Tin trong nước

Những “bóng hồng” ở Thủy điện Yaly

Thứ tư, 17/10/2007 | 00:00 GMT+7

Cách thành phố Pleiku khoảng 40km về hướng Tây Bắc, Thủy điện Yaly thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai là nhà máy Thủy điện có sản lượng lớn thứ hai và là công trình thủy điện ngầm lớn nhất cả nước. Nhà máy thủy điện Yaly (nay là Công ty Thủy điện Yaly) có chuyện lạ: Hơn 80% “dân số” là người trẻ, trên 40 tuổi đã bị coi là... khan hiếm và tỉ lệ nam nữ luôn chênh lệch ở mức khó tin: cứ 10 nam mới có một nữ, nên tìm những “bóng hồng” ở đây khó lắm.

                         

Buổi sáng ở Yaly bắt đầu sôi động khi các kíp thay ca ở gian máy ngầm. Khoảng 6h30 sáng những chuyến ô tô đưa công nhân từ khu tập thể ở biển Hồ, cách nhà máy 40km, đổ xuống sân nhà máy, những chiếc mũ trắng đi xuyên qua căn hầm dài và sâu gần 30m là gian máy ngầm ồn ã tiếng động cơ, tiếng máy chạy. Có ba ca và năm kíp làm việc luân phiên. Anh Đặng Khắc Bộ, nhân viên phòng hành chính, phàn nàn: “Nhà máy hơn 500 người nhưng khó nhất là tìm các cô, có khi đi tìm cả ngày không ra vì công việc buộc họ liên tục thay đổi vị trí...”.

Là một trong số những “bóng hồng” hiếm hoi làm việc ở gian máy, Trần Thị Mai Thảo (sinh năm 1980) nhỏ nhắn, lọt thỏm trong phòng máy toàn đồng nghiệp nam và được các anh đánh giá là: “Làm được việc nhưng... nhát lắm, nhất là khi tiếp xúc với người lạ”. Nhưng sau mấy câu hỏi xã giao, Thảo đã tâm sự thoải mái về công việc của một nữ kỹ sư trẻ ở một nơi đòi hỏi nam giới nhiều hơn: “Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng, mình đầu quân về Nhà máy Thủy điện Pleikrông (cũng thuộc Công ty Thủy điện Yaly) ngay tại quê nhà (Kontum) rồi chuyển sang tập sự ở Nhà máy Yaly”. Thảo thú thật: “Ban đầu mình gặp nhiều sức ép khi làm việc bên các đồng nghiệp nam rất giỏi, giờ thì tổ máy thân thiết như nhà mình...”. Công việc chủ yếu của Thảo là hiệu chỉnh các đồng hồ, thí nghiệm kiểm tra các thiết bị của gian máy. Cô gái trẻ chưa nghĩ đến chuyện... lấy chồng vì còn ham việc, hiện sống ở khu tập thể của trung tâm đào tạo Sê San, thật thà khoe: “Vì ít nữ nên được ưu tiên mỗi người một phòng, chứ nam thì phải 4 - 5 người một phòng”.

Ở nhà điều hành sản xuất ở tầng 8, cô gái trẻ Đinh Thị Hồng Sa (sinh 1981) có dáng người rất... thể thao này vốn là ứng cử viên các giải vô địch chạy, cầu lông ở hội thao hằng năm của Công ty. Chưa hết, Sa còn là “diễn viên múa” nghiệp dư của anh em công nhân. Quê tận Quảng Ngãi, nhưng người chồng của Sa làm việc ở đây. Tuy nhiên, hai vợ chồng sống tại khu tập thể ở Biển Hồ, anh đi làm theo ca, một vòng ca mấy chục ngày. Phân xưởng sửa chữa điện - tự động nơi Sa làm việc có tất cả 108 công nhân nhưng chỉ có 3 nữ. Ngoài Thảo và Sa, Hương, Hải (Trưởng Ban nữ công) đều học xong chương trình đào tạo ở trường đại học đã mạnh dạn chọn Yaly là điểm dừng chân.

Riêng “bóng hồng” Phạm Thị Thu Hương, gốc Yên Bái, đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đánh giá cao như tham gia công trình công nghệ nâng cao độ ổn định của tổ máy, lắp đặt hệ thống điều khiển trung tâm, thiết kế qui trình làm việc phù hợp... Thu Hương vốn từ nhỏ đã sống trong môi trường của ngành điện. Hương tâm sự: “Ba mẹ mình công tác ngay ở thủy điện Thác Bà mà. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa, trong khi bạn bè đa số ở lại Hà Nội, mình chọn Yaly để thử sức từ hồi Yaly đang xây dựng dang dở. Giờ thì... trót yêu nhà máy rồi!”.

Theo Bản tin CĐ T10/07