Tin trong nước

Bảo vệ các công trình điện cần: Xã hội hoá

Thứ tư, 27/2/2008 | 14:12 GMT+7

Vào lúc 12 giờ đêm ngày 7/12/2007, điện ở trạm biến áp thôn 3 xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bỗng nhiên tắt ngấm. Lúc này, nhân dân trong khu vực đang say giấc. Người dân hết sức nghi ngờ, không hiểu vì sao điện lại tắt nên đã báo ngay cho thợ điện của Ban Quản lý điện của xã biết. Tại trạm biến áp, người dân đã phát hiện thấy đoạn cáp từ máy biến áp đến aptomat bị cắt rời. Rõ ràng đây là một vụ trộm trên hệ thống điện mà kẻ gian phải là người am hiểu về điện hoặc đã từng thao tác trên lưới điện nên mới biết cách thức để tự tạo ra cây sào cắt điện hoặc đây là một kẻ “điếc không sợ súng” nên mới đem tính mạng của mình ra để đánh đổi vài mét dây cáp trên thiết bị và đường dây đang mang điện.

Kẻ gian thấy động đã bỏ chạy, không kịp mang theo tang vật, gồm áo lạnh, điện thoại di động cùng với các dụng cụ để thao tác như dao, kìm, cưa sắt, sào tự tạo, đoạn cáp đang cắt lở dở. Nhân dân đã báo ngay cho công an và bằng nghiệp vụ của mình, công an đã tìm ra kẻ gian. Lệnh bắt khẩn cấp đã được ban hành. Đó là tên Nguyễn Quang Tuyên, sinh năm 1977 có hộ khẩu thường trú tại thôn 3 xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Kẻ gian chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhưng điều đáng nói ở đây là tinh thần cảnh giác của nhân dân, là bài học cần được phát huy trong việc phối hợp bảo vệ tài sản của ngành điện. Theo báo cáo của Điện lực Quảng Nam. Sau 10 năm chia tách tỉnh, hệ thống điện lưới gia tăng nhanh chóng, đường dây 35 kV tăng 3 lần, đường dây 15 (22) kV tăng hơn 2 lần, trạm biến áp tăng 2,7 lần, số hộ dân được cấp điện tăng thêm 32%, số cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ được cấp điện tăng trên 10 lần. Với 21 TBA 35 kV, trên 1800 TBA 22/0,4 kV và gần 300 km đường dây điện các loại, phần lớn nằm giữa ruộng đồng, đồi núi, những nơi thưa thớt dân cư thì việc tuần tra cảnh giác, bảo vệ hệ thống điện ngày càng phức tạp, khó khăn so với lực lượng lao động hiện có của Điện lực. Vì vậy, trong những năm gần đây, tình trạng mất cắp thiết bị trên lưới điện thường xuyên xảy ra, có vụ hết sức nghiêm trọng như vụ trộm tuyến đường dây Đại Hồng - Thạnh Mỹ, xảy ra năm 2003, kẻ gian đã cắt và lấy đi trên 4.000 mét dây, làm gãy đổ hàng chục trụ điện, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, phải tốn rất nhiều công sức để truy tìm thủ phạm, và ngành Điện phải mất thời gian dài với chi phí lớn mới khôi phục công trình như nguyên trạng.

Công an tỉnh Quảng Nam cho biết năm 2005 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ mất cắp thiết bị điện; năm 2006 xảy ra 54 vụ, gồm 456,6 mét dây nối đất, 179,2 mét cáp đồng, 291 mét dây hạ thế, gần 1.000 mét dây điện thắp sáng của nhân dân và nhiều công tơ trạm và tiếp địa trung thế. Riêng năm 2007, số liệu chưa thống kê hết cũng đã có gần 50 vụ. Đa số các vụ cắt trộm dây điện, phần lớn là tài sản của các địa phương đã bàn giao cho Điện lực, vì vậy các địa phương ít quan tâm đến bảo vệ công trình trong khi lực lượng ngành Điện quá mỏng không thể thường xuyên kiểm tra hết cả một khối lượng lớn công trình, lại trải rộng ở những nơi vắng vẻ, và kẻ trộm thường ăn trộm vào lúc nửa đêm.

Theo ông Nguyễn Quang San, sở dĩ Chi nhánh điện Duy Xuyên là địa bàn ít xảy ra mất cắp thiết bị điện so với các địa phương khác là do đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp chỉ đạo của Công an tỉnh và Điện lực Quảng Nam trong việc phối hợp bảo vệ các công trình điện. Trước hết là việc chủ động phòng ngừa, tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra các trạm biến áp, các khu vực, các địa bàn có nguy cơ xảy ra mất cắp. Khi phát hiện tội phạm gây án, chi nhánh cử người bảo vệ hiện trường, kịp thời thông báo qua điện thoại cho công an các địa phương gần nhất để tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra, truy xét kịp thời và nhanh chóng khôi phục lại công trình, rút ngắn thời gian mất điện cho nhân dân, sau đó chi nhánh mới bổ sung báo cáo công an bằng văn bản chính thức. Một trong những biện pháp hết sức quan trọng mà Chi nhánh điện Duy Xuyên áp dụng có hiệu quả là thường xuyên phối hợp với công an huyện và công an các xã; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền trong nhân dân biết để đề cao cảnh giác với kẻ gian. Nhờ vậy, trên địa bàn quản lý kinh doanh của Chi nhánh điện Duy Xuyên bây giờ, người dân đã rất có tinh thần cảnh giác, hễ thấy mất điện bất bình thường là điện báo ngay cho chi nhánh, như trường hợp mất cắp tại trạm biến áp thôn 3 như đã nói ở trên. Đó là bài học kinh nghiệm bảo vệ tài sản trên lưới điện nhờ vào “tai mắt” của nhân dân, là bài học “xã hội hoá” bảo vệ các công trình điện thông qua nhân dân phòng chống và phát hiện tội phạm, nhằm ngăn ngừa những tác hại nghiêm trọng do do kẻ xấu gây ra cho công trình điện, gây ra tác hại xấu, ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng.

Theo Bản tin CĐ T1+2/2008