Tin trong nước

Tản mạn chuyện điện ở Hà Nội

Thứ sáu, 29/2/2008 | 09:22 GMT+7

 “ồ”... là lời than, còn “a” là niềm hoan hỉ của những ai từng sử dụng điện trước thời đổi mới. Không có nhạc trưởng, không có người ra hiệu mà mọi người bỗng ồ lên than vãn khi điện bỗng dưng bị mất. Nhà và đường phố tối sầm lại, ngột ngạt. Để rồi lại vui reo lên “a” khi điện sáng bừng trở lại.

                                     

                                                  Công việc người thợ điện

Chẳng cứ hồi chiến tranh phá hoại vào những năm 60, mà ngay vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, Hà Nội vẫn thiếu điện nghiêm trọng. Còn nhớ, ai vào Sài Gòn năm 1975 khi ra Bắc, cũng đều mua chiếc “Suyc Von Tơ”, để đổi điện từ 220 V sang 110 V hay ngược lại. Ai đi học hoặc làm việc ở Liên Xô cũng tìm mua bằng được chiếc quạt tai voi, dây mai xo mang về Việt Nam dùng. Tỉ mỉ hơn, có người còn “tha” cả phích cắm, ổ cắm... Khi đó “tài sản” là đồ điện còn nhiều hơn cả đồ kỷ niệm. Tại Hà Nội, những năm bao cấp, chiếc “Suyc Von Tơ” là đồ dùng “tiêu chuẩn” của bất cứ nhà nào. Khi xem vô tuyến (chỉ có 1 kênh) phải có người ngồi bên cạnh chiếc “máy tăng điện”, tay cầm sẵn núm điều khiển. Nhà nào điện yếu, tăng lên một nấc, hai nấc là có tiếng trách cứ từ nhà hàng xóm: “Nhà anh tăng điện thế, nhà tôi lấy đâu điện để dùng?”. Nơi tôi ở là xóm Chùa Tô Hoàng chật trội, 10 - 15 hộ chỉ có một vài đồng hồ đo điện. Tôi đem từ Liên Xô về chiếc vô tuyến đen trắng 17 inchs đã được tiếng là người giàu có. Tối đến, chưa tới giờ truyền hình phát sóng, trẻ con hàng xóm đã sang xem nhờ chật cả nhà.

Ngày Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện là ngày vui lớn của toàn dân, có ý nghĩa đặc biệt đối với cả nước. Cứ tưởng chỉ Thủy điện Hòa Bình là đủ. Ai ngờ, giờ đây, đã có thêm nhiều nhà máy nhiệt điện, thủy điện, có cả điện năng lượng mặt trời... Nhiều là thế mà Nhà nước vẫn đang lập kế hoạch cho xây thêm công trình điện mới. Nhu cầu điện hôm nay đã và vẫn đang tăng lên không ngừng. ở nông thôn, ngoại thành bây giờ, cái tivi, tủ lạnh, cái lò vi sóng, bàn là... đã không còn là đồ xa lạ nữa. Dân Hà Nội, dân Việt Nam không chỉ dùng điện để thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu mà còn để làm đẹp, để trang trí cửa hàng cửa hiệu, phục vụ giao thông... Điện còn làm cho con người sang trọng hơn. Anh nhà giàu nào có biệt thự đẹp, xây mất vài trăm triệu mà không có hệ thống điện đầy đủ, không được sắp đặt khoa học thì bị chê “giàu chắc gì đã sang”?

Hồi thanh niên, đồ điện cũ gì tôi cũng nhặt, cũng gom góp để dành. Sau vài chục năm, chiếc hòm đựng các đồ điện cũ vẫn còn dùng được cứ ngày càng nhiều thêm. Cái đui đèn có ngạnh cũ kỹ được thay bằng đui xoáy, nhưng vì thấy còn tốt nên tôi cứ để dành lại; nào cầu chì bằng sứ, nào cầu dao, nào đoạn dây điện còn tốt... Dự phòng mà có thấy sử dụng lại? Bây giờ ra Phùng Hưng, ra phố Huế, chợ Trời và ở bất cứ phố ngõ nào cũng có bán đồ điện với biết bao loại mới, gọn nhẹ, đẹp và không quá đắt. Cái công đi tìm đồ cũ để dành ở trong nhà có khi còn mất nhiều công sức hơn cả việc đi mua đồ mới, vừa rẻ lại vừa hiện đại.

Ai dạo qua đường Nguyễn Công Trứ, các phố xá, qua các siêu thị ở nội, ngoại thành bây giờ mới thấy càng ngày đồ điện càng đẹp, càng tốt, càng rẻ và điều quan trọng, các sản phẩm sử dụng điện có xu hướng để trang trí, tạo sự sang trọng...

Báo chí, đài phát thanh và truyền hình thi thoảng có thông báo cắt điện (có lịch cụ thể) ở phố này, nơi khác. Để sửa chữa, bảo dưỡng là chính. Nhưng cũng có khi vì sự cố ở các trạm điện do người dùng quá tải, nhất là vào dịp Tết, mùa nóng nực.

Tiết kiệm điện là biểu hiện của lối sống hiện đại, văn minh. Giống như chuyện ăn uống, ăn đủ và không lãng phí. Người Đức nổi tiếng sử dụng điện hợp lý. Vào một nhà ở Đức, buồng nào sử dụng thì đèn mới bật sáng, chứ đâu có bật lung tung, lãng phí như ta. Tiết kiệm điện, giảm chi tiêu cá nhân, bảo đảm công suất an toàn cho Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến người khác... là một thói quen tốt, cần học tập.

Trong chỉ tiêu mức sống có mức sử dụng điện. ở Hà Nội, bây giờ nhà nào có nhiều tầng, có nhiều buồng, có nhiều vô tuyến, tủ lạnh là có mức sống cao, tạo cho các thế hệ khác nhau sống trong một nhà tự do lựa chọn thông tin. Tôi còn nhớ vài chục năm trước, các đường phố Kim Mã, Bạch Mai còn tù mù vài ngọn đèn đường, thì hôm nay những nơi trước đây vốn là làng xã, đêm đến ánh sáng bừng lên từ các cửa sổ, các căn phòng ấm áp và hạnh phúc.

Mùa xuân đến, vào dịp Tết, ngành Điện cả nước và Thủ đô đều có kế hoạch sao cho thỏa mãn các yêu cầu đón vui năm mới của nhân dân. Đủ cho sản xuất, các công trình đang xây dựng, cho các hoạt động văn hóa lớn nơi công cộng, trong các nhà hát, cung thiếu nhi, các nhà hàng, cho căn phòng đón xuân, điện đủ cho toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội...

Những người thức trong đêm những ngày ấy, như bao ngày của một năm là cán bộ, công nhân viên những ngành phục vụ như Thông tin, bưu điện và hiển nhiên trong số đó có cán bộ, công nhân ngành điện Hà Nội.

Vai trò của điện trong đời sống lớn tới chừng nào? Không thể đánh giá hết được, nhưng chắc ai cũng có thể tự hiểu được.

Đất nước và Thủ đô đã phát triển vượt bậc rồi, chuyện “ô” và “a” buồn cười trước đây hẳn sẽ không còn nữa.

Theo: Tạp chí Điện lực Số 1+2/2008