Chuyển đổi số trong EVN

Đẩy nhanh chuyển đổi số, PC Đà Nẵng hướng đến mục tiêu tự động hóa lưới điện toàn thành phố

Thứ bảy, 6/2/2021 | 20:43 GMT+7
“Năm 2021, chương trình hành động của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC) Đà Nẵng chúng tôi bám sát chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn quốc gia Điện lực Việt Nam”; cùng chủ đề Năm “EVNCPC – Hồi phục và phát triển” của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Trung tâm quản lý vận hành lưới điện thông minh của PC Đà Nẵng. – Ảnh: T.N.
 
Và PC Đà Nẵng cũng chọn chủ đề hành động riêng cho mình là “Đẩy nhanh chuyển đổi số – Nâng cao hiệu quả đầu tư”. Trước tiên, chúng tôi sẽ hoàn thành thí điểm Điện lực số tại Điện lực Hải Châu và triển khai dự án GIS giai đoạn 1.
 
Chúng tôi xác định vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh chuyển đổi số, cũng như trong tầm nhìn xa hơn là sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu” – ông Lê Hồng Cương, Chủ tịch kiêm Giám đốc và là Bí thư Đảng ủy PC Đà Nẵng cho biết.
 
Giữ vững mục tiêu bao trùm: Chất lượng điện và dịch vụ khách hàng phải ngày càng được nâng cao
 
Lãnh đạo PC Đà Nẵng cũng xác định, năm 2021, phải đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và đời sống nhân dân với “chất lượng điện và dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao”.
 
Các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch năm 2021 được xác định rõ: Điện thương phẩm đạt 2.820 triệu kWh (năm 2020 chỉ đạt 2.696,5 triệu kWh, giảm 10,81% so với cùng kỳ; số liệu ghi nhận cùng kỳ của 2019 là 3.022,9 triệu kWh); tỷ lệ tổn thất điện năng: ≤ 2,6 % ; độ tin cậy trong cung cấp điện: MAIFI: 0,25 lần; SAIDI: ≤ 200 phút; SAIFI: 1,82 lần. Và tiết kiệm trong lĩnh vực sử dụng điện ít nhất 1,5% điện thương phẩm.
 
Trở lại với câu chuyện “Đẩy nhanh chuyển đổi số“ tại PC Đà Nẵng, theo ông Lê Hồng Cương, PC Đà Nẵng sẽ tập trung vào các nhóm công việc ưu tiên. Đối với lĩnh vực kính doanh và dịch vụ khách hàng, “chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp, bổ sung các tính năng ứng dụng tra cứu chỉ số hiện có, làm sao Công ty tương tác gần hơn, thân thiện hơn, mang đến những trải nghiệm mới và hiệu quả hơn cho khách hàng.
 
Điều này rất có ý nghĩa trong nỗ lực quảng bá hình ảnh ngành điện với quyết tâm đổi mới từng ngày trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, hết lòng chăm sóc từng khách hàng của mình”.
 
PC Đà Nẵng cũng tiếp tục rà soát chuỗi thủ tục, quy trình nghiệp vụ toàn công ty theo hướng đơn giản hoá hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Từ đó tập trung số hóa, tự động hóa quy trình liên quan đến công tác quản lý vận hành và quản lý kỹ thuật tại Điện lực Hải Châu (phục vụ đề án Điện lực số) và công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu.
 
“Chúng tôi cũng thẳng thắn nói rằng đây là những công tác hiện tại vẫn còn hồ sơ giấy, nhiều nghiệp vụ thực hiện thủ công, chưa được liên kết, tự động hóa quy trình” – ông Lê Hồng Cương nhìn nhận.
 
Còn theo ông Phạm Ngọc Quang, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số đồng nghĩa với việc mọi hoạt động đều dựa trên môi trường số, kết nối Internet, mạng toàn cầu. Do đó công tác an toàn thông tin có ý nghĩa cực kì quan trọng.
 
Trong thời gian đến, công ty sẽ tập trung nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cho toàn thể CBCNV, ý thức bảo vệ dữ liệu khi tham gia vào không gian mạng, từ đó tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng vệ với những mối nguy về việc rò rỉ, đánh cắp dữ liệu, lừa đảo trên môi trường mạng.
 
Ngoài ra, công tác an toàn thông tin cũng sẽ chú trọng đảm bảo yếu tố nghiêm ngặt này cho các phần mềm tự phát triển.
 
Đột phá từ hiện đại hóa hệ thống đo đếm
 
Khởi động cho mục tiêu chuyển đổi số, PC Đà Nẵng là đơn vị đi tiên phong trong. Từ tháng 8/2019, PC Đà Nẵng đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử thu thập dữ liệu từ xa, đến năm 2020, tỷ lệ online trong đo đếm đạt trên 99%.
 
Đặc biệt, với 100% công tơ đo xa, PC Đà Nẵng đã cung cấp tiện ích theo dõi thông tin tự động tình hình tiêu dùng điện theo ngày. Khách hàng chỉ bỏ vài phút truy cập website (//pcdn.cpc.vn/tracuu) là có thể theo dõi, nắm bắt kiểm tra sản lượng điện mà mình đã tiêu thụ, kể cả tiền điện tạm tính trong kỳ.
 
Một tiện ích hữu dụng nữa là cảnh báo, khi có đột biến (sản lượng điện tiêu thụ) cho khách hàng biết (trên cơ sở so sánh tháng hiện tại với tháng trước), nhất là khi khách hàng sử dụng lượng điện năng tăng cao so với nhu cầu bình thường.
 
