Thực hành cứu nạn trên cao tại Truyền tải điện ĐăkLăk.
Đề tài do ông Đoàn Thế Thuận làm chủ nhiệm đề tài. Phó giám đốc PTC3 Nguyễn Văn Xuân - cố vấn khoa học - tư vấn chính.
Ông Xuân cho biết, trang bị bảo hộ hiện nay cho công nhân làm việc trên cao chủ yếu là để phòng tránh (ngã cao, điện giật), khi có bất trắc xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức cứu nạn chưa có phương án và quy trình hướng dẫn, vì vậy việc trang bị kiến thức, thiết bị, dụng cụ, phương án, đào tạo…cho công tác cứu nạn là rất cần thiết. Công tác trên lưới truyền tải gắn liền với dây an toàn, dây chống rơi, dây tiếp địa nhưng việc trang bị, sử dụng ở mỗi công ty có khác. Vì vậy, việc chuẩn hoá trong lĩnh vực truyền tải theo hướng “an toàn hơn” là vô cùng quan trọng.
Trong hai ngày 13 và 14/1/2015, tại Truyền tải điện ĐăkLăk, nhóm nghiên cứu đã tiến hành diễn tập cứu nạn trên cao, đây là một phần quan trọng của đề tài“Nghiên cứu các phương án phòng chống tai nạn và cứu nạn trên cao trong hệ thống điện”.
Dưới sự chủ trì và hướng dẫn của PGĐ Nguyễn Văn Xuân, nhóm thực hiện đã tiến hành lần lượt các phương án cứu nạn công nhân với nhiều tình huống giả định: bị nạn trong cột, ngoài sứ, ngoài dây dẫn... Với các nhóm công tác ít nhất 4 người hoặc 3 người, thậm chí nhóm chỉ 2 người cũng có phương án cứu nạn kịp thời. Đặc biệt, với nhóm công tác chỉ 2 người (như vệ sinh sứ, kiểm tra cột...) cũng có phương án cứu nạn 1 cứu 1 (với trang bị chuyên dụng gọn nhẹ), đây là tình huống gần như không thể nếu như chỉ có trang bị như hiện nay cho công nhân.
Nhóm cộng tác thực hành của Truyền tải điện Đắc Lắc đã diễn tập thuần thục, bảo đảm an toàn và thời gian cứu nạn cho phép. Đề tài đang giai đoạn hoàn thành để kịp báo cáo NPT trong quí I/2015.
Với kết quả nghiên cứu của đề tài, Công ty Truyền tải điện 3 sẽ tiếp tục bổ sung thêm kỹ năng phòng tránh tai nạn và cứu nạn trên cao cho công nhân, từng bước tăng cường biện pháp an toàn trong sản xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT). |
Ngọc Loan/Icon.com.vn