Sự kiện

Đa Nhim - Biểu tượng của ngành Điện Việt Nam

Thứ hai, 13/1/2014 | 09:13 GMT+7
Kể từ khi chính thức phát điện tổ máy số 1 vào ngày 15/01/1964 đến nay, Đa Nhim - Nhà máy thủy điện lớn đầu tiên của miền Nam đã trở thành biểu tượng của ngành điện Việt Nam với nửa thế kỷ vận hành.



Với 4 tổ máy, tổng công suất 160MW, sản lượng điện hàng năm theo thiết kế trên 1 tỷ kWh, Thủy điện Đa Nhim là thủy điện đầu tiên được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hà

Trong Thư chúc mừng gửi tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi nhân kỷ niệm 50 năm vận hành Thủy điện Đa Nhim và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: trải dài trên chặng đường phát triển đã qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động Nhà máy đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, vượt mọi khó khăn gian khổ và thiếu thốn, phấn đấu cung cấp điện an toàn, ổn định cho nền kinh tế, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đặc biệt trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đa Nhim đã là một điểm sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quả đúng như vậy, nhớ lại thời khắc ngày 01/04/1961, lễ khởi công xây dựng hệ thống phát điện Đa Nhim, công trình đã được xây dựng khẩn trương và hoàn thành sau 30 tháng. Nhà máy ra đời trong hoàn cảnh nước ta tạm thời chia làm 2 miền, nhân dân cả nước làm 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Ngược dòng lịch sử, sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, Nhà máy không thể vận hành do đường ống thủy áp số 2 bị hỏng, việc sửa chữa, khôi phục để đưa Nhà máy hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và nhân lực. Trước tình hình đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Điện và Than, trực tiếp là Công ty Điện lực 2 và  Nhà máy Đa Nhim phải nhanh chóng tìm giải pháp đưa các tổ máy vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Những người thợ Đa Nhim được giao nhiệm vụ mới mẻ nghiên cứu thay trục máy phát điện Đa Nhim, khôi phục đường ống thuỷ áp và đường dây tải điện 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn. Vào lúc 16h ngày 23/5/1976 đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng của Nhà máy khi công trình khôi phục đường ống thuỷ áp số 2 hoàn thành. Người Đa Nhim vô cùng tự hào vì bằng chính bàn tay và khối óc của mình đã sửa chữa khôi phục thành công Nhà máy Đa Nhim, đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển đất nước.

Thủy điện Đa Nhim được xây dựng ở vị trí gắn với các địa danh nổi tiếng - thành phố ngàn hoa Đà Lạt, đèo Ngoạn Mục và đường sắt răng cưa nối Tháp Chàm và Đà Lạt. Với 4 tổ máy, tổng công suất 160MW, sản lượng điện hàng năm theo thiết kế trên 1 tỷ kWh, đây là Nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở bậc thang trên cùng của hệ thống sông Đồng Nai, đóng vai trò cung cấp điện chủ yếu cho khu vực miền Nam trong những năm từ 1977 đến 1988, trước khi Nhà máy Thủy điện Trị An phát điện. Lúc đó, “người Đa Nhim đã vượt qua biết bao khó khăn của những năm đầu giải phóng, vừa sản xuất điện, vừa lao động trồng trọt, chăn nuôi để tự cải thiện cuộc sống”, Tổng Giám đốc Nguyễn Trọng Oánh chia sẻ.

Năm 2001, Đa Nhim sáp nhập thêm Nhà máy Hàm Thuận và Nhà máy Đa Mi để trở thành cụm Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Trong đó, Hàm Thuận và Đa Mi là hai nhà máy do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn thông qua Quỹ hợp tác kinh tế hải ngoại.

Theo sự phát triển của ngành điện, thế hệ Đa Nhim hiện nay đang triển khai, đầu tư xây dựng các dự án để tận dụng tối đa nguồn thủy năng vốn có của dòng sông Đa Nhim như Đa Nhim mở rộng, Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2 để cấp thêm nhiều điện cho Tổ quốc.

