Hệ thống điện cả nước vẫn được vận hành an toàn, ổn định và liên tục, không để xảy ra sự cố lớn nào dù công suất và phụ tải gần như tăng cao trong cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ảnh: Ngọc Hà
Ba “Nhà” phối hợp
Cùng với việc nâng cao công suất khả dụng các nhà máy điện do EVN đầu tư, quản lý vận hành, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn này huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu, các nguồn điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện trong trường hợp cần thiết để đảm bảo cung ứng đủ điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2014.
Theo đó, EVN chỉ đạo các đơn vị phát điện phối hợp với các ban, ngành tại địa phương, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) lập kế hoạch và huy động các tổ máy để đáp ứng đủ yêu cầu cấp nước hạ du tại một số địa phương, đặc biệt là yêu cầu cấp nước khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, khu vực sông Bé, khu vực sông Là Ngà, khu vực sông Cái. Riêng A0 có trách nhiệm phối hợp với các nhà máy nhiệt điện để chuẩn bị các phương án cấp điện tự dùng, khôi phục nhanh các tổ máy phát điện khi xảy ra sự cố lưới điện hoặc sa thải các tổ máy phát điện. Đồng thời phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), các Tổng công ty Điện lực và các Tổng công ty phát điện chuẩn bị các phương án vận hành hệ thống điện nhằm ứng phó với tình trạng quá tải lưới điện; rà soát các hệ thống tự động phòng tránh nguy cơ xảy ra sự cố diện rộng, hệ thống rơle sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81), kiểm tra chỉnh định hệ thống rơle tự động sa thải tổ máy phát điện, các hệ thống sa thải đặc biệt trên toàn hệ thống điện.
Đối với EVNNPT và các Tổng công ty Điện lực, có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra tất cả các tuyến đường dây, những khu vực hành lang tuyến có nguy cơ cháy cao, lưu ý các khu vực đã xảy ra cháy rừng trước đây, các khu vực có nhiều cây, cỏ khô, thực bì dễ gây cháy rừng, khu vực mà người dân có tập quán đốt nương làm rẫy để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp với chủ mỏ Talisman và các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục sự cố giàn khai thác khí xảy ra ngày 17-4 vừa qua, đảm bảo vận hành ổn định, tin cậy hệ thống cung cấp khí Tây Nam Bộ (PM3-CAA) và rút ngắn thời gian ngừng cấp khí PM3 để bảo dưỡng sửa chữa hệ thống cung cấp khí trong tháng 7 tới. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chỉ đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) đảm bảo duy trì sản lượng khí Nam Côn Sơn, PM3-CAA ở mức cao để cung cấp cho các nhà máy điện tua bin khí vận hành trong 6 này. Mặt khác, PVN còn phối hợp với EVN sẵn sàng chuyển đổi các tổ máy tuabin khí sang chạy dầu trong trường hợp sự cố thiếu khí và trong thời gian ngừng cấp khí để bảo dưỡng hệ thống cung cấp khí trong tháng 7.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung ứng điện cho toàn hệ thống. Đồng thời, đảm bảo cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện than phát điện trong tháng 6, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc và các nhà máy mới đưa vào vận hành như Nghi Sơn, Vĩnh Tân 2.
Các Tổng công ty điện lực, Công ty điện lực có trách nhiệm rà soát, thay thế các thiết bị đóng cắt trung thế (cầu dao, áptômát) để chống quá tải cục bộ trong những thời điểm nhu cầu phụ tải tăng đột biến do nắng nóng. Ngoài ra, phối hợp với Sở Công Thương tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra hành lang lưới điện để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Luôn trong tình trạng sẵn sàng
Nhằm đảm bảo cung cấp điện cho hai tháng cao điểm mùa khô, EVN xác định thời điểm thích hợp huy động các nhà máy điện chạy dầu FO, DO để có dự phòng cần thiết cho vận hành hệ thống điện quốc gia đến cuối mùa khô. Trên cơ sở đó, EVN phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy nhiệt điện dầu FO để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện yêu cầu vận hành; phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, Cà Mau đảm bảo khả năng sẵn sàng chuyển đổi chạy dầu DO để đáp ứng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia khi thiếu khí cho phát điện.
