Sự kiện

Có một vị “Thủ Tướng điện” trong lòng nhân dân Việt Nam

Thứ sáu, 18/11/2022 | 08:52 GMT+7
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sinh ngày 23/11/1922 tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tham gia cách mạng năm 16 tuổi, đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Đông Dương năm 18 tuổi. 

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thăm và làm việc tại công trình Thủy điện Trị An năm 1986.
 
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Bác Sáu Dân) đã giữ những chức vụ quan trọng từ xã, huyện, miền, Sài Gòn và Trung ương Đảng. 
 
Bác cũng là người chủ trì triển khai dự án đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam này, bởi "Nếu đưa điện vào miền Nam sẽ kích thích, góp phần phát triển kinh tế cả nước. Về mặt chính trị, đây sẽ là công trình được lòng dân vì “Miền Nam đi trước về sau”. Miền Bắc thì thừa điện, bán cho nước ngoài mà miền Nam thì đang thiếu, mình có tội lớn với đồng bào. Vì vậy đưa điện vào miền Nam là hợp lòng dân”.
 
Dự án của Bác Sáu Dân vấp phải rất nhiều những ý kiến trái chiều của dư luận, bởi lúc này trên thế giới chưa có quốc gia nào làm được đều này, kể các các nước tiên tiến nhất. Bởi chiều dài đường dây lên đến 1.500 km, vượt qua bao nhiêu sông suối, đồi núi, đường bộ khó khăn và hiểm trở, những yếu tố về kỹ thuật không đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Do đó thực hiện dự án này là phiêu lưu, đốt tiền của Nhà nước, nhưng bác thì lại không nghĩ như vậy. Trong khi làm việc với cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án, lúc này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bác Sáu Dân quả quyết “Nhiệm vụ của cán bộ khoa học, kỹ thuật là chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác.... đã có Chính phủ lo”. Không chờ cho sự ngổn ngang của dư luận lắng xuống, với tinh thần nhìn thẳng, nói thật, bác nói “Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng ra một bên”.

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thị sát công trường xây dựng Trạm Nhà Bè- Công trình đồng bộ với Nhiệt điện Phú Mỹ 1.
 
Từ những quyết tâm đó, dần dần thuyết phục được những người khó tính nhất, ngày 05/4/1992, công trình được khởi công cùng quyết tâm “Việc xây dựng công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm và làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân”. Bác cũng đã có trách nhiệm với quyết sách của mình trước Đảng, trước nhân dân “Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”. Đó là thời khắc “nổ phát súng” lệnh cho đội quân năng lượng tiến vào cuộc chinh phục thần thánh và kỳ vĩ.
 
Sau những lời “hùng hồn” đó và vì mệnh lệnh điện cho miền Nam, hàng trăm nghìn kỹ sư công nhân đào tạo từ chính quy, tại chỗ, nhân dân địa phương, quân đội, công an đồng loạt ra quân. Lúc bấy giờ, tất cả công cụ đều còn thô sơ và rất đơn giản, những người lao động ngày đêm san đường bạt núi để dựng lên những trụ điện sừng sững hiên ngang……. không giầy, không mũ bảo hộ, không găng tay nhưng đã làm nên một đại công trường hùng hục khắp ba miền. Còn đó những tàn dư của chiến tranh, hố bom, bom mình còn sót lại… cho nên không ít người đã đổ máu, hy sinh thân mình khi thực hiện công trình thế kỷ này.
 
Một công trình lớn được thi công ở một đất nước còn nghèo đói, tài chính và đội ngũ kỹ sư chưa hùng hậu, chưa có kinh nghiệm vì vậy mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt liên tục đi thăm những công trình. Ông vào tận trụ điện xem tình hình anh em công nhân sinh hoạt ăn uống như thế nào, điều kiện làm việc ra sao, có những khó khăn gì? Cố Thủ tướng rất gần gũi với công nhân, do đó đã tạo nên tinh thần và môi trường làm việc rất khẩn trương và trách nhiệm.
 

Đường dây 500kV Bắc- Nam.
 
Sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, đúng 19h7'59'' ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến. Dòng điện lóe sáng, thông báo đã hòa lưới từ Thủy điện Hòa Bình (miền Bắc) đến trạm Phú Lâm (miền Nam), nối liền hệ thống điện trong cả nước, giải quyết được bài toán thiếu điện ở khu vực miền Trung và miền Nam.
 
Trong 730 ngày đêm xây dựng đại công trường lớn nhất, dài nhất trong lịch sử, gian nan vất vả không thể nói hết bằng lời, chỉ biết rằng hàng vạn con người đã làm việc bằng tinh thần và ý chí sắt đá, một quyết tâm cao như đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Công trình gồm có 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 17 tỉnh thành, 7 lần vượt sông và 17 lần vượt quốc lộ.
 
Sự thành công của công trình, những bước chân thần tốc của con lạc cháu hồng đã gói gọn công trình trong 2 năm khiến các chuyên gia trên thế giới phải nể phục. Đường dây 500kV mạch 1 đã đặt nền móng cho ngành điện nước ta vươn đến mạch 2, mạch 3 sau này. Nhưng quan trọng hơn tất cả là đã chứng minh được quyết sách đúng đắn của con người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Công trình đường dây siêu cao áp 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. Là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bằng và miền núi trên cả nước. 
 
Nhờ những quyết sách “vượt Trường Sơn” đưa dòng điện cứu “cơn đói điện” năm 1994 mà đến nay, cứ mỗi tháng ngành điện miền Nam cung cấp gần 7 tỷ 500 triệu KWh cho gần 9,1 triệu hộ dân trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam phát triển kinh tế xã hội.
 
Hà Tiên