Điều này đã góp phần giảm đáng kể thắc mắc, khiếu nại từ khách hàng khi phải trả tiền điện “tháng này cao hơn hơn tháng trước”.
 
Năm 2019, năm đầu tiên của giải thưởng “Năng lượng bền vững” (do Vụ Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương tổ chức), PC Đà Nẵng đã vinh dự có tên trong số 61 doanh nghiệp tiêu biểu được trao giải. Đây là những tập thể, tổ chức điển hình tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp năng lượng, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Làm chủ công nghệ tạo nền tảng chuyển đổi số
Thực hiện bảo mật và nâng cao độ tin cậy hệ thống thông tin tại các TBA 110kV trên địa bàn thành phố.
 
“Năm 2020 đã ghi đậm thêm dấu ấn của phong trào sáng kiến, nghiên cứu khoa học của PC Đà Nẵng. Lần đầu tiên PC Đà Nẵng chúng tôi giành được các giải thưởng mang tầm quốc gia. Đặc biệt, năm 2020, PC Đà Nẵng cũng chính thức đón nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.” – ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng nhấn mạnh.
 
Ngày 10/12/2020, Ban tổ chức cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III năm 2020 (gồm Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN) đã quyết định công nhận và tặng thưởng giải Nhất cho sáng kiến “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng” của Nhóm tác giả ; và 1 giải Ba cho sáng kiến “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành lưới điện trên nền bản đồ địa lý” cho nhóm tác giả của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng.
 
Được biết, năm 2020, có 4 đề tài nghiên cứu khoa học và 50 sáng kiến được công nhận ở cấp Công ty; 2 công trình đạt giải thưởng Vifotec; 1 công trình đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 15. Tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo EVNCPC năm 2020, PC Đà Nẵng giành 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ý tưởng. Ngoài ra, có 2 công trình nghiên cứu của các kỹ sư PC Đà Nẵng đã được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2020.
 
Những giải thưởng mà PC Đà Nẵng liên tiếp giành được trong năm 2020 đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực trong sản xuất kinh doanh, nâng cao rõ rệt năng suất lao động, góp phần bảo đảm an toàn lao động.
 
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, PC Đà Nẵng đã góp phần xứng đáng, nâng cao hiệu quả và uy tín, thương hiệu, hình ảnh của EVN, EVNCPC nói chung. Quan trọng hơn đây là bước đệm quan trọng để PC Đà Nẵng bước vào giai đoạn chuyển đổi số ở mức cao hơn.
 
Về tiến độ cụ thể liên qua đến chương trình công tác hoàn thành thí điểm Điện lực số tại Điện lực Hải Châu, ông Nguyễn Đình Tuân – Phó Giám đốc Công ty ông cho biết:
 
“Tiến độ cụ thể của chúng tôi là đến hết quý I/2021, hoàn thành số hóa, tự động hóa qui trình phân công công việc quản lý vận hành lưới điện và đưa vào chạy thử nghiệm tại Điện lực Hải Châu. Tiếp đến là thực hiện số hóa, tự động hóa quy trình sửa chữa thường xuyên và xử lý sự cố lưới điện. Như vậy không bao lâu nữa, chúng tôi sẽ hoàn thành số hóa, tự động hóa quy trình liên quan đến công tác quản lý vận hành và quản lý kỹ thuật tại Điện lực Hải Châu”.
 
Trong khi đó với công tác triển khai dự án GIS giai đoạn 1, theo ông Phạm Ngọc Quang, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công nghệ thông tin, thì năm nay (2021) sẽ bắt tay xây dựng hạ tầng, hạ tầng GIS cần được thiết kế, trang bị phần cứng (máy chủ, lưu trữ, hệ thống bảo mật) và các bản quyền phần mềm đáp cho việc triển khai. Song song, PC Đà Nẵng sẽ thu thập và biên tập dữ liệu lưới cao/trung thế, triển khai bài toán quản lý sơ đồ mặt bằng lưới điện cao/trung thế theo thời gian và bài toán quản trị hệ thống GIS.
 
“Để xây dựng hệ thống dữ liệu lưới điện GIS, cần phối hợp triển khai đồng bộ và nhịp nhàng 5 thành phần, cụ thể là: phần cứng, phần mềm, dữ liệu, quy trình và nhân lực, trong đó nhân lực đóng vai trò quyết định, đặc biệt là cán bộ nghiệp vụ tại các Điện lực, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế (QLVH LĐCT).
 
Công ty sẽ thành lập Tổ triển khai GIS lưới cao/trung thế gồm các thành viên của phòng Kỹ thuật, CNTT, Điều độ, Đội QLVH LĐCT và các Điện lực, thực hiện đào tạo từ cơ bản đến nâng cao để đáp ứng yêu cầu đào tạo chuyển giao công nghệ để phục vụ việc triển khai”.
 
Trong quá trình triển khai, Công ty cũng sẽ xây dựng và áp dụng các quy trình về hướng dẫn thu thập và biên tập dữ liệu GIS, quy định cập nhật dữ liệu, quy chế thi đua, chấm điểm và đánh giá chất lượng thu thập và biên tập dữ liệu GIS” – Phó Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Đình Tuân phân tích.
 
Tầm nhìn trong tương lai rất gần của PC Đà Nẵng là tiếp tục mở rộng tự động hóa lưới điện phân phối DAS trong năm 2021, tiến đến hoàn thành tự động hóa cho toàn thành phố trong năm 2022. PC Đà Nẵng sẽ xây dựng mới một Trung tâm điều khiển dự phòng, thực hiện bảo mật và nâng cao độ tin cậy hệ thống thông tin tại các TBA 110kV.
 

Theo: DAS