Hệ thống điện cả nước đã ghi nhận chuỗi 1 số ngày gần đây công suất và phụ tải tăng cao. Trong tháng 5, công suất đỉnh đạt cao nhất là 22.142 MW; sản lượng cao nhất đạt 471,5 triệu kWh.
Điểm đặc biệt là công suất và phụ tải gần như tăng cao trong cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, hệ thống điện cả nước vẫn được vận hành an toàn, ổn định và liên tục, không để xảy ra sự cố lớn nào.
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, hiện lưới điện Hà Nội đang vận hành an toàn, ổn định do các đơn vị đã lường trước tình hình phụ tải trong mùa nắng nóng để chủ động xây dựng, nâng cấp, cải tạo. EVN HANOI sẽ không cắt điện sửa chữa nâng cấp lưới điện khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao trên 35 độ, đồng thời các công ty điện lực đã bố trí trực tăng cường nhân lực, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho khách hàng.
Tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong tháng 5, các đơn vị thuộc EVN CPC vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đây chưa phải là cao điểm mùa nắng nóng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bởi nhiệt độ có thể tăng cao hơn nữa vào khoảng tháng 6, tháng 7. Dù vậy, EVN CPC đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực và sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa nắng nóng năm nay.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiệt độ đã không ngừng tăng cao, duy trì ở mức 37– 40 độ. Thậm chí, nhiệt độ thực tế đo được ngoài trời vào buổi trưa và đầu giờ chiều thường xuyên trên 40 độ. Cùng với thời tiết nóng bức, nhu cầu sử dụng điện của người dân trong toàn thành phố cũng tăng cao. Có những thời điểm công suất cao nhất của toàn thành phố đã lên tới hơn 4.200 MW, phụ tải tăng trên 6%.
Tuy nhiên, EVN HCMC đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản tăng trưởng phụ tải cho mùa nắng nóng trong năm nay từ rất sớm. Theo đó, các phương án sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường dây, trạm phân phối… cũng đã được tăng cường, sẵn sàng trước tất cả những tình huống căng thẳng nhất có thể xảy ra. Đặc biệt, ngành Điện Thành phố chủ trương không tiết giảm điện, không cắt điện để thao tác trên lưới vào những thời điểm nắng nóng gia tăng, đảm bảo đủ điện, an toàn và liên tục cho mọi hoạt động sản xuất sinh hoạt của nhân dân.
EVN HCMC cho biết, mặc dù công suất và phụ tải tăng cao, nhưng những ngày vừa qua, hầu như thành phố Hồ Chí Minh không ghi nhận bất sự một sự cố nào làm gián đoạn cung cấp điện. Không chỉ cán bộ nhân viên mà lãnh đạo EVN HCMC và các đơn vị trực thuộc cũng đã bố trí trực 24/24h, sẵn sàng để sửa chữa, khắc phục kịp thời nếu có những sự cố bất thường; không tiết giảm điện hay cắt điện luân phiên bất kỳ khu vực nào trong trong Thành phố vào mùa nắng nóng năm 2014, kể cả tại những thời điểm có căng thẳng về nguồn điện do phụ tải tăng cao.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo công tác cung ứng điện như: Các Tổ điều hành cung cấp điện của các Công ty Điện lực tăng cường theo dõi sát tình hình cung cấp điện, ứng phó kịp thời; tổ chức kiểm tra, đo tải, Trước đó, EVN HCMC đã yêu cầu các Công ty Điện lực, Công ty Lưới điện cao thế, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện tăng cường kiểm tra lưới điện, khắc phục tình đo nhiệt độ thường xuyên và xử lý ngay đảm bảo lưới điện và máy biến áp vận hành an toàn theo đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm ngăn ngừa sự cố; chủ động thực hiện hoán chuyển, thay thế các máy biến thế non tải – quá tải, đầy tải và chia tải hoặc kéo các lộ ra hạ thế nhằm giải quyết các trường hợp quá tải cục bộ, không để xảy ra sự cố mất điện lặp lại.
