Sự kiện

EVNCPC: Điểm sáng miền Trung

Thứ năm, 4/10/2012 | 16:13 GMT+7
Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và các đơn vị thành viên đã đảm bảo cung cấp điện, an toàn, liên tục, không tiết giảm phụ tải cho các ngành kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn với mức tăng dần đều so với cùng kỳ năm ngoái.
 


Lưới điện tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum

Theo ông Trần Đình Thanh – Tổng giám đốc EVNCPC, năm nay toàn Tổng công ty cung ứng đủ cho nhu cầu của gần 3 triệu khách hàng 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên 10,218 tỷ kWh điện thương phẩm, tăng hơn mức đã thực hiện năm ngoái 1,156 tỷ kWh, cao nhất từ trước tới nay.

Thêm hàng vạn hộ dân vùng sâu, vùng xa có điện

Được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư và dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban giám đốc EVNCPC, các Công ty Điện lực Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông đã hoàn thành giai đoạn I dự án đầu tư cấp điện cho 825 thôn, buôn chưa có điện với tổng kinh phí 1.121 tỷ đồng. Trên 62.000 hộ đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa thuộc 4 tỉnh nói trên đã có điện lưới quốc gia. Tính chung cả khu vực Tây Nguyên đến thời điểm này, gần 96% tổng số hộ đồng bào các dân tộc đã sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, chế biến nông sản và sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đáng kể đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần. Đặc biệt, tại Đắk Lắk, điện đã đến với tất cả các xã vùng sâu, vùng xa thuộc 15 huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Đây là một trong những tỉnh có số đơn vị xã và thôn buôn có điện lưới quốc gia cao nhất cả nước.

Tuy vậy, khu vực Tây Nguyên hiện vẫn còn 3.998 thôn buôn chưa có điện và cần tới 6.163 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án cấp điện cho các thôn buôn này. Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN và EVNCPC phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện các dự án đầu tư cấp điện cho các thôn buôn hiện chưa có điện trong giai đoạn II (2011 – 2020). Theo đó, các thôn buôn vùng biên giới được đưa vào cấp điện theo chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015; tập trung sức dứt điểm giai đoạn 2015 - 2017 các thôn buôn có suất đầu tư trung bình; các thôn, buôn được đưa vào chương trình nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020. Giai đoạn III từ năm 2018 – 2020 tập trung đầu tư đưa điện về các thôn, buôn còn lại chưa có điện để đến năm 2020, tất cả các thôn, buôn ở Tây Nguyên đều có điện.

Cấp điện cho nhiều dự án kinh tế lớn

Thống nhất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, EVNCPC đã đầu tư xây dựng đường dây tải điện 22 kV và trạm biến áp 50 kVA-22/0,4 kV..., cấp điện cho dự án trọng điểm Laguna – Lăng Cô. Công ty TNHH Laguna Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán điện với công suất sử dụng lớn nhất đến tháng 9/2012 đạt 13,56 MW, sản lượng điện bình quân hàng tháng 1,2 triệu kWh. Laguna – Lăng Cô là dự án khu nghỉ dưỡng, sinh thái trên địa bàn thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư; tổng diện tích đất sử dụng 300 hecta.



TBA 110 kV Chân Mây
 
Tổng công ty cũng đã triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm biến áp 110 kV Chân Mây với tổng chi phí 58 tỷ đồng bằng nguồn vốn thuộc dự án thành phần lưới điện phân phối nông thôn (RD) vay vốn Ngân hàng Thế giới. Trạm có công suất 2 máy biến áp công suất 40 MVA, chiếm diện tích gần 8000 mét vuông, nằm trong đất quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhánh rẽ có chiều dài gần 1,5 km được đấu nối từ đường dây 110 kV Đà Nẵng – Huế. Khu kinh tế Chân Mây đã được quy hoạch để phát triển thành đô thị mới hiện đại với các cụm công nghiệp chủ đạo như công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phục vụ du lịch và dịch vụ. Các trung tâm thương mại – tài chính quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, hệ thống trung tâm mua sắm... Ngoài ra, còn có Cảng nước sâu Chân Mây với cầu cảng có chiều dài 130 mét, đón tàu có tải trọng đến 50.000 tấn. Hiện nay, khu kinh tế Chân Mây đã có 67 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến 2,3 tỷ USD, và nhiều nhà đầu tư đang triển khai thi công xây dựng.

Nâng cao chất lượng điện cấp cho Lào và Campuchia

EVNCPC hiện đang quản lý địa bàn cung ứng điện cho các địa phương giáp ranh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ông Lê Kim Hùng – Phó Tổng giám đốc EVNCPC cho biết: “Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cung ứng điện cho nước bạn Lào theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của EVN, EVNCPC đã đầu tư xây dựng nhiều công trình quan trọng, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nước bạn Lào qua 4 cửa khẩu ở Nam Lào với tổng công suất đạt 8 MW, sản lượng điện hằng năm đạt gần 25 triệu kWh. EVNCPC mong muốn góp phần tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền vững giữa hai nước Việt – Lào anh em. Hiện nay, EVNCPC đang triển khai đầu tư trạm, đường dây 110 kV ĐăkRông – Tà Rụt có quy mô dài trên 31 km với công suất 25 MVA, tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng nhằm nâng cao chất lượng điện năng cung cấp cho Lào, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện vào đầu năm 2013”.



