Bao quanh Sơn Tây là những làng trồng lúa và trồng hoa, nhưng nổi tiếng nhất là làng Tiền Huân, xã Viên Sơn ( Sơn Tây). Làng trồng lúa và nghề trồng hoa đã có từ lâu đời, nhưng chỉ phát triển vào khoảng vài chục năm gần đây. Có lẽ, người dân vùng này một thời không mặn mà với hoa vì hoa không bán được giá, càng trồng nhiều hoa thì càng lỗ lớn. Chính vì vậy, làng chuyển sang trồng các loại rau màu có hiệu quả hơn. Thế nhưng, từ khi đất nước đổi mới, nhân dân làm ăn khấm khá hơn nên hoa cũng dần được “lên ngôi”. Nhất là hoa chơi ngày Tết Nguyên đán.
Đất vùng Tiền Huân rất hợp với các loại hoa cúc. Nhưng đối với loại hoa này, không phải là “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” mà quan trọng hơn cả là phải có…điện. Anh Nguyễn Đăng Lân, người chuyên cung cấp cây giống cho các nhà trồng hoa khẳng định: Nếu không có điện, cây hoa giống không phát triển, hoặc phát triển rất kém. Khi cây “mẹ” được trồng xuống đất cũng là lúc phải dùng điện thắp sáng cho cây. Để thời gian cây “mẹ” thì tăng độ sáng. Nếu tính từ lúc cây “mẹ” được trồng xuống đất đến khi nảy mầm thành cây giống, thời gian khoảng 4 tháng. Mỗi vụ, anh cung cấp cho các hộ trồng hoa trong khu vực gần 4 triệu cây giống. Năm ngoái, giá mỗi cây giống là 180 đồng, được thời tiết thuận lợi và điện đảm bảo nên gia đình anh thu lãi trên 25 triệu đồng.
Đối với người trồng hoa ở Xứ Đoài, ngoài các vấn đề thời tiết, kỹ thuật thì điện thực sự là “khâu then chốt” để hoa nở theo đúng thời gian đã định. Anh Nguyễn Xuân Việt, người trồng hoa thâm niên của làng Tiền Huân, kể rằng: Nhiều năm qua, người trồng hoa ở Sơn Tây rất phấn khởi vì đã có điện để trồng hoa. Ngày xưa, khi chưa có điện, cây hoa rất nhỏ, hoa cũng rất nhỏ, màu không được tươi. Bây giờ, hoa nhờ có điện từ khi ươm mầm, nên khi chuyển xuống trồng, cây phát triển nhanh, ít nhánh phụ, cho bông to đều và mầu rất tươi. Hơn nữa, có điện, cây hoa cao và cứng hơn cây trồng không có điện. Qua nhiều năm trồng hoa, anh đã rút được kinh nghiệm là phải tính toán kỹ các khâu, trong đó có việc “mắc” bóng điện cho hoa. Nếu điện sáng quá hoặc tối quá cũng đều không tốt. Để cho hoa phát triển tốt, nở theo ý muốn thì ngay từ khi xuống giống đã phải tính toán: Số lượng trồng mỗi sào khoảng 2 vạn mầm; thiết kế điện cho các luống phù hợp, cứ 3 luống thì có một hàng bóng điện, các bóng điện cách nhau 1,2 m với loại bóng điện 25 W. Năm nay anh trồng khoảng 3 sào. Nếu giá bán như năm ngoái, anh lãi gần 40 triệu đồng. Với số tiến này thì khá hơn rất nhiều so với trồng lúa, trồng rau. Tuy nhiên, hiện nay điện tại khi vực trồng hoa còn rất yếu. Nhiều năm nay, Hợp tác xã điện không đầu tư nâng cấp lưới điện tại khu vực này nên người trồng hoa phải tự bỏ tiền để dựng cột, căng dây. Do kỹ thuật về điện còn hạn chế nên họ lắp dây không phù hợp, vì vậy điện rất yếu, ảnh hưởng đến việc cho hoa nở đúng ý định của người trồng.
Làng hoa Tiền Huân có 700 hộ, hiện có 40% số hộ trồng hoa. Hộ nhiều thì 3 sào, hộ ít cũng vài thước. Trước đây, khi chưa có điện, cả làng đều trồng hoa, nhưng thu nhập cũng không cao hơn nhiều so với trồng lúa, màu. Từ khi loại hoa cúc trồng có điện chiếu sáng mang lại hiệu quả cao, thì một số khu đất khác do không “mắc” được điện, nên họ đã phải bỏ hoa để trồng lúa, trồng rau. Dân làng Tiền Huân rất muốn trồng hoa vì cho thu nhập cao hơn các loại cây khác. Tuy nhiên, việc cung cấp điện cho dân làng Tiền Huân để trồng hoa thì vẫn còn nằm trong “kế hoạch” đã được lập cách đây vài năm về trước của Hợp tác điện thuộc xã Viên Sơn. Khi được biết, nếu các hộ dân được mua điện trực tiếp từ Chi nhánh điện Sơn Tây thì giá sẽ theo quy định, các công tác về đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, chất lượng và dịch vụ cho khách hàng sẽ được tốt hơn. Mọi người đều mong muốn được mua điện từ Điện lực.
Vào những ngày giáp Tết, cánh đồng hoa cúc đại đóa cùng các loại hoa của làng Tiền Huân khoe sắc rực rỡ đón xuân Mậu Tý. Nhìn những bông hoa nở đúng theo tính toán của mình, anh Nguyễn Xuân Việt và anh Nguyễn Đăng Lân một lần nữa khẳng định: Có điện - Hoa xứ Đoài mới nở.