Đoàn viên Công đoàn Điện lực Giao Thủy kiểm tra, cập nhật số liệu tiêu thụ điện năng trên địa bàn bằng công nghệ số (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Thực hiện chức năng phối hợp với chuyên môn đoàn viên Công đoàn tích cực lao động sản xuất hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch giao, Công đoàn Công ty đã phát động công nhân, viên chức, người lao động đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh.
Ông Vũ Dũng Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công ty Điện lực Nam Định hiện đang quản lý, vận hành 12 trạm biến áp 110kV, 3.820 trạm biến áp phân phối, 16.600km đường dây các loại, cung ứng điện cho gần 750 nghìn khách hàng; trong đó 89% là khách hàng dùng điện cho nhu cầu sinh hoạt nên nhu cầu ứng dụng công nghệ số để sử dụng hợp lý nhân lực, tăng năng suất lao động, tăng độ tin cậy cấp điện luôn rất cao.
Nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ số, Công đoàn Công ty đã phối hợp, chỉ đạo, vận động đoàn viên trong các phòng nghiệp vụ, đơn vị sản xuất tích cực tham gia khai thác phần mềm dùng chung do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phát hành; đồng thời sáng tạo các phần mềm riêng áp dụng hiệu quả trên các lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật an toàn, quản trị doanh nghiệp.
Trên lĩnh vực kinh doanh, đơn vị đã sớm áp dụng phần mềm quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS 3.0) từ năm 2017; qua đó từng bước chuẩn hóa toàn bộ mã khách hàng, giúp công tác dịch vụ khách hàng và hoạt động triển khai thu hộ tiền điện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng luôn bảo đảm an toàn, thuận lợi.
Việc phát hành hóa đơn điện tử, ký số bảng kê, báo cáo và triển khai các phân hệ mới, các chức năng mới như dịch vụ điện cấp độ 4, dịch vụ điện bằng phương thức điện tử, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến... đều được đơn vị quán triệt, thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ. Cán bộ, nhân viên tham gia vận hành đều thành thạo quy trình từ cập nhật dữ liệu đến khai thác thống kê, báo cáo theo nhiệm vụ được phân công. Các phần mềm, ứng dụng quản lý thông tin khách hàng (CRM), trang thông tin điện tử chăm sóc khách hàng, quản lý tiêu thụ điện, nhắn tin thông qua ứng dụng SMS và Zalo… được Công ty vận hành, khai thác phục vụ hiệu quả công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Trong đó, hoạt động thu thập kết nối, nhắn tin chăm sóc khách hàng qua Zalo được Công ty đẩy mạnh, đến nay đã có gần 200 nghìn khách hàng kết nối, vượt gần 30% kế hoạch giao.
Công ty cũng đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ví điện tử, thông qua App các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Hiện tại, số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng hơn 70% tổng số khách hàng dùng điện trên địa bàn tỉnh. Trên lĩnh vực kỹ thuật an toàn, hoạt động ứng dụng công nghệ số được Công đoàn Công ty phối hợp với các bộ phận chuyên môn tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh thông qua việc sớm đưa Trung tâm điều khiển xa của Công ty Điện lực Nam Định đi vào vận hành ngay từ năm 2019. Do đó, hiện tại hầu hết các trạm biến áp đầu nguồn 110kV trên địa bàn tỉnh đều được vận hành theo cơ chế không có người trực. Tỷ lệ thao tác xa thành công đạt 99,6%, cao hơn so với trung bình của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là 95%.
Trên lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, Công ty Điện lực Nam Định đã triển khai, vận hành 12 phân hệ cho các phòng, ban và 4 phân hệ cho các đơn vị trực thuộc. Việc vận hành phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP) theo chuẩn quốc tế với quy trình chặt chẽ, minh bạch giúp công tác hạch toán kế toán của đơn vị luôn phản ánh trung thực, cung cấp thông tin báo cáo kịp thời, đầy đủ cho các cấp lãnh đạo, phục vụ tốt công tác điều hành sản xuất, kinh doanh.
Đối với phần mềm văn phòng điện tử (Eoffice 3.0), Công ty đang áp dụng đầy đủ các phân hệ, tính năng của phần mềm tới các đơn vị trực thuộc; triển khai áp dụng chữ ký số, cấp tài khoản quản lý, cập nhật đầy đủ số điện thoại, Email cho tất cả cán bộ, công nhân viên. Ngành Điện hiện đã sử dụng phần mềm HRMS 2.0 để tổ chức cập nhật đầy đủ lý lịch cán bộ, công nhân viên và các dữ liệu về quá trình công tác, bậc lương, chức danh, chứng chỉ bằng cấp, khen thưởng, kỷ luật, hồ sơ y tế... Định kỳ hoặc đột xuất, cán bộ, người lao động tự cập nhật, bổ sung thông tin cá nhân vào phần mềm. Qua đó, giúp lãnh đạo đơn vị quản lý tốt lực lượng lao động, hỗ trợ công tác bố trí, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, quản lý nâng lương, quản lý sức khỏe người lao động phù hợp, an toàn.
Ngoài ra Công ty thường xuyên ứng dụng hệ thống hội nghị truyền hình để tổ chức các cuộc họp, lớp đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho người lao động, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa mở rộng thành phần tham gia.
Công đoàn Công ty cũng triển khai, phát động xây dựng, triển khai các phần mềm, ứng dụng dùng riêng thu hút nhiều nhân lực giỏi công nghệ thông tin tham gia. Trong đó, đáng chú ý là sáng kiến của tập thể Tổ Công đoàn Phòng Công nghệ thông tin về việc nâng cấp toàn diện Website Công ty Điện lực Nam Định, đáp ứng tốt cả bố cục, hình thức, công nghệ. Đặc biệt, phiên bản nâng cấp có thể tự điều chỉnh kích thước phù hợp khi mở trên máy tính bảng, điện thoại thông minh nhằm phục vụ tốt công tác truyền thông và kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Ứng dụng sử dụng máy bay quay phim không người lái (Flycam) trong công tác kiểm tra lưới điện trên cao được áp dụng rộng rãi tại các Điện lực cơ sở, mang lại hiệu quả cao, nhất là với những khoảng đường dây vượt sông, lưới điện chạy trên cánh đồng...
Hàng năm đơn vị đều tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động; phổ biến kịp thời các văn bản, tài liệu hướng dẫn đảm bảo an ninh trật tự của Chính phủ, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đến cán bộ, công nhân viên; xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự để các phòng, ban, đơn vị, người lao động cùng thực hiện...
Với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua triển khai, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, Công đoàn Công ty Điện lực Nam Định đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an toàn cung ứng điện năng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.