Đường dây qua cửa khẩu Việt- Lào.
 
Ông Xu Ly, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Savannakhet (Lào) ghi nhận: “Những năm qua, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của EVNCPC trong công tác đầu tư cấp điện. Nhờ vậy, hoạt động cung ứng điện cho nhân dân các tại địa phương dọc biên giới đã có nhiều bước cải thiện, qua đó nhiệm vụ của chúng tôi cũng được hoàn thành tốt hơn nhiều so với trước đây”.

Ngoài ra, trong những năm qua, EVNCPC đã đầu tư cấp điện cho các cửa khẩu dọc biên giới, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và công tác của các cơ quan liên ngành của nước bạn Lào làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu và bộ đội biên phòng. Ông Si Thon, Bí thư Đảng ủy bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet cho biết: “Những năm qua, nhờ dòng điện từ Việt Nam cung cấp, nhân dân địa phương chúng tôi đã có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và đã thắt chặt mối quan hệ giữa địa phương 2 nước dọc biên giới; giao thương qua cửa khẩu tăng trưởng tốt; mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước láng giềng cũng được dựng xây ngày càng bền vững...”. Bà Sa Van Đi (Bản Huội, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) tâm sự: “Trước đây chưa có điện, cuộc sống gia đình tôi rất khổ, giờ có điện, có việc làm thêm về đêm, được biết thêm nhiều thông tin cho nên gia đình tôi bây giờ thay đổi rất nhiều. Không biết nói gì hơn, chỉ biết cám ơn các cấp đã quan tâm cho chúng tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay”.

Công ty Điện lực Đắk Nông đã hợp tác với Điện lực Mondulkiri vận hành đường dây 474E54 cấp điện cho tỉnh Mondulkiri. Việc cấp điện cho tỉnh bạn được thực hiện qua đường dây 60 km đi qua rừng núi có nhiều cây to rất dễ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão. Trong quá trình vận hành, kỹ sư và công nhân Công ty Điện lực Đắk Nông đã có nhiều giải pháp hữu hiệu về vận hành, quản lý lưới điện, chú trọng làm tốt công tác bảo dưỡng, phát quang hành lang tuyến, không để xảy ra sự cố. Hiện nay, trạm biến áp 110 kV Đăk Song do EVNCPC làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, hỗ trợ đảm bảo tốt hơn việc cấp điện cho tỉnh bạn. Trong 3 tháng vừa qua, Công ty Điện lực Đắk Nông đã cấp cho tỉnh Mondulkiri 387.390 kWh điện, với doanh thu gần 560 triệu đồng.

Tăng tốc sử dụng công tơ điện tử độ chính xác cao

Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung, thành viên của EVNCPC đã nghiên cứu sản xuất thành công công tơ điện tử chất lượng tốt với cấp chính xác cao. Đây là sản phẩm được sản xuất hoàn thiện trên dây chuyền công nghệ mới hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam với nhiều tính năng kỹ thuật ưu việt. Sản phẩm đã được Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận phê duyệt mẫu, được triển khai sản xuất đồng loạt và đưa vào sử dụng trên lưới điện, phát huy hiệu quả về nhiều mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng. Trong 2 năm 2010 – 2011, Công ty được giao sản xuất 70.000 công tơ điện tử DT01P-RF, đã hoàn thành 68.800 công tơ; đến nay hơn 60.000 công tơ đã được lắp đặt đưa vào sử dụng trên lưới điện các tỉnh miền Trung.



Sản xuất công tơ điện tử tại Xưởng sản xuất điện tử - Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung
 
Sau một thời gian theo dõi thử nghiệm 75 công tơ điện tử DT01P-RF cho khách hàng sử dụng điện đạt hiệu quả nhiều mặt, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã lắp đặt 11.000 công tơ điện tử DT01P-RF cho khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt 12.000 công tơ điện tử DT01P-RF cho khách hàng sử dụng điện. Công ty Điện lực Quảng Nam cũng đã lắp đặt đợt đầu 5.250 công tơ điện tử DT01P-RF cho các hộ sử dụng điện ở 2 thành phố Tam Kỳ, Hội An và đang khẩn trương tổ chức lắp đặt công tơ điện tử mới cho các hộ tiêu thụ điện trong toàn tỉnh.

Chủ trương hiện đại hóa công nghệ đo đếm điện, chuyển từ sử dụng công tơ cơ sang sử dụng công tơ điện tử vừa chính xác, lại tiện lợi, giảm nhân lực đã được xác định trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Nghị quyết số 27 khẳng định đến năm 2017, các công ty điện lực trong cả nước phải hoàn thành thay đổi toàn bộ hệ thống đo đếm điện tử công tơ cơ sang công tơ điện tử đối với 17 triệu khách hàng trong cả nước, tạo tiền đề để sớm vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Năm 2012, dự báo công suất phụ tải cực đại toàn EVNCPC là 1.785 MW, tăng 12,8% so với năm 2011, trong đó mùa khô (6 tháng đầu năm 2012) là 1.770 MW tăng 14,0%; công suất huy động tối đa từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong và ngoài ngành là 500 MW; công suất cực đại nhận từ hệ thống quốc gia là 1.335 MW. Các tổ máy phát diesel có công suất khả dụng là 21 MW sẽ huy động khi có yêu cầu.
Theo: Tổng Công ty Điện lực miền Trung