Sự kiện

Công nghiệp sản xuất thiết bị điện Việt Nam: Liệu có thua ngay trên “sân nhà”?

Thứ tư, 6/1/2010 | 09:51 GMT+7

Cuối năm 2008, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về Chiến lược phát triển ngành Sản xuất thiết bị điện, có tác dụng định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Liệu 10-15 năm tới, ngành công nghiệp này có thể thâu tóm thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu? 

  

Cơ hội và thách thức của ngành sản xuất thiết bị điện được các đại biểu dự Hội thảo Công nghệ và Thiết bị điện rất quan tâm

 Có khả năng đáp ứng?

Những năm gần  đây, nhu cầu phụ tải điện ở Việt Nam luôn tăng với tốc độ 2 con số. Theo Quy hoạch điện VI, bình quân tốc độ tăng trưởng điện năng những năm tới là 17%, thậm chí có thể ở mức 20-22%. Tất nhiên, để đáp ứng nhu cầu trên, công tác xây dựng nguồn và lưới điện cũng được đầu tư tương ứng.

Dự kiến, trong giai đoạn 2009 - 2015, EVN sẽ đầu tư khoảng 470 nghìn tỷ đồng để triển khai xây dựng các công trình nguồn và lưới điện. Tại các thành phố lớn, công tác ngầm hóa lưới điện để đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cho người dân, cũng như lắp đặt công tơ điện tử để tính toán, áp giá điện thuận tiện, chính xác cũng đang được gấp rút triển khai… 

Máy biến áp 110 kV do Công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh sản xuất đạt “Huy chương Vàng” nhiều hội chợ và Giải thưởng quốc tế cho thương hiệu tốt nhất t­hương hiệu tốt nhất
Những tiền đề trên cho thấy thời gian tới, nhu cầu về thiết bị điện là vô cùng lớn. Vấn đề đặt ra là ngành Sản xuất thiết bị điện (SXTBĐ) có khả năng đáp ứng?

Theo Quyết định số 48/2008/QĐ-BCT ban hành ngày 19/12/2009 về Quy hoạch phát triển ngành SXTBĐ giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến năm 2025, thời gian tới của Bộ Công Thương, ngành SXTBĐ không những phải đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp cơ khí điện lực lớn như Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực, Công ty CP Cơ điện Miền Trung và Công ty CP Cơ điện Thủ Đức v.v… đã khẳng định được năng lực thông qua việc chế tạo và sản xuất trên dây chuyền công nghiệp các sản phẩm: Cột thép, thiết bị cơ khí thuỷ công… đặc biệt là chế tạo máy biến áp 220 kV và sửa chữa thành công máy biến áp 500 kV, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của các công trình điện trọng điểm. Những sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí thuộc EVN nhìn chung được đánh giá cao về chất lượng, giá cả.

Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị chế tạo thiết bị điện trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn hoặc công ty liên doanh là có tiềm lực, còn lại đa số các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ sản xuất với công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Vì thế, thị trường thiết bị điện Việt Nam hiện vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Ngay tại Hội chợ triển lãm thiết bị điện ETE diễn ra trong tháng 11/2009, ngoài một số doanh nghiệp thuộc EVN là “thuần nội” thì… đa số các doanh nghiệp tham gia là công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hoặc các công ty Việt Nam, nhưng nhập khẩu thiết bị nước ngoài về lắp ráp lại.

Cơ hội nào cho hàng nội?

Theo đánh giá của các chuyên gia, cũng giống như nhiều ngành cơ khí khác, ngành SXTBĐ Việt Nam chưa phát triển xứng tầm. Hiện hơn 50 % giá trị sản phẩm do Việt Nam sản xuất có các linh kiện nhập ngoại. Vì thế, khi nguyên liệu trên thế giới tăng giá hoặc khan hiếm, nền sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Những năm qua, bên cạnh việc sử dụng một số thiết bị “made in Vietnam” , EVN đã phải nhập khẩu tỷ lệ lớn các thiết bị mà các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Trước sự tràn lan của hàng ngoại, Chiến lược phát triển ngành Cơ khí cũng đề cập đến giải pháp là tạo chế độ ưu đãi với các doanh nghiệp Việt Nam như: Áp dụng hàng rào thuế quan mức cao nhất để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thiết bị điện mà doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được. Tuy nhiên, giải pháp này được đánh giá như “con dao hai lưỡi”. Vì chính sách bảo hộ, một mặt làm trì trệ nền sản xuất trong nước, mặt khác cũng có thể dẫn tới nguy cơ bị áp thuế trả đũa.

