Sự kiện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Ưu tiên tối đa cho điện

Thứ sáu, 9/12/2011 | 09:29 GMT+7

Cân bằng năng lượng là thách thức luôn song hành với sự phát triển của dất nước, đây cũng là thách thức lớn nhất trong vòng 5 năm tới.

Điện lực Kon Tum lắp công tơ cho thôn buôn. Ảnh: Ngọc Hà

Đó là khẳng định của của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về thực hiện nhiệm vụ 2011, kế hoạch 2012 và giai đoạn 2011-2015 ngày 7/12 tại Hà Nội vừa qua. Giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho việc cung ứng điện thời gian tới là vấn đề nóng nhất trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng.

Cung ứng điện còn rất nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2010, tổng công suất điện cả nước đã đạt 10.400 MW, tăng 1,98 lần so với năm 2005. Cung ứng điện giai đoạn 2005-2010 đã cơ bản đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, năm 2012 và những năm sau đã lộ diện khó khăn rất lớn khi TGĐ EVN Phạm Lê Thanh giãi bày những bất cập trong nhiệm vụ cân đối điện cho sản xuất và tiêu dùng trong điều kiện khí, than cho điện không đảm bảo. Ông Thanh cũng đưa ra hai kịch bản: Nếu 5 năm tới điện tăng trưởng 13% thì đến năm 2015 sản lượng điện toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh, EVN có thể cân đối được về điện, tuy nhiên hệ thống điện chỉ đảm bảo dự phòng ở miền Bắc và miền Trung, nhưng miền Nam thì thiếu do lưới truyền tải đang khó khăn. Hiện EVN đang nỗ lực triển khai thực hiện 9 dự án, gồm 3 dự án nguồn và 6 dự án lưới điện để truyền tải điện miền Bắc, miền Trung vào miền Nam - ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, nếu điện tăng trưởng theo phương án 15% thì tình hình cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều. Cụ thể là EVN sẽ phải phát dầu và hệ thống điện dự phòng hoàn toàn thiếu ở phía Nam. Trước mắt, năm 2012 EVN tính toán nhu cầu cấp khí cho điện lên tới 6,6 tỷ m3. Tuy nhiên, PVN thông báo kế hoạch chỉ cấp được mức 5,7 tỷ m3. Như vậy, ngành điện sẽ thiếu đến 800 triệu m3 khí, tương đương phải phát bù dầu 4,2 tỷ kWh điện. Điều đó có nghĩa là EVN sẽ tăng thêm chi phí khoảng 18.000 tỷ đồng. Bức tranh tài chính của EVN sẽ càng ảm đạm. 

Giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, nhất là dự án lưới điện ở Hà Nội và TP HCM cũng là vấn đề rất nan giải. Đặc biệt, sự đình trệ của các dự án lưới điện 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn, Hà Đông – Định Công đang đe dọa đến khả năng đảm bảo cung ứng điện cho Hà Nội trong mùa khô tới. Nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, chính quyền địa phương thì rất khó tránh khỏi tình trạng cả nước đủ điện nhưng riêng Thủ đô Hà Nội sẽ thiếu điện.

Để đảm bảo đủ điện cho đất nước, ông Thanh đưa ra 4 kiến nghị: phải đảm bảo cung ứng đủ khí cho điện; giá điện phải đảm bảo lành mạnh tài chính cho EVN tiếp tục phát triển; đảm bảo cân đối vốn cho các dự án điện; đảm bảo giải phóng mặt bằng cho các dự án lưới điện

Than, khí phải ưu tiên tối đa cho điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, công nghiệp năng lượng mấy năm qua đã tăng trưởng rất mạnh nhưng vẫn chưa bắt kịp nhu cầu. Tình trạng thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh mà còn ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng phân tích: chúng ta có cả một vùng đất mỏ nhưng lại đối mặt với nguy cơ nhập khẩu than cho điện. Khí cho điện cũng có nguy cơ thiếu trầm trọng. Với việc vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu như vậy, không những bài toán về cân đối năng lượng chưa được giải, mà cả vấn đề nhập siêu sẽ vẫn đè nặng trên vai nền kinh tế đất nước. Thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh mà còn là câu hỏi lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đến Việt Nam.

Để giải bài toán này, Phó Thủ tướng yêu cầu 3 tập đoàn năng lượng là PVN, EVN, Vinacomin phải thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ và các giải pháp thu hút vốn đầu tư... Đồng thời, phối hợp nhịp nhàng trong việc đảm phán cung ứng nhiên liệu và giá cả thì mới có thể làm tốt được nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Tất nhiên, để có sự phối hợp tốt thì các bên phải thống nhất với nhau trên cơ sở tôn trọng cam kết. Thách thức về năng lượng sẽ còn kéo dài, chúng ta cần phải có sự thay đổi trong tư duy về giá điện, thị trường, thu hút đầu tư. Dù thế nào cũng không thể để thiếu năng lượng. Tất cả các nguồn nhiên liệu như than, khí phải ưu tiên tối đa cho điện. Bên cạnh đó, cần có tín hiệu giá điện chuẩn hơn để tạo sức ép thay đổi công nghệ trong các ngành sản xuất để tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng. Hiện nay, nhìn vào tốc độ đổi mới công nghệ, vào suất tiêu thụ năng lượng vẫn còn quá cao, cho thấy tiêu thụ điện hiện còn rất phí phạm -  Phó Thủ tướng nói. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sắp tới có thể thành lập ban chỉ đạo về điều hòa khí và trong bất kỳ tình huống nào cũng luôn đảm bảo ưu tiên khí cho điện. Về vấn đề giải phóng mặt bằng, Bộ đã giao cho Sở Công Thương làm việc với UBND TP Hà Nội và dã có những tín hiệu lạc quan. Với mục tiêu giảm hệ số đàn hồi từ 2,0 hiện nay xuống 1,5 vào năm 2015và 1,0 vào năm 2020 chính là giải pháp căn bản góp phần ổn định cung ứng điện cho đất nước.
 

Ngọc Loan