Mỗi lần đứng dưới chân đèo Ngoạn Mục, nhìn hai đường ống thuỷ áp như đôi trăn khổng lồ bằng thép sáng chói vắt từ đỉnh xuống đến chân núi mới thấy rõ lợi thế hiếm có của Nhà máy thủy điện sử dụng nguồn thủy năng đổ xuống các tổ máy phát điện từ độ cao 800m. Chính vì vậy mà cũng có thể khẳng định đây là nhà máy đạt hiệu quả cao nhất trong các nhà máy thuỷ điện ở Việt Nam. Nhà máy tuy thiết kế 6.400 giờ/năm nhưng hiện nay thường xuyên chạy đến 7.000-8.000 giờ/năm, thiết bị vận hành ổn định, ít bị sự cố, nhất là từ khi Nhà máy hoàn tất công tác phục hồi vào năm 2006. Năm 2005 là năm ghi dấu ấn của Nhà máy Đa Nhim khi được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động sau hơn 40 năm vận hành.
 


Trạm quan trắc trên đập Đơn Dương. Ảnh: Ngọc Loan

Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) từ năm 2011. Khó khăn lớn nhất vào thời gian đó là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá từ nguồn vốn vay lên đến 62,5% vốn điều lệ của Công ty. Ông Oánh nhớ lại, với sự chuẩn bị chu đáo về nguồn nhân lực để đón đầu thị trường phát điện cạnh tranh, sau gần 2 năm tham gia thị trường, Công ty đã đạt được những thành công bước đầu trong việc chào giá, vừa đảm bảo phát điện ổn định, vừa đảm bảo điều tiết nước cho hạ du. Nhờ đó, từ số lỗ hơn 2.700 tỷ đồng, đến cuối năm 2013, Công ty đã giảm lỗ còn khoảng 600 tỷ đồng.

Đến nay, DHD đang quản lý, vận hành 13 tổ máy với tổng công suất 642,5 MW, điện lượng bình quân hàng năm 2,6 tỷ kWh. Trong tương lai, Công ty sẽ tiến hành mở rộng nhà máy Đa Nhim với công suất phần mở rộng là 80 MW, góp thêm sản lượng điện cho sự phát triển của đất nước.

Đánh giá về tính hiệu quả của Nhà máy Đa Nhim, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận xét, tính đến hết năm 2013, cả hệ thống thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi đã cung cấp cho đất nước 59 tỷ kWh, riêng Nhà máy Đa Nhim đạt 38 tỷ kWh điện. Ngoài nguồn điện năng hoà vào hệ thống điện Quốc gia, nguồn nước từ Thủy điện Đa Nhim sau khi chạy máy còn cung cấp hơn 550 triệu mét khối nước mỗi năm phục vụ tưới cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận, là địa phương có lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất Việt Nam. Không những thế, nguồn nhân lực của Đa Nhim còn được bổ sung cho nhiều công trình thủy điện trên cả nước như Trị An, Thác Mơ, Đại Ninh, Đồng Nai, Buôn Kuốp… Đặc biệt, với nguồn lực hiện tại ngày càng được trau dồi về kinh nghiệm, Công ty đang mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ kỹ thuật trọn gói cho các nhà máy thuỷ điện nhỏ và vừa trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.

Nói về sự đóng góp cho địa phương nơi có các nhà máy, Tổng Giám đốc Nguyễn Trọng Oánh cho biết từ năm 2005 đến nay, Công ty đã đóng góp cho ngân sách nhà nước của 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận hơn 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã tài trợ cho giáo dục của địa phương thông qua việc cấp sữa tươi cho học sinh các trường tiểu học, xây nhà tình thương cho các đối tượng nghèo, trợ cấp suốt đời 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn xã nghèo…

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Với vai trò là một trong công trình nguồn điện quan trọng, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nói riêng và Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi nói chung sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia thị trường điện theo các cấp độ đã được phê duyệt. “Do vậy, lãnh đạo và CBCNV Nhà máy, Công ty cần có các biện pháp để thực hiện tốt công tác vận hành, chào giá, đặc biệt là các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh khi tham gia thị trường điện”, Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng yêu cầu.

Nhìn lại chặng đường đã qua, đất nước đã có thêm nhiều công trình thuỷ điện lớn nhưng Đa Nhim nói riêng và DHD nói chung mãi mãi vẫn được các chuyên gia trong ngành ghi nhớ là dấu ấn lịch sử của ngành thuỷ điện Việt Nam./.

 
Mai Phương