Ông Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian qua, do giá điện thấp dưới giá thành nên đã kéo theo những hệ lụy đáng tiếc. Cụ thể, giá điện dưới giá thành như hiện nay thì hậu quả là hàng loạt các dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ không chịu áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm điện. Và minh chứng về tình trạng ồ ạt trong sản xuất cán, phôi thép thời gian qua là bài học đắt giá khi một loạt các nhà máy đã tận dụng giá điện thấp của Việt Nam, đưa công nghệ lạc hậu vào sản xuất cán thép rồi xuất đi nước thứ 3. Nguy cơ kéo theo cả nền công nghiệp lạc hậu. Thêm nữa, không có dự án đầu tư nào ngoài ngành Điện bởi giá bán điện thấp, nhà đầu tư không thể có lãi nên không dám bỏ vốn đầu tư. Riêng phía Nhà nước thì không thể mãi đầu tư cho các dự án điện được. Muốn giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì cần phải thu hút được các nhà đầu tư vào ngành Điện. Và đương nhiên muốn vậy phải có cơ chế giá làm sao đó cho nhà đầu tư người ta có lãi và có thể tái đầu tư, phát triển.
“Giá điện dưới giá thành và giá than bán cho sản xuất điện cũng dưới giá thành nên kéo theo tình trạng khai thác và xuất lậu than qua đường biển để có giá cao, làm thất thu ngân sách, tài nguyên quốc gia”. Theo Bộ trưởng Đam, lý do thời gian qua Nhà nước chưa thể ngay một lúc đưa giá điện theo thị trường mà phải tiến hành theo lộ trình bởi lẽ 'sức khỏe' của nền kinh tế còn hạn chế, một số ngành hàng sức cạnh tranh đã yếu nếu tăng giá điện đột ngột ở mức cao thì sẽ làm yếu thêm. Do vậy mỗi lần tăng giá điện các bộ, ngành và Chính phủ tính toán rất kỹ, xem xét kỹ lưỡng các yếu tố biến động trong yếu tố đầu vào của điện, tính toán đến mức độ ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát (CPI).
|
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: N.Thọ |
“Người dân Việt Nam có thu nhập thấp và cái gì cũng tính theo giá quốc tế thì rất khó khăn. Tuy vậy, cũng phải xét là chỉ có thủy điện là giá thành rẻ, còn các nguồn điện khác đều phải mua theo giá quốc tế. Điện chạy bằng khí, điện gió, điện mặt trời đều mua máy móc, mua khí theo giá quốc tế. Do đó, không có sự lựa chọn nào khác là thay vì hỗ trợ chung cho điện thì hỗ trợ cho người dân.” - Bộ trưởng Đam nhận định.
“Về lâu dài, Chính phủ sẽ theo đuổi chính sách không bao cấp giá điện chung như hiện nay mà hướng hỗ trợ vào đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Chúng ta tiến tới cơ chế thị trường kèm theo điều kiện hỗ trợ cho người dân. Và khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ bằng lời nói mà bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, để đầu tư vào công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn.” - Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Theo Bộ trưởng Đam, thời gian tới Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích cho người dân và dư luận về những lần điều chỉnh giá điện qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Qua đó, tiếp thu những phản ánh của dư luận để có cách thức xử trí nhanh nhạy và phù hợp nhằm tạo đồng thuận xã hội trong những lần điều chỉnh giá điện của Nhà nước.