Chuyển đổi số trong EVN

Đẩy mạnh các ứng dụng số tại Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn

Thứ hai, 12/9/2022 | 10:46 GMT+7
Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đã và đang thực hiện lộ trình chuyển đổi số một cách toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như từ hoạt động đầu tư xây dựng tới công tác vận hành.
 
Nhà máy Thủy điện Trung Sơn vận hành điều tiết hồ chứa.
 
Ngay từ khi mới đi vào vận hành, công trình Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã được trang bị, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đo lưu lượng nước đến hồ. Hệ thống này sẽ nắm bắt, tính toán lưu lượng nước về hồ, kết hợp cùng dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ làm cơ sở ban hành lệnh vận hành điều tiết hồ chứa kịp thời, góp phần cắt, giảm và làm chậm lũ cho hạ du và bảo đảm vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả. Hệ thống giám sát quá trình tính toán, điều tiết hồ chứa này cũng được truyền dữ liệu trực tiếp qua camera tới tài khoản của các cơ quan có liên quan để thực hiện giám sát trong quá trình vận hành.
 
Một trong những thành công lớn của công tác chuyển đổi số tại TSHPCo thời gian gần đây là việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác sửa chữa lớn. Từ đầu năm 2022, sau 5 năm vận hành, theo phê duyệt của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã tiến hành sửa chữa lớn cả 2 tổ máy H1, H2. Với quan điểm thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của đơn vị theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TSHPCo đã triển khai và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác vận hành, bảo trì bằng phương án sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu tổ máy theo phương pháp RCM (Reliability Centered Maintenace). Việc áp dụng phương pháp RCM đã giúp TSHPCo hoàn thành sửa chữa lớn 2 tổ máy H1, H2 vượt tiến độ, bảo đảm độ tin cậy và vận hành an toàn. Cùng với tiến hành đại tu bằng phương pháp RCM, công ty cũng đã đồng bộ tất cả các dữ liệu và các hệ thống thiết bị phụ trợ lên phân hệ RCM của phần mềm PMIS. Việc phân tích, đánh giá RCM dựa trên các phân tích chế độ sự cố và hiệu quả kinh tế bao gồm xác suất sự cố và tính toán độ tin cậy của hệ thống, xác định các nhiệm vụ bảo trì thích hợp để giải quyết từng chế độ hư hỏng và hậu quả, đã nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành 2 tổ máy, giúp công ty rút ngắn thời gian tiến hành đại tu và nâng cao hiệu quả công tác sửa chữa lớn.
TSHPCo tổ chức hội thảo chuyển đổi số trực tuyến.
 
Đầu tháng 8 vừa qua, bộ ổn định hệ thống điện PSS và chức năng điều tần sơ cấp tổ máy H1, H2 của công ty cũng đã được thử nghiệm thành công, được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia công nhận kết quả thử nghiệm và chính thức được kích hoạt đưa vào vận hành, giúp tăng cường độ vận hành liên tục, tin cậy ổn định hệ thống điện quốc gia. Đại diện TSHPCo cho biết, đầu năm 2022 dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyên gia của hãng sản xuất hệ thống điều tốc, kích từ đã rất khó khăn khi bay sang Việt Nam để thực hiện việc thử nghiệm và điều chỉnh các bộ PSS và điều tần sơ cấp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phối hợp, liên hệ chặt chẽ giữa TSHPCo và các hãng sản xuất, từ tháng 4-2022, TSHPCo và các chuyên gia của hãng đã phối hợp cùng với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tiến hành thử nghiệm các hệ thống điều tốc, kích từ tổ máy H1, H2 của Nhà máy thủy điện Trung Sơn. Việc TSHPCo đưa vào vận hành thành công ứng dụng này sẽ góp phần để TSHPCo nâng cao độ ổn định và vận hành tin cậy hệ thống điện trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.
 
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như của ngành điện, từ năm 2021 đến nay, TSHPCo đã tích cực tổ chức các chương trình đào tạo chuyên đề “Chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0”; cử cán bộ, công nhân viên tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số do EVN và EVNGENCO2 tổ chức; triển khai cho tất cả cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa học về chuyển đổi số trên phần mềm E-learning; tổ chức các buổi đào tạo, hướng dẫn sử dụng các phần mềm công nghệ số bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
 
Mặc dù vẫn còn gặp khó khăn như thời gian tiếp cận, năng lực người lao động, kinh phí, thiết bị để theo kịp sự thay đổi công nghệ... Tuy nhiên, với những hiệu quả tích cực mà chuyển đổi số mang lại, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng dụng mô hình chuyển đổi số vào sản xuất tại đơn vị - đại diện TSHPCo, khẳng định.
 
Theo: Báo Thanh Hóa