Sự kiện

Vì sao các địa phương ở Bình Định đồng loạt đẩy nhanh tiến độ bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn

Thứ tư, 7/8/2013 | 10:31 GMT+7
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và UBND tỉnh Bình Định, PC Bình Định đã triển khai việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) giai đoạn 1 (2009 - 2012), với 93 tổ chức quản lý điện nông thôn ở 68 xã; khối lượng tiếp nhận là 1.216 km đường dây hạ thế, 145 ngàn hộ sử dụng điện khu vực nông thôn.

Tính đến hết năm 2012, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 54 tổ chức quản lý điện nông thôn tại 63 xã, với khối lượng 837 km đường dây hạ thế, 100 ngàn hộ sử dụng điện thuộc quản lý của các tổ chức dịch vụ điện, HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp.
 


PC Bình Định đưa điện về các xã khu Đông huyện Tuy Phước.

Trong quá trình thực hiện giao nhận LĐHANT, có một thực tế là một số địa phương đã né tránh, chần chừ không bàn giao, mà còn nêu ra những khó khăn như: mất lợi nhuận trong công tác kinh doanh, quản lý, hồ sơ ban đầu không còn lưu giữ, việc sử dụng điện khu vực nông thôn như vậy là đã ổn định rồi, một số địa phương còn đang thi công dự án Năng lượng nông thôn RE II và RE mở rộng… Hiện trạng đó làm cho việc tiếp nhận LĐHANT ở Bình Định chậm lại, không đạt tiến độ như đã đề ra.

Đến đầu năm 2013, nhiều xã ở các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước, An Lão, Vân Canh… đã đồng loạt yêu cầu bàn giao LĐHANT và gửi hồ sơ về PC Bình Định đề nghị làm các thủ tục giao nhận. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi thấy có mấy nguyên nhân chính như sau:

Một là: Áp lực từ quyền lợi bức xúc của người dùng điện nông thôn

Tại một số cuộc họp HĐND xã và trên các phương tiện thông tin địa phương đã có ý kiến cho rằng, quyền lợi của người sử dụng điện ở nông thôn thua thiệt đủ bề. Phần lớn LĐHANT ở tỉnh Bình Định đã được xây dựng trên 20 năm, lại không được đầu tư cải tạo nên đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này dẫn đến chất lượng nguồn điện ở nhiều nơi không đảm bảo, có nơi điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V và tỉ lệ tổn thất điện năng bình quân là trên 25%, cá biệt có nơi lên đến trên 30% như: xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước); Hoài Mỹ, Hoài Thanh (Hoài Nhơn)...

Giá điện ở nông thôn nhiều nơi phải cõng thêm “tổn thất phí” nên cao gấp đôi, thậm chí gấp 4 - 5 lần so với giá điện quy định. Đã vậy, mọi chi phí sửa chữa, thay thế, lắp đặt công tơ… người sử dụng điện phải trả, làm cho chi phí dùng điện của người dân nông thôn cao và rất cao, có nơi tính ra trên 5.000đồng/kWh.

Các tổ chức quản lý điện, HTX, tổ dịch vụ điện chỉ thu đủ tiền chênh lệch giá điện giữa giá bán buôn và giá bán lẻ để nuôi bộ máy quản lý mà không có kinh phí đầu tư cải tạo thường xuyên. Do vậy, lưới điện nông thôn phải “gồng mình” nhìn sự xuống cấp nghiêm trọng so với nguyên trạng ban đầu, có nơi chắp vá bằng đủ các loại dây dẫn, đi băng qua bụi chuối, bờ tre. Cột điện xiêu vẹo phải chống lên bằng cột bạch đàn, sào trúc đủ cỡ. Miễn là có điện! Điều này giải thích vì sao tai nạn điện ở nông thôn - nhất là vào mùa mưa lũ - lại cao đến như vậy. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao không thống nhất giao lưới điện ấy cho ngành Điện quản lý để người dân nông thôn được hưởng giá điện bình đẳng, lưới điện được duy tu sửa chữa và bảo đảm các quyền lợi khác như chất lượng điện năng ổn định, không tốn chi phí lắp đặt công tơ khi có yêu cầu mắc điện…

Đó là những yêu cầu mang tính bức xúc, xuất phát từ cuộc sống và nguyện vọng chính đáng của người dân nông thôn, đã góp phần thúc đẩy chính quyền địa phương các cấp xã, huyện phải nhìn nhận lại mình trước chủ trương chuyển giao LĐHANT.

Hai là: Việc hoàn trả kinh phí xây dựng lưới điện trước đây của người dân và các tổ chức quản lý đóng góp được thực hiện một cách minh bạch, thỏa đáng và kịp thời

Sau hơn 4 năm thực hiện việc tiếp nhận LĐHANT, tổng giá trị tài sản lưới điện còn lại được bàn giao cho PC Bình Định là 129,312 tỷ đồng, trong đó có 3,085 tỷ đồng thuộc vốn ngân sách, 109,483 tỷ đồng thuộc vốn dự án Năng lượng Nông thôn II tỉnh Bình Định và 16,744 tỷ đồng thuộc vốn của các tổ chức, hợp tác xã kinh doanh mua bán điện và nhân dân đóng góp thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân và các xã phường hải đảo thành phố Quy Nhơn.

