Chuyển đổi số trong EVN

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong EVN - Bài 2: Tận dụng sức mạnh của công nghệ số

Thứ sáu, 2/4/2021 | 08:11 GMT+7
Hiện tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang vận hành và khai thác 9 trung tâm dữ liệu (DC - Data Center) và trung tâm dự phòng (DR - Disaster Recovery).

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ nhiều năm nay, EVN đã dịch chuyển sang sử dụng công nghệ máy chủ phiến, ảo hóa, nền tảng xử lý 64 bit, cũng như hàng chục máy chủ lớn sử dụng công nghệ xử lý trên nền tảng chip RICS. Toàn bộ các DC, DR được kết nối với nhau thông qua hệ thống mạng WAN với năng lực lưu trữ lên đến hàng trăm TB.
 
Hệ thống mạng WAN được phân chia thành hai mạng lớn gồm WAN IT và WAN OT (phục vụ vận hành hệ thống điện). Hệ thống mạng WAN được thiết kế theo mô hình 3 lớp Core - Distribute - Access theo đúng mô hình mạng WAN hiện đại có dự phòng cao và kết nối đến tất cả các đơn vị thành viên. 
 
Từ những năm 2010, hệ thống hội nghị truyền hình đã được thiết lập phục vụ các cuộc họp và giao ban trực tuyến hàng tuần, tháng, quý, năm của EVN, các đơn vị thành viên, các hội thảo, đào tạo, kiểm tra trực tuyến… Bên cạnh đó, hệ thống an ninh mạng có khả năng quản lý các thiết bị trên mạng máy tính, giám sát kiểm tra người dùng, khoanh vùng bị tấn công, bảo vệ mạng, bảo vệ dữ liệu; phòng chống các lỗ hổng, các truy cập bất hợp pháp; cung cấp chứng cứ vi phạm an toàn bảo mật.
 
Hầu hết các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện đã được trang bị, lắp đặt hệ thống điều khiển DCS (Distribution Control System), SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition).
 
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các Trung tâm Điều độ miền được trang bị hệ thống SCADA/EMS hiện đại, đảm bảo quản lý vận hành các nhà máy điện, trạm biến áp (TBA) theo phân cấp quyền điều khiển. Các Trung tâm Điều độ miền thực hiện điều khiển xa cho 88 TBA 220kV đạt 68,7% số TBA 220 KV hiện hữu. Có 63 Trung tâm điều khiển của các Tổng công ty Điện lực để điều khiển 619 TBA 110kV, đạt 85% số TBA 110kV hiện hữu. Gần 100% máy biến áp và kháng điện 500kV đã trang bị một số thiết bị giám sát dầu online. Các tổ máy của nhà máy thủy điện trực thuộc như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Ialy đã được trang bị hệ thống giám sát trực tuyến. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Qua quá trình triển khai, hệ thống SCADA/EMS đã khai thác có hiệu quả phân hệ EMS, các ứng dụng tính toán lưới điện hiện đã được xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu liên tục cho lưới điện. Các ứng dụng EMS khác như dự báo phụ tải, mô phỏng đào tạo điều độ viên cũng đã được đưa vào vận hành chính thức. 
 
Cùng với đó, EVN đã chỉ đạo các đơn vị sửa chữa dựa trên trạng thái/điều kiện vận hành của thiết bị RCM/CBM (Reliability Centered Maintenance/Condition Based Maintenance) trên cơ sở các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ phân tích, đánh giá, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phầm mềm tích hợp trên phầm mềm quản lý kỹ thuật (PMIS) để khai thác modul thiết bị.
 
Toàn bộ công tác quản lý kỹ thuật, vận hành khai thác hệ thống điện đều được quản lý trên hệ thống PMIS. Hiện nay các Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã khai báo được trên 263.000 hồ sơ máy biến áp từ trung thế đến 500kV được cập nhật vào hệ thống; 2.237.827 vị trí khoảng cột được quản lý; khối nhà máy điện có xấp xỉ 850.000 thiết bị được đưa vào quản lý; trong đó có 630.000 thiết bị có cập nhật thông số kỹ thuật. Toàn bộ quá trình vận hành, trực ca, quản lý các phần tử trên lưới điện từ 110kV đến 500kV đã được đưa vào chương trình quản lý. 
 
EVN cũng chủ động tìm tòi, nghiên cứu và đã làm chủ công nghệ của các hệ thống phần mềm SCADA nền tảng của nước ngoài như: Wonderware, Survalent, Siemens-Spectrum. Các giải pháp này có thể áp dụng cho việc thu thập, giám sát, điều khiển tại các Trung tâm điều khiển và Trạm biến áp; thu thập, giám sát thông số vận hành các Nhà máy điện, hoặc nhóm các Nhà máy điện. Đồng thời, tự nghiên cứu xây dựng và phát triển các hệ thống điều khiển tự động các TBA và Trung tâm điều khiển xa (OCC). 
 
