Sự kiện

Từ ngày 1-8 áp dụng giá điện mới - Tăng giá điện để bù đắp chi phí

Thứ tư, 31/7/2013 | 19:33 GMT+7
Ngày 31-7, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1-8-2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 5%  so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh). Việc điều chỉnh giá điện lần này là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.

 

   * Biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ ngày 1/8/2013
 



Kể từ ngày 1-8-2013, giá điện bán lẻ bình quân được áp dụng sẽ tăng 5% từ 1437đ/kWh lên 1.058,85đ/kWh. Ảnh: N.Hà

Bù đắp một phần chi phí tăng thêm

Theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31-7-2013 của Bộ Công Thương Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, kể từ ngày 1-8-2013, thì giá điện bán lẻ bình quân được áp dụng sẽ tăng 5% từ 1437đ/kWh lên 1.058,85đ/kWh.

Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, cứ 3 tháng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có trách nhiệm cập nhật 1 lần các thông số cơ bản về giá nhiên liệu (giá than, dầu, khí); biến động tỉ giá (chủ yếu là USD) và cơ cấu sản lượng điện phát để làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện. Như vậy, tính từ thời điểm điều chỉnh giá bán điện gần nhất là tháng 12-2012 đến 31-7-2013, tỉ giá bình quân gia quyền tăng 0,4%; giá than cho sản xuất điện bình quân gia quyền tăng 35,7%; giá khí tăng 2,2% và giá dầu (DO, FO cho sản xuất điện) tăng 9,6%, trong khi đó, theo cơ cấu sản lượng điện phát so với phương án tính toán thì nhiệt điện than tăng 19%; khí tăng gần 6% .

Việc tăng giá than và khí cùng với tăng sản lượng phát từ hai nguồn chiếm tới 55%-65% tổng sản lượng phát toàn hệ thống đã khiến cho chi phí khâu phát điện tăng thêm đáng kể: Chi phí sản lượng phát điện bằng nguồn nhiên liệu than tăng thêm 5198 tỉ đồng; sản lượng phát điện bằng khí thì chi phí tăng thêm hơn 1,593 tỉ đồng. Chi phí tăng thêm từ hai nguồn than và khí đã chiếm từ 80-90% tổng chi phí tăng thêm trong thời gian từ tháng 12-2012 đến 31-7-2013.

Với áp lực này, lại thêm phải phân bổ lỗ từ 2011 và chênh lệch tỉ giá đánh giá lại từ năm 2012 về trước. Năm 2011, khoản lỗ của EVN gần 11.500 tỉ đồng, năm 2012, sản xuất kinh doanh của EVN có lãi nên đã bù được một phần, khoản lỗ còn lại là 7.962 tỉ đồng; chênh lệch tỉ giá từ 26.000 tỉ đồng (năm 2011) còn 15.114 tỉ đồng. Như vậy, tổng khoản lỗ của EVN từ 38.000 tỉ nay còn 23.000 tỉ đồng.

Để thực hiện giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất từng bước tiến tới không thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện, giữ ổn định giá bán điện cho người sử dụng điện tiết kiệm bằng hoặc dưới 50kWh/tháng, hạn chế tác động giá điện đối với các hộ sử dụng đến 100kWh/tháng, tăng giá bán điện được áp dụng từ ngày 1-8-2013, không ảnh hưởng đến người nghèo, tiếp tục giữ nguyên như giá bán điện hiện hành đối với hộ sử dụng điện từ 0-50kWh; hộ sử dụng từ 0-100kWh/ tháng sẽ tăng thêm 6.800đ/tháng; hộ sử dụng từ 101kWh/tháng -150kWh/tháng sẽ tăng thêm 10.650đ/tháng; hộ sử dụng từ 151kWh/tháng- 200kWh/tháng sẽ tăng thêm 15.500đ/tháng; hộ sử dụng từ 201kWh/tháng-300kWh/tháng sẽ tăng thêm 26.000đ/tháng và hộ sử dụng từ 301kWh/tháng-400kWh/tháng sẽ tăng thêm 37.200đ/tháng.

Căn cứ vào dự báo sản lượng điện thương phẩm năm 2013, đánh giá tác động của việc tăng giá điện 5% so với giá bình quân đang áp dụng thì các ngành sản xuất sẽ tăng chi phí  thêm hơn 1.800 tỉ đồng; nhóm hành chính sự nghiệp tăng chi phí khoảng 146 tỉ đồng; các ngành kinh doanh dịch vụ tăng chi phí khoảng 326 tỉ đồng và tác động trực tiếp CPI tăng 0,123%

Với việc tăng giá bán điện 5% so với giá bình quân đang áp dụng lần này cho thấy có tăng nhưng ở mức kiềm chế do chỉ bù đắp một phần chi phí tăng thêm từ tăng giá than, khí. Bởi, theo dự báo sản lượng điện theo kế hoạch năm 2013 là 117 tỉ kWh, giá bán điện lẻ bình quân tăng thêm từ ngày 1-8-2013 là 5%, như vậy chỉ còn 5 tháng còn lại doanh thu tăng thêm là 3.600 tỉ đồng, trong khi đó chi phí tăng thêm từ sản xuất điện bằng nguồn than và dầu khí hơn 6.000 tỉ đồng.

Đảm bảo điều kiện vay vốn

Với một báo cáo tài chính lỗ như EVN hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay từ các tổ chức tín dụng. Do đó cần một lộ trình giá điện để cải thiện dần các chỉ tiêu tài chính của EVN, tạo điều kiện cho EVN huy động được các nguồn vốn khác nhau trong thời gian tới. Theo Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2011 – 2015) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lộ trình giá điện phải được tính toán hợp lý trên các nguyên tắc sau: Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong các giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015; từng bước nâng dần giá bán điện, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường. Đến năm 2015 các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần; tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ lớn hơn 1,5 lần (Quyết định 854/QĐ-TTg).

Điều này có nghĩa là giá điện phải phản ánh đầy đủ các chi phí đầu vào hợp lý và ngành điện phải đạt được lợi nhuận nhất định để có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng hoặc đủ điều kiện để phát hành trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện và đầu tư nguồn điện, hệ thống lưới điện trong tương lai. Tuy nhiên các chi phí đầu vào trong các khâu sản xuất, kinh doanh điện cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện.

Tỉ giá hiện nay còn nhiều yếu tố không lượng hóa được. Nếu từ nay đến hết năm, không có biến động về tỉ giá thì sẽ đáp ứng được các tiêu chí, chỉ tiêu về tài chính của các tổ chức tín dụng cho vay tiền đầu tư, nếu chính sách điều chỉnh tỉ giá có biến động sẽ có tác động xấu đến bức tranh tài chính của EVN vào 5 tháng cuối năm, chưa kể, biến động giá than, khí, xăng dầu….

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2030, mỗi năm sẽ đưa 5.000 MW nguồn mới vào vận hành và xây dựng các công trình trạm, đường dây đồng bộ với tổng vốn đầu tư cho tới năm 2020 là khoảng 5 tỷ USD, từ năm 2020 tới 2030 khoảng 60 tỷ USD. Vì vậy, nếu SXKD của EVN rơi vào tình trạng thua lỗ như năm 2010, 2011 sẽ khó khăn vay vốn để tiếp tục triển khai các dự án. EVN cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng./

 
Thanh Mai/ICON.com.vn