa thị trường điện vẫn còn là một mục tiêu khó thực hiện. Mặc dầu vấn đề lưới điện Liên Âu đã được giải quyết về mặt công nghệ nhưng vấn đề vốn và quyết tâm chính trị để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết thì vẫn tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi hơn nữa.


Hình 1. Smartgrids sẽ kết nối các nguồn điện lớn và nhỏ,tập trung cũng như phân tán

Các quốc gia thành viên EU đang nhận thấy rằng thực hiện chỉ thị của EU là một chuyện, còn thấy được lợi ích của nó lại là chuyện khác. Tất nhiên là chúng ta đang nói về việc mở cửa tự do cạnh tranh trên các thị trường năng lượng (điện và khí đốt) châu Âu. Có một số không nhiều trường hợp ngoại lệ cần phải cân nhắc do hoàn cảnh đặc biệt, chưa thể cho cạnh tranh tự do như ở các quốc gia vùng Baltic và các quốc gia gần đây mới sử dụng khí đốt. Nhưng quy tắc cơ bản về tự do lựa chọn đã được thiết lập vững chắc ở Liên minh châu Âu.

Thế nhưng trên thực tế do lịch sử để lại, sự khác biệt về kết cấu trên 27 quốc gia thành viên rời rạc đang là một trở ngại lớn trên đường đạt tới một thị trường năng lượng châu Âu được vận hành đầy đủ. Điều này lại càng đúng đối với ngành điện ở đó các nhà lập pháp muốn thấy khả năng liên kết các lưới điện sẽ mang lại nguồn cung cấp điện tin cậy, bền vững và với giá cả hợp lý cho mọi công dân châu Âu.

Tuy nhiên, lưới điện Liên Âu, dù hiểu theo nghĩa nào, không hẳn đã là chuyện không tưởng. Theo ông Duncan Botting, trưởng phòng công nghệ và phát triển kinh doanh của ABB Power Technologies ở Anh, và là phó chủ tịch của Diễn đàn công nghệ châu Âu Smartgrids (Lưới điện thông minh) hướng tới lưới điện tương lai, thì công nghệ giúp biến ý tưởng kết nối điện châu Âu trở thành hiện thực giờ đây đã có. Phát biểu với phóng viên tạp chí PEI, ông nói: “Không có vấn đề gì về công nghệ. Bộ luật sửa đổi lần thứ hai công bố tháng 9 vừa qua, ngoài các vấn đề khác, sẽ hài hoà các tiêu chuẩn buộc áp dụng trên phạm vi toàn châu Âu.”

 

Tương lai thuộc về  Lưới điện thông minh (Smartgrid)?

Bề ngoài thì đó là một tin tốt, nhưng ông Botting nhận định tiếp: “Nhưng tự nó, rất ít có khả năng châu Âu sẽ có một lưới điện chung; có chăng là các lưới điện quốc gia hoặc lưới điện khu vực sẽ được kết nối với nhau giống như máy tính, phần nào tựa như việc lập bức tường lửa, theo kiểu sẽ nới lỏng thương mại xuyên biên giới phù hợp với các mục tiêu năm 2020. Công nghệ này đã vững vàng và các hệ thống tạo sự kết nối đã khá hoàn chỉnh.

Đầu tháng 11/2007, Diễn đàn Smartgrids đã tiết lộ các chi tiết của cuộc cách mạng các lưới điện trên toàn châu Âu và các bước cần thiết để biến nó thành hiện thực. Trong tương lai Smartgrids sẽ kết nối các nguồn điện lớn và nhỏ, tập trung cũng như phân tán. Smartgrids sẽ liên kết và điều phối việc sản xuất điện ở gần cũng như ở xa hộ tiêu thụ. Tập hợp tất cả, cụ thể như năng lượng mặt trời từ Nam Âu, năng lượng sóng từ bờ biển Đại Tây Dương và năng lượng gió từ Bắc Âu để hoà với các nguồn điện lớn là thủy điện, nhiệt điện than sạch hoặc khí đốt.

Cơ sở hạ tầng lưới điện cũ kỹ

Vấn đề của hầu hết cơ sở hạ tầng hiện có ở châu Âu là các lưới điện phần lớn đã có hơn 40 năm tuổi. Câu hỏi mà Smartgrids luôn tìm kiếm câu trả lời là: liệu các công ty sẽ thay thế các lưới này bằng các lưới điện giống như hiện hay là nhân cơ hội này thay đổi nếp nghĩ và đổi mới. Có nhiều thách thức rất thực và rất lớn cần phải cân nhắc, nào là thay đổi khí hậu, an ninh cung cấp và vị thế cạnh tranh của châu Âu, cùng với các yêu cầu hiện nay của khách hàng và công nghệ mới. Kết quả nhận được là ý tưởng do hơn 200 chuyên gia từ khắp châu Âu phát triển; là viễn cảnh chung của các cổ đông, từ các kỹ sư đến các doanh nhân, từ các học giả đến các chính trị gia.

Smartgrids cho rằng vấn đề không chỉ là dây dẫn, mà là một cuộc cách mạng đối với toàn bộ hệ thống sinh thái điện, một kiến trúc hoàn toàn mới để có một tương lai bền vững cho châu Âu. Nhưng để biến nó thành hiện thực thì vẫn còn phải nghiên cứu nhiều hơn và đầu tư lớn hơn cho các lưới điện châu Âu. Và theo như tài liệu do Smartgrids xuất bản, công nghệ không thì chưa đủ. Thành công sẽ phụ thuộc vào việc kết hợp hài hoà giữa các vấn đề về công nghệ và những yếu tố liên quan về thương mại và điều tiết trong thị trường đã được tự do hóa.

Đã hai năm trôi qua kể từ khi những người cầm đầu nhà nước và chính phủ ở châu Âu gặp nhau tại Hampton Court (Anh) và nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chính sách mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên. Trước đó, Hội đồng châu Âu họp ở Barcelona vào năm 2002 đã thống nhất là phải tăng công suất kết nối giữa các quốc gia thành viên ít nhất là 10%. Cho đến nay, một số đáng kể các quốc gia thành viên thậm chí vẫn chưa đạt được mục tiêu khiêm tốn này và kết quả là vào tháng 3 năm 2006, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi thông qua Kế hoạch ưu tiên kết nối điện như một phần trong công tác Rà soát chiến lược năng lượng châu Âu. Tháng 6 năm 2006, Hội đồng châu Âu đã hoàn toàn ủng hộ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài nhằm nâng cao an ninh nguồn cung cấp.

Có ba vấn đề chính nổi lên trong chương trình nghị sự là: bền vững, cạnh tranh, và an ninh nguồn cung cấp. Theo nhận định của Hội đồng thì để tích hợp thành công điện năng cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo thì cần phải bổ sung đáng kể cơ sở hạ tầng năng lượng mới. Cũng vậy, biện pháp này sẽ nâng cao hiệu quả của công suất nguồn điện mới và đã lắp đặt trên phạm vi toàn châu Âu. Hơn nữa, chỉ có thể có cạnh tranh thực sự thông qua hoạt động có hiệu quả của cơ sở hạ tầng năng lượng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại liên khu vực và giảm bớt phạm vi lộng hành của các quyền lực thị trường. Và cuối cùng là do thị trường năng lượng trong nước phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn cung cấp bên ngoài, nên để củng cố an ninh nguồn cung cấp và xây dựng tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên thì cần phải đa dạng hoá các nguồn và kết nối thích hợp các lưới điện.

(Còn nữa)

Theo: