Sự kiện

Cung ứng điện giai đoạn 2013-2015: Các dự án loay hoay với tiến độ

Thứ tư, 10/10/2012 | 08:30 GMT+7
Theo Ban Chỉ đạo nhà nước về Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia, hiện chỉ có 2/15 dự án điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2012 đạt tiến độ đề ra. Nguy cơ thiếu điện ở khu vực miền Nam giai đoạn 2013-2015 rất lớn.
 

Cận kề nguy cơ thiếu điện

Theo Quy hoạch điện 7, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ phải hoàn thành gần 110 công trình nguồn điện, trên 300 công trình lưới điện cấp 200 kV, 500kV và các trạm biến áp. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến độ các dự án đang rất chật vật.

Hầu hết các dự án đều bị chậm khoảng 3 tháng đến 1 năm. Điển hình là các dự án ở khu vực miền Nam như: Nhiệt điện Duyên Hải I, Duyên Hải III, Long Phú I, Ô Môn I (tổ máy 2) và Ô Môn III. Thậm chí, có những dự án có kế hoạch vận hành trong năm 2013 sẽ bị lùi sang năm 2014 như TM 2 của Nhiệt điện Vũng Áng I và TM 2 Nhiệt điện An Khánh I. Trong 8 dự án dự kiến khởi công vào năm 2013 đã chỉ mặt 3 dự án không thể triển khai như  dự kiến là: Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II và Nhiệt điện Nghi Sơn II. Điều đáng nói đây đều là những dự án trọng điểm cung cấp điện cho khu vực miền Trung và miền Nam giai đoạn 2013-2015. Vì vậy, cùng với khó khăn trong xây dựng lưới điện, miền Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trong mùa khô 2013 và những năm sau.

Sẽ xử phạt dự án chậm tiến độ

Theo ông Trần Viết Ngãi -  Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án chủ yếu do khó khăn từ vốn, giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu. Ngoài ra, cơ chế giá và cơ chế tài chính chưa khuyến khích thu hút đầu tư vào ngành điện. Quy định các ngân hàng không được cho vay quá 15% vốn điều lệ; doanh nghiệp có hệ số nợ vượt quá 3 lần vốn điều lệ không được bảo lãnh vay vốn… đã khiến nhiều chủ đầu tư rất khó xoay xở.

Mặc dù các giải pháp tìm kiếm nguồn vốn đã được Chính phủ rất quan tâm nhưng triển khai vẫn vướng nhiều. Các dự án: Long Phú I, Sông Hậu I, Duyên Hải III rất khó ký hợp đồng vay vốn. Đó là chưa kể, nhiều dự án nhiệt điện than còn chưa xác định được nguồn than nhập khẩu; giá khí cho các dự án Ô Môn III, Ô Môn IV cũng chưa xác định chính xác. Giải pháp chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện độc lập làm luôn đường dây cũng đang vướng cơ chế thu hồi vốn, chưa có quy định rõ ràng trong việc phân định vốn đầu tư, quản lý, vận hành...

Đặc biệt, nhiều dự án chậm tiến độ có nguyên nhân từ năng lực nhà thầu. Rất nhiều dự án do nhà thầu thi công đã vi phạm hợp đồng về tiến độ, chất lượng khiến dư luận rất lo ngại.

Theo ông Ngãi, để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ dự án, tiêu chí cho phép trúng thầu cần coi trọng các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học công nghệ, tài chính, chất lượng thiết bị chứ không nên chỉ dựa vào giá bỏ thầu. Ngoài ra, trước khi quyết định chọn nhà thầu cần có cơ chế thẩm tra thực tế năng lực của các nhà thầu, điều tra làm rõ những điểm bất hợp lý trong giá dự thầu và dự toán xây lắp của nhà thầu chào giá thấp. Đặc biệt, cần có ràng buộc trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong công tác chọn thầu để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu và quản lý thực hiện dự án.

Để đảm bảo an toàn cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quy định cơ chế đặc thù trong quản lý, thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII. Theo dự thảo, EVN phải đầu tư lưới truyền tải đồng bộ với nguồn, ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án nguồn. PVN và Vinacomin phải đảm bảo cung cấp đủ khí và than cho các dự án nguồn điện cấp bách. Ngoài các giải pháp tháo gỡ về vốn, hàng năm sẽ rà soát kỹ để tìm nguyên nhân chậm tiến độ của dự án, từ đó sẽ có chế tài xử phạt hợp lý đối với chủ đầu tư, nhà thầu.

Để đảm bảo an toàn cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quy định cơ chế đặc thù trong quản lý, thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII.
Công Thương Online