Đối với lĩnh vực quản trị, EVN đã tập trung xây dựng và triển khai các tiện ích, như: Nhóm hệ thống phục vụ văn phòng điện tử, bao gồm: Hệ thống Quản lý văn bản và ký số (Digital - Office); Hệ thống Hội nghị truyền hình; Cổng thông tin tổng hợp nội bộ - EVNPortal; Các ứng dụng tiện ích văn phòng; Hệ thống báo cáo điện tử thay thế báo cáo giấy đã được triển khai, áp dụng toàn Tập đoàn, góp phần rút ngắn về thời gian và tiết kiệm chi phí của Tập đoàn.
 
Bên cạnh đó, EVN đã triển khai hệ thống quản lý ERP với đầy đủ 16 phân hệ trong lĩnh vực tài chính và được áp dụng thống nhất trong toàn EVN. Tất cả các dự án đầu tư của EVN đều được quản lý trực tiếp trên hệ thống Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS. Hệ thống này hỗ trợ đắc lực cho EVN quản lý dự án trực tuyến tại công trường thông qua hình ảnh, số liệu và được điện tử hóa hầu hết các tài liệu, hồ sơ dự án. Đồng thời, trên 98.000 CBCNV của EVN được quản lý tập trung trên hệ thống Quản lý nguồn nhân lực (HRMS). Mỗi CBCNV đều tự quản lý, cập nhật thông tin cá nhân của mình lên hệ thống. 
 
Đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã triển khai các hệ thống như: Quản lý khách hàng và kinh doanh điện năng; Hệ thống báo cáo quản trị BI; Ứng dụng mobile tại hiện trường; Giải pháp quản lý đo đếm từ xa cho công tơ điện tử EVNHES; Quản lý đo đếm và kho dữ liệu công tơ dùng chung (MDMS); Hóa đơn điện tử và thanh toán; Các phần mềm cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 (Hợp đồng điện tử); 12/12 dịch vụ điện được cung cấp qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. 
 
Cùng với triển khai các phần mềm phục vụ công tác chăm sóc khách hàng, EVN còn ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, điều hành và kinh doanh để nâng cao năng suất, hỗ trợ ra quyết định và trải nghiệm khách hàng.
 
Theo đó, bước đầu EVN đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng thiết bị bay không người lái để hỗ trợ công nhân trong giám sát hành lang tuyến, đánh giá, tìm điểm sự cố của đường dây truyền tải điện; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thị giác máy tính để kiểm tra hình ảnh hiện trường trên chương trình IMIS, hoàn thành năm 2020; Triển khai hệ thống điều khiển nhà máy điện thông minh, trung tâm quản lý vận hành SmartOCC tại các nhà máy thủy điện.
 
Bên cạnh đó, Tập đoàn đưa vào vận hành trạm biến áp 110kV kỹ thuật số đầu tiên (Trạm biến áp 110kV Quế Võ 2) và tiếp tục triển khai thí điểm đối với tất cả các Tổng công ty Điện lực trong các năm 2020-2021 bên cạnh việc triển khai đầu tư xây dựng trạm biến áp 220kV kỹ thuật số của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Đồng thời thử nghiệm ứng dụng di động tại hiện trường trong kiểm tra, lắp đặt, sửa chữa lưới điện phân phối tại Tổng công ty Điện lực miền Trung.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn, công tác chuyển đổi số của Tập đoàn vẫn còn những hạn chế về năng lực nghiên cứu công nghệ mới, về năng lực tiếp nhận, ứng dụng, khai thác công nghệ số. Nguyên nhân là EVN là Tập đoàn kinh tế không phải là Tập đoàn công nghệ thông tin, chưa có đơn vị chuyên trách về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Các công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, IoT… còn rất mới trên thế giới, nhiều công nghệ chưa có chuẩn chung, do đó việc tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu để ứng dụng vào thực tế cần nhiều thời gian, nguồn lực chất lượng cao để nắm bắt được các công nghệ mới này, đồng thời hiệu chỉnh các quy định thủ công trước đây thành các quy trình mới. 
 
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cho việc thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai; trong đó một số cơ chế như đấu thầu không vận dụng được trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới. 
 
Mặt khác, Tập đoàn còn chưa xây dựng được cơ chế cho quỹ đổi mới sáng tạo, do đó việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo còn mất nhiều thời gian trong quá trình phê duyệt thủ tục, làm giảm động lực của các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.
 
Bài cuối: Xác định nhiệm vụ cụ thể của từng lĩnh vực
 
Mai Phương