Theo tinh thần của Thông tư 06/2012/TTLT/BCT-BTC ngày 03/02/2010 của Liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (TT06), PC Bình Định đã tiếp nhận tài sản của 99 tổ chức quản lý, mua bán điện, trong đó có 58 tổ chức đã được EVNCPC phê duyệt và cấp vốn hoàn trả với tổng giá trị là 13,680 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 5/2013, PC Bình Định đã thực hiện hoàn trả vốn cho 54 tổ chức với tổng số tiền là 13,002 tỷ đồng, còn lại 4 tổ chức gồm HTX DV Điện năng Nhơn Tân, HTX NN Phú Lạc, HTX NN Kiên Ngãi và HTX DV ĐN Nhơn Khánh đang hoàn thiện hồ sơ hợp lệ để tiến hành thanh khoản.

Đối với các tổ chức HTX đã giải thể, vốn do nhân dân đóng góp, vốn góp chung của HTX và nhân dân, PC Bình Định thống nhất với chính quyền địa phương sẽ chuyển tiền hoàn trả cho UBND xã, phường trực tiếp quản lý và thực hiện chi trả cho các đối tượng liên quan. Đối với các tổ chức được nhận vốn hoàn trả nhưng vẫn còn nợ quá hạn tiền điện, PC Bình Định đã làm việc và có văn bản thống nhất khấu trừ trực tiếp trước khi hoàn trả.

Ba là: Việc bàn giao LĐHANT góp phần thúc đẩy quá trình sửa chữa, chỉnh trang lưới điện và sử dụng điện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Bình Định cùng các địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có lưới điện và sử dụng điện của người dân là một tiêu chí quan trọng. Điều đáng ghi nhận là Bình Định đã hoàn thành đưa điện quốc gia về 154/155 xã phường, chỉ còn xã đảo Nhơn Châu (Cù lao xanh) đang dùng điện Diesel chờ dự án cấp điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển đang trình phương án lên Chính Phủ.

Cải tạo lưới điện và đưa giá điện bình đẳng về khu vực nông thôn quyết định đến việc tăng khả năng sử dụng điện của người dân nông thôn vào sản xuất và đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Bình Định trong tiến trình đạt đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Việc này chỉ có thể khi việc tiếp nhận LĐHANT ở Bình Định hoàn thành.

Nhưng không cầu toàn đến giai đoạn hoàn tất, tiếp nhận đến đâu, PC Bình Định đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các hộ dân khi tiếp nhận lưới điện ở từng địa phương. Bên cạnh đó, ngành Điện đã thực hiện thay hơn 136.000 công tơ đạt tiêu chuẩn, bổ sung thay thế hệ thống tiếp địa, thay xà mục gãy, thay sứ cách điện bị vỡ… để đảm bảo lưới điện hoạt động an toàn. Đến nay, PC Bình Định đã thực hiện việc sửa chữa nhỏ hệ thống LĐHANT ở 40 xã, với tổng kinh phí đầu tư trên 50 tỉ đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, PC Bình Định đã tiếp nhận thêm được 5 xã, với 6 tổ chức quản lý điện nông thôn và đang tiến hành các bước chuẩn bị để tiếp nhận đối với các xã khác. Dự kiến đến cuối năm 2013, đơn vị sẽ tiếp nhận khoảng 20 xã, với khối lượng 285 km đường dây hạ thế, 35.000 hộ sử dụng điện. Các địa phương còn lại, đơn vị sẽ triển khai công tác tiếp nhận vào năm 2014 để đảm bảo đến năm 2015 toàn bộ LĐHANT trên địa bàn tỉnh được ngành Điện tiếp nhận, quản lý và bán lẻ điện trực tiếp đến hộ dân.

Đứng trước yêu cầu đồng loạt của các địa phương, khối lượng tiếp nhận LĐHANT của PC Bình Định rất lớn nên việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh cả hệ thống chưa thực hiện ngay được, mà phải tích cực tăng tốc trên cơ sở nhân lực và khả năng nguồn vốn huy động được. PC Bình Định đang tận dụng tối đa nguồn vốn vay từ nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Cộng hòa Liên bang Đức, với tổng nguồn vốn vay khoảng 390 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp LĐHANT trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, PC Bình Định sẽ hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn bộ LĐHANT đã tiếp nhận; phấn đấu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục đến khách hàng ở khu vực nông thôn và giảm tỉ lệ tổn thất điện năng của LĐHANT xuống dưới 10%, góp phần đắc lực vào việc hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Bình Định.
 
Theo: Tạp chí Công Thương