Ngoài ra, EVN HCMC cũng tăng cường nhân lực ứng trực sửa chữa điện nhằm xử lý kịp thời các trường hợp sự cố, không để khách hàng mất điện kéo dài. Bố trí đầy đủ vật tư, máy phát dự phòng, phương tiện và lực lượng để đáp ứng xử lý nhanh khi có sự cố xảy ra và tái lập điện trong thời gian sớm nhất.
Sẵn sàng truyền tải cao
Trước dự báo truyền tải điện năm 2014 rất căng thẳng, nhất là trong những tháng cao điểm nắng nóng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) và các đơn vị trực thuộc đã sẵn sàng các phương án tối ưu nhất có thể để đảm bảo truyền tải điện thông suốt, an toàn.
Ngay đầu năm 2014, sau khi EVN lựa chọn chủ đề chính cho năm là "Tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam", EVNNPT đã nhanh chóng lên kế hoạch để cụ thể hóa chủ trương này. Trên nguyên tắc chung là “trong bất kỳ điều kiện nào cũng phải đảm bảo truyền tải thông suốt, nhất là trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam”.
Ngoài ra, để góp phần đảm bảo cấp điện cho miền Nam vào mùa khô và những tháng nắng nóng năm 2014, EVNNPT đã yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành phải tăng cường công tác kiểm tra lưới điện, đảm bảo vận hành liên tục trên tất cả các hệ thống truyền tải. Trong trường hợp yếu tố khách quan, bất khả kháng có thể tác động đến hệ thống truyền tải gây gián đoạn cấp điện cục bộ, EVN NPT cam kết sẽ cùng các đơn vị nhanh chóng khắc phục sự cố, đảm bảo vận hành hệ thống nhanh nhất có thể.
Đặc biệt, ngoài những nỗ lực của các đơn vị truyền tải, EVNNPT mong muốn chính quyền địa phương các tỉnh nơi có dự án truyền tải trọng điểm đi qua phối hợp tích cực, hiệu quả hơn nữa với ngành Điện để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cho dự án. Đồng thời, người dân cả nước cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc hỗ trợ EVNNPT trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, nhất là hệ thống lưới điện 500 kV.
Cụ thể, đối với dự án trọng điểm đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông - Dự án có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo truyền tải điện cho các tỉnh miền Nam, hiện EVNNPT đang chỉ đạo và bám sát các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ tên toàn tuyến. Một số vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng hiện cũng đang được chính quyền địa phương các tỉnh vào cuộc cùng chủ đầu tư để quyết liệt tháo gỡ và hoàn thiện trong tháng 3 và đã đóng điện đưa vào vận hành kịp thời truyền tải điện cho miền Nam trong các tháng nắng nóng cao điểm 5, 6, 7…
Bên cạnh đó, các công trình lưới điện đồng bộ quan trọng khác cũng đang được EVN NPT và các đơn vị gấp rút đẩy nhanh tiến độ, như: Đường dây 500kV từ Vĩnh Tân về Trạm biến áp 500kV Sông Mây; các dự án nhằm truyền tải điện từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhiệt điện Nghi Sơn 2…
Đối với dự án ĐD 500 kV Phú Lâm – Long An vẫn còn một số vướng mắc, EVN NTP đã tích cực làm việc với chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ kịp thời, quyết tâm đưa công trình vào vận hành trong quý 2-2014, góp phần nâng cao độ tin cậy và năng lực cung cấp điện cho thành phố Hồ Chí Minh./