Vì vậy, giải pháp căn bản chính là: “Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, đa dạng hóa phương thức đầu tư, hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi”. Theo bà Nguyễn Hồng Hải - Viện chiến lược nghiên cứu Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, đây là hướng đi đúng đắn và khả quan nhất cho các doanh nghiệp hiện nay. Vì chỉ liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài mới tranh thủ được vốn và học hỏi được công nghệ kỹ thuật lẫn công nghệ quản lý tiên tiến của họ.

Xác định cơ khí là 1 trong 3 lĩnh vực hoạt động chính, EVN cũng đã chủ động xây dựng, hoàn thiện và ban hành Quy hoạch chiến lược phát triển cơ khí Điện lực với mục tiêu: Tiết giảm và tiến tới ngừng chế tạo thiết bị lạc hậu, nội địa hoá phù hợp với quá trình phát triển kinh tế ngành Điện. Để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, EVN khuyến khích các đơn vị thành viên kết hợp hài hoà giữa ứng dụng công nghệ thế giới thông qua nhập khẩu, chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh; phát huy nội lực, tự nghiên cứu, tự thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị cơ khí điện lực theo trình tự từ bộ phận đến trọn bộ, từ đơn giản đến phức tạp.

Mặt khác, để giúp các công ty thành viên không bị “sốc” trong cơ chế thị trường, mặc dù không có chính sách bảo hộ cho bất cứ loại sản phẩm nào, nhưng EVN cũng thực hiện cơ chế ưu tiên cho các đơn vị trực thuộc trên cơ sở tôn trọng pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế như: Áp dụng chỉ định thầu theo cơ chế thử nghiệm công trình lần đầu tiên; triển khai chỉ định thầu một số gói EPC… Những cơ chế, chính sách trên đã tạo cơ hội cho các đơn vị tăng dần nội lực và khả năng cạnh tranh.

Cần “xốc dậy” công nghiệp phụ trợ

Một trong những điểm yếu của ngành cơ khí nước ta là thiếu công nghiệp phụ trợ và ngành SXTBĐ cũng không ngoại lệ. Do vậy, rất cần đầu tư xây dựng các nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện tiêu chuẩn cho động cơ điện, máy phát điện, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chị Đỗ Thị Hảo - phiên dịch cho một công ty chế tạo thiết bị điện của Nhật tại khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong quá trình sản xuất, do thiếu thiết bị phụ kiện, sau khi xem xét danh sách các công ty đăng ký trên danh bạ điện thoại, lãnh đạo người Nhật của chị đã đến tận nơi tìm hiểu. Nhưng sau khi mục sở thị nhiều công ty Việt Nam chỉ là những xưởng sản xuất nhỏ lẻ, ông này đã quyết định nhập linh kiện từ Hồng Kông.

Bên cạnh việc cần một chính sách đồng bộ, và quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực và thể hiện tầm “nhìn xa, trông rộng” của các doanh nghiệp Việt Nam, để “xốc dậy” ngành SXTBĐ, một trong những việc cần làm ngay là xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ngành, nhằm giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Được biết, Viện chiến lược nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đang xây dựng Trung tâm hỗ trợ công nghiệp để tập hợp, xây dựng dữ liệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

Như vậy, thời gian tới mặc dù thị trường trong và ngoài nước còn rất rộng mở, song bản thân các doanh nghiệp cơ khí điện lực Việt Nam cần phải nhanh chóng khắc phục hạn chế, tận dụng mọi cơ hội để không bị “thua ngay trên sân nhà”...

Tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành sản xuất thiết bị điện giai đoạn 2006-2015 ước khoảng 180 nghìn tỷ đồng.

(Theo QĐ 48/2008/QĐ ra ngày 19/12/2008 của Bộ Công thương)

Mục tiêu của ngành SXTBĐ trong Quy hoạch phát triển

 

Tăng trưởng

Xuất khẩu

Giai đoạn 2011-2015

19-20%

18%

Giai đoạn 2016-2025

17-18%

15%

 
Theo: Tạp chí Điện lực