Hậu quả là khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như sương muối, mưa phùn sẽ phát sinh phóng điện vầng quang, nếu không xử lý vệ sinh kịp thời sẽ có nguy cơ phóng điện tràn, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, làm suy giảm khả năng cách điện, tăng tổn hao công suất trên lưới, gián đoạn cung cấp điện của hệ thống. Vì vậy, giám sát và vệ sinh cách điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thợ truyền tải.
Ông Nguyễn Văn Xuân, phó giám đốc PTC3 cho biết, ở các nước công nghiệp tiên tiến, việc vệ sinh cách điện hầu như được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện). Công nhân làm vệ sinh hotline được sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng; môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao.
Cách làm này đảm bảo an toàn nhưng rất tốn kém kinh phí nên không thể áp dụng ở Việt Nam. Vì vậy, PTC3 thường phải đăng ký cắt điện đường dây 500kV ít nhất 3 lần/năm để vệ sinh thủ công. Vì thời gian cắt điện ngắn, khối lượng vị trí cột nhiễm bẩn nhiều nên mỗi lần tổ chức vệ sinh, PTC3 phải điều động toàn bộ nguồn nhân lực đường dây hiện có ở các đơn vị để làm vệ sinh (khoảng 350 người làm vệ sinh cho 500 vị trí trong 1 ngày). Vì thời gian cắt điện có hạn nên luôn tạo nên áp lực rất lớn cho người lao động, làm tăng nguy cơ mất an toàn khi làm việc trên cao. Hơn nữa, việc cắt điện để vệ sinh đã gây bất lợi lớn cho hệ thống, nhất là vào mùa khô, nếu cắt điện 1 đường dây để vệ sinh, chỉ còn lại 1 đường dây tải điện thì nguy cơ rã lưới diện rộng là rất lớn.
Với mục đích giảm thiểu việc cắt điện, chủ động trong xử lý nhiễm bẩn cách điện, PTC3 đã đăng ký nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải (220 kV, 500 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao”. Đây là công việc hoàn toàn mới, chưa từng được làm ở Việt Nam, lại thực nghiệm trên đường dây siêu cao áp nên rất nguy hiểm. Vì vậy, vấn đề đặt ra ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và an toàn cho cả hệ thống. Đồng thời giúp thợ đường dây chủ động được trong việc vệ sinh cách điện nhiễm bẩn, giảm được chi phí quản lý, giảm cường độ lao động cho công nhân, đặc biệt là giảm được nguy cơ phóng điện gây sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống.
Theo Phó giám đốc Nguyễn Văn Xuân, ngoài 4 chỉ tiêu phải đảm bảo an toàn cho con người như dòng điện rò, điện áp cao, điện từ trường và làm việc trên cao, yếu tố quyết định cho sự thành công của đề tài chính là việc thực hiện phương pháp khử ion theo công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện. Kết quả này cho phép người quản lý có thể trang bị hệ thống xử lý nước ngay trên ôtô và vận hành ngay tại hiện trường với chi phí đầu tư thấp, khá gọn nhẹ. Nước cách điện (đã qua xử lý ion) được chứa trong bồn sạch (bằng nhựa hoặc inox), thể tích tùy thuộc vào tải trọng của xe ôtô, thường để lượng nước đủ vệ sinh trong ngày cần khoảng 2m3 cho một nhóm công tác. Trên bồn nước có gắn thiết bị giám sát online cách điện của nước. Bồn nước này có thể bố trí cùng với thiết bị động lực và hệ thống xử lý nước trên một xe tải để tiện cơ động. Nước được bắn lên theo vòi nước với áp lực cao 70-100kg/cm2 để rửa sạch bụi bẩn.
Sau hơn hai năm nghiên cứu, thực nghiệm trong xưởng và thử nghiệm ở hiện trường lưới 220 kV, 500 kV đang mang điện, từ tháng 4/2010 đến nay, hàng loạt cuộc thử nghiệm tại các trạm biến áp đã thành công như vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Tuy Hòa- Nha Trang đang mang điện, vệ sinh hotline cấp điện áp 500 kV tại TBA 500 kV Pleiku, vệ sinh hotline thiết bị trong TBA 220kV Nha Trang (bao gồm máy cắt, chống sét van, dao cách ly, biến điện áp, biến dòng điện và MBA 220/110 kV).
Đặc biệt, thực nghiệm vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Krông Bút- Buôn Khớp (vị trí 56) và đường dây 500 kV Pleiku- Phú Lâm (vị trí 2702) khi đường dây vẫn đang mang điện được thực hiện rất nhanh chóng (mỗi chuỗi cách điện 500 kV chỉ bắn rửa trong 30 giây và chuỗi 220 kV trong 15 giây). Nếu như trước kia muốn làm vệ sinh 1 cột đỡ có 4 chuỗi cách điện 2 công nhân làm mất 2 giờ với tổng kinh phí khoảng 693.000 đ/cột, nay chỉ hết 20 phút (kể cả thời gian bố trí thiết bị và vận hành) với tổng kinh phí khoảng 291.000 đ/cột. Điều quan trọng là vẫn đảm bảo vận hành lưu thông dòng điện mà không phải cắt điện như trước.
Hiện nay, Công ty Truyền tải điện 3 đang dự kiến thành lập một đội vệ sinh hotline, trang bị trọn bộ một hệ thống thiết bị vệ sinh hotline và xử lý nước để triển khai trên lưới. Đồng thời tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ, tiến hành biên soạn qui trình công nghệ, làm thủ tục chứng nhận cấp phép đến trang bị thiết bị đồng bộ, huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong ngành...