Trong đó, riêng khu vực 7 quận nội thành cũ và các huyện Từ Liêm, Thanh Trì cần tới 1.170 MW… Một số trung tâm nguồn 220KV bị quá tải, 5 trạm 220KV đã không thể đáp ứng nhu cầu phụ tải của Hà Nội. Riêng khu vực Thành Công, đến năm 2010 sẽ bị thiếu hụt lượng công suất khoảng 300MW, năm 2015 thiếu tới 400MW.
Thực tế, nhiều năm qua, do tình trạng quá tải mà nhiều khu vực nội thành Hà Nội thường xuyên bị mất điện do cúp điện luân phiên hoặc mất điện đột xuất do quá tải, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất sinh hoạt và gây bức xúc trong nhân dân. Để chống quá tải cho Thủ đô Hà Nội, EVN đã triển khai phương án tăng cường cung cấp điện với việc xây dựng đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công và xây dựng trạm 220kV Thành Công nhằm đáp ứng nhu cầu về điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho Hà Nội, nhất là dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Tổng mức đầu tư dự án là 390 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 292 tỷ đồng; chi phí thiết bị 8,4 tỷ đồng,... Tuyến đường bắt đầu từ trạm 220 kV Hà Đông và điểm cuối tại phường Thành Công. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự án đi qua các xã La Khê, Văn Khê, Vạn Phúc (thuộc thị xã Hà Đông, Hà Tây - nay là quận Hà Đông thành phố Hà Nội), xã Trung Văn - Từ Liêm sau đó đi ngầm đến Thành Công (quận Đống Đa). Theo đó, dự án sẽ có hai phần: Phần đường dây trên không 220 kV mạch kép dài gần 7 km và đường cáp ngầm 220kV hai mạch bắt đầu từ điểm xuống (cột cuối đường dây trên không) đến trạm 220kV Thành Công có chiều dài gần 5 km. Theo tính toán, năm 2007, trạm biến áp Thành Công sẽ được đưa vào vận hành.
Lênh đênh bài toán nổi- chìm
Mặc dù dự án được EVN trình lên từ năm 2002 nhưng đến ngày 6/5/2005, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mới chính thức có văn bản số 1509/UB-CN thống nhất về hướng tuyến đường dây đi qua địa phận tỉnh này.
Về phía Hà Nội, từ ngày 27/11/2002, Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội đã có Văn bản số 480/QHKT-P2 giới thiệu địa điểm xây dựng trạm biến áp 220kV Thành Công trên diện tích 3.000m2 ở phía tây mương Hào Nam - Yên Lãng, gần TBA 110kV Thành Công hiện nay. Tuyến đường dây sẽ đi nổi theo tuyến đường qui hoạch Láng Hạ - Thanh Xuân kéo dài. Đoạn từ vành đai 3 vào trạm Thành Công sẽ đi cáp ngầm dọc theo đường Láng Hạ - Thanh Xuân, đường Láng và đường La Thành - Thái Hà - Láng. Ngày 25/11/2003, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 3757/UB-XDĐT chấp thuận kế hoạch trên. Thế nhưng, do khó khăn giải phóng mặt bằng trên đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài nên đến cuối năm 2007 dự án mới được triển khai. Đúng thời điểm này, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội bỗng nhiên thay đổi ý kiến cho rằng, cần đảm bảo cảnh quan đô thị nên đề nghị chủ đầu tư cho đi ngầm toàn tuyến (trên 11km).
Bằng mọi giá, phải kịp tiến độ phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long
Khó khăn là ở chỗ, nếu thực hiện phương án này, EVN sẽ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ... và hậu quả là không biết đến bao giờ mới có thể hoàn thành dự án. Bởi vì, chính việc xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài cũng không hoàn thành đúng tiến độ vì khó khăn giải phóng mặt bằng. Muốn đáp ứng tiến độ, EVN sẽ phải đền bù, giải phóng mặt bằng để hạ ngầm đoạn đường dây trước khi xây dựng đường.
Hơn nữa, EVN còn lo ngại nếu cáp ngầm đi trước, sau này mới tiến hành san lấp, làm lại đường thì sẽ không an toàn cho đường dây. Mặt khác, theo yêu cầu thì đoạn cáp ngầm vượt sông Nhuệ phải phối hợp với cầu sông Nhuệ nhưng nay cầu này chưa được thiết kế. Đặc biệt, nếu chuyển sang đi ngầm thì tổng chi phí dự án sẽ lên tới 426 tỷ đồng, trong khi đi nổi chỉ hết 70 tỷ đồng. Quan trọng hơn cả là nếu ngầm hóa toàn bộ thì sẽ có nguy cơ không kịp tiến độ phục vụ ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Tại Văn bản số 7461/BCT-NL ngày 22/8/2008, Bộ Công Thương cũng khẳng định, dự án đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công là công trình có trong danh mục các đường dây 220kV của Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội giai đoạn 2006-2010 có xét đến năm 2015. Theo đó, đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công có chiều dài 11km, trong đó có khoảng 4,5km cáp ngầm, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2008. Như vậy, thiết kế kỹ thuật của dự án do EVN phê duyệt là phù hợp với Qui hoạch phát triển điện lực của TP. Hà Nội.
Cuộc tranh cãi giữa Bộ Công Thương, EVN và TP. Hà Nội kéo dài từ đầu năm 2008 đến nay. Trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, đường dây 220kV Hà Đông- Thành Công đi vào vận hành không những đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho khu vực quận Đống Đa và khu vực lân cận mà còn đảm bảo được việc cung cấp điện, nâng cao tính ổn định, độ tin cậy của lưới điện Hà Nội.
Được biết, vừa qua UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho NPT thực hiện theo dự án đã được duyệt (đường dây có cả phần đi nổi và phần đi chìm). Tuy nhiên, những đoạn đi chìm lại liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng mà đây là vấn đề rất nan giải. Trong khi đó, TP. Hà Nội yêu cầu từ tháng 5/2010 sẽ không được cắt điện trên địa bàn thành phố để phục vụ cho việc chuẩn bị đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Để thực hiện được điều này, ngành điện rất cần sự tiếp tục hỗ trợ, đồng tình của các ban ngành và người dân trong các khâu tiếp theo để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.