Tin trong nước

Nữ lái cẩu hạng nặng duy nhất ở Thủy điện Hoà Bình

Thứ năm, 18/10/2007 | 00:00 GMT+7

Chỉ bằng một động tác nhẹ nhàng đẩy cần số điều khiển về phía trước tất cả bộ cánh phải sửa chữa đập tràn xả đáy nặng trên 200 tấn đã từ từ được nhấc lên khỏi vị trí ngưỡng van, cũng một động tác như vậy, bộ lưới chắn rác nặng 120 tấn được kéo lên từ đáy hồ. Đó là công việc thường xuyên của nữ lái cẩu duy nhất đang làm việc tại Nhà máy thủy điện Hoà Bình.

 

                 

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc Kỳ Sơn – Hoà Bình, vùng hạ lưu chỉ cách nhà máy Thủy điện hơn 10km, hàng năm cứ về mùa lũ là nước sông lại tràn vào ngập trắng đồng. Hoàng Thị Hường không thể không ngờ được rằng chính mình sau này cũng là người góp một phần sức lực tham gia trị thủy sông Đà, để cho vùng quê đã sinh ra và nuôi dưỡng mình thoát khỏi cảnh ngập lụt cứ mỗi mùa lũ đến và phát ra dòng điện phục vụ quê hương.

Năm 1985 sau khi học phổ thông trung học xong, cô đăng ký đi học lớp vận hành tua bin thủy lực của Ban quản lý Công trình Thuỷ điện Hoà Bình. Năm 1987 ra trường, trở về Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, được phân công vào làm việc tại tổ cẩu chuyển, công việc chủ yếu là: Giám sát lắp đặt các thiết bị cơ khí thuỷ lực, bảo dưỡng các thiết bị của nhà máy mới nhập từ Liên Xô và cẩu kéo hàng nặng tại cảng nghiêng phục vụ cho việc lắp đặt 8 tổ máy của thuỷ điện Hoà Bình. Đó là thời kỳ toàn bộ hàng siêu trường, siêu trọng đều được tập kết tại cảng nghiêng và được vận chuyển thẳng từ Hải Phòng lên qua đường thuỷ. Chỉ trong một thời gian ngắn với quyết tâm và lòng say mê nghề nghiệp cô đã làm chủ được chiếc cẩu trục nâng hàng nặng đầu tiên tại cảng. Lần đầu tiên trèo lên ca – bin cẩu cao chót vót nhìn xuống là nước sông Đà cuồn cuộc chảy ngay dưới chân mình đã thấy chóng cả mặt. Trong thời gian đầu làm việc khi cẩu hàng nặng vẫn phải có thợ chính đứng kèm, sau làm mãi cũng đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm, thực tế công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo và cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Có những thiết bị khi nâng chuyển đòi hỏi độ chính xác và an toàn rất cao như 24 bộ biến áp của nhà máy mỗi bộ nặng 115 tấn, các cánh tua bin thủy lực nặng gần 90 tấn và các Stato máy phát điện, các mặt gương máy phát... chỉ cần sơ xảy một chút thôi là hàng tỷ đồng của Nhà nước đổ xuống sông, xuống bể và điều quan trọng nhất là chậm tiến độ thi công, phát điện các tổ máy, phụ công của hàng vạn người ngày đêm lao động ngoài công trường. Từ năm 1987 đến năm 1990 hàng nghìn tấn thiết bị đã được Hoàng Thị Hường và các đồng nghiệp nâng chuyển an toàn góp phần đẩy nhanh tiến độ lắp máy để các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hoà Bình phát điện đúng tiến độ. Sau khi tổ máy số 1 phát điện, nhà máy nhận bàn giao từ lắp máy toàn bộ các cẩu có trọng tải lớn từ 42 tấn – 350 tấn và nghiệm thu lắp đặt 2 cẩu chân dê 250 tấn cửa nhận nước và 500 tấn đập tràn. Cô lại lao vào học hỏi, thợ lái cẩu phục vụ lắp máy rất khó, đòi hỏi phải chính xác từng ly khi di chuyển, lên xuống. Cùng với đội ngũ lái cẩu hạng nặng của nhà máy, Hoàng Thị Hường cô gái duy nhất của đội lái cẩu cũng đã thành công, lắp đặt chính xác an toàn các thiết bị cơ khí thuỷ lực của cửa nhận nước, các thiết bị của máy phát, buồng xoắn, tua bin của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình được các chuyên gia và đội ngũ thợ lắp máy đánh giá cao.

 

Bây giờ Hoàng Thị Hường đang là công nhân lái cẩu bậc 6/7, mặc dù làm việc khá vất vả khi công việc của cô chủ yếu là làm ngoài trời dưới cái nóng kinh khủng của mùa hè hay lạnh thấu xương của mùa đông Tây Bắc, nhưng nét thanh xuân ngày nào vẫn còn vương vấn trong dáng vẻ của cô sơn nữ ngày xưa. Cũng chao chát ra trò khi bị cánh nam nhi đứng dưới trêu là Hường cẩu: “Đây nói cho mà biết ba, bốn trăm tấn chỉ nháy một cái là treo lủng lẳng chứ ngữ các đằng ấy năm, sáu mươi cân nhằm nhò gì”. Giỏi dang với công việc chuyên môn, công tác đoàn thể, nữ công và công tác công đoàn cô đều tích cực tham gia, vẫn nhận ra cô trong các phong trào đoàn thể của phân xưởng trong Công ty, vẫn nhận ra cô trong uyển chuyển nhịp nhàng của lời ca điệu múa trong phong trào văn nghệ quần chúng thường xuyên được diễn ra tại Công ty Thủy điện Hoà Bình.

Nhìn người phụ nữ 42 tuổi xinh đẹp và nhanh nhẹn ít ai có thể ngờ được rằng cô đã có 20 năm làm cái nghề trèo cao suốt ngày chuyên cẩu kéo hàng nặng. Khi được hỏi: Điều gì đã giúp cô thành công trong công việc khó khăn vất vả suốt những năm qua, không nghĩ lâu cô trả lời: “Mình là phụ nữ, công việc cũng có nhiều hạn chế, các công việc nặng nhọc chủ yếu do cánh đàn ông đảm nhận, mình cũng chẳng làm được gì nhiều. Có lẽ cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc, con cái chăm ngoan thành đạt và sự động viên khích lệ của cơ quan bạn bè đồng nghiệp đã là động lực giúp tôi thành công trong công việc hôm nay”. 

Theo Bản tin CĐ T10/07