|
Phó tổng giám đốc EVN HANOI - Vũ Quang Hùng. Ảnh: EVN HANOI |
Hạ ngầm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật
PV: Thưa ông, đường dây hạ thế 22 kV tại khu vực xảy ra sự cố ngày 29/7 có được hạ ngầm đúng quy định hay không?
Ông Vũ Quang Hùng: Tuyến cáp trung thế cấp điện cho Trụ sở Bộ Công an gồm 2 tuyến cáp được rải từ trạm biến áp 110 kV Nghĩa Đô đến Văn phòng trụ sở tại đường Phạm Văn Đồng, được đưa vào sử dụng tháng 12/2010. Trước khi đưa vào sử dụng, tuyến cáp đã được chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 239/05 - Bộ Công an chủ trì và các bên liên quan trong đó có Công ty Điện lực Cầu Giấy (thuộc EVN HANOI) là thành viên nghiệm thu đảm bảo an toàn vận hành, độ sâu đúng quy định. Dự án hiện đang trong giai đoạn quyết toán, chưa bàn giao cho ngành Điện quản lý.
Trong quá trình mở đường, một số vị trí cốt đường, cốt hè đã bị hạ thấp nên làm giảm độ sâu tuyến cáp so với ban đầu và có đoạn làm mất lớp băng tín hiệu cáp ngầm. Phần lớn chiều dài tuyến cáp (không thuộc phạm vi mở đường) thì vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành.
Đối với phần cáp thuộc phạm vi dự án mở đường Trần Quốc Hoàn, Công ty Điện lực Cầu Giấy đã thông báo cho Chủ đầu tư dự án mở đường là Ban QLDA quận Cầu Giấy qua các văn bản số 36CV/PCCG ngày 15/02/2012 và số 80/PCCG-P04 ngày 25/01/2013, yêu cầu đơn vị thi công liên hệ với Công ty để thực hiện giám sát an toàn. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã trao đổi với Ban quản lý dự án 239/05 - Bộ Công an phối hợp thực hiện việc rà soát, khảo sát, kịp thời phát hiện các đoạn cáp chưa đủ độ sâu, thiếu các lớp bảo vệ để thực hiện biện pháp khắc phục.
PV: Vậy nguyên nhân nào gây ra sự cố đáng tiếc trên?
Ông Vũ Quang Hùng: Sự việc vừa qua xảy ra do hai nguyên nhân: Một là, đơn vị thi công tự ý thi công trong phạm vi có cáp điện mà không phối hợp với đơn vị quản lý điện để giám sát an toàn thi công.
Hai là, đơn vị thi công đã sử dụng người lao động chưa đủ năng lực thực hiện công việc, chưa được đào tạo về an toàn điện để thi công các công trình điện và không có cán bộ giám sát an toàn.
PV: Sau khi nhận bàn giao quản lý thì EVN HANOI sẽ có giải pháp cụ thể như thế nào để khắc phục những tồn tại của tuyến cáp ngầm này?
Ông Vũ Quang Hùng: Công ty Điện lực Cầu Giấy đã nắm được các điểm còn tồn tại của tuyến cáp ngầm này phát sinh trong quá trình mở đường và đã chuẩn bị phương án xử lý các tồn tại sau khi được bàn giao quản lý tài sản:
Một là, khôi phục đủ độ sâu chôn cáp trong đất theo quy định và tăng cường lớp bảo vệ cáp, bổ xung các mốc báo hiệu cáp đã bị mất.
Hai là, trường hợp vướng công trình ngầm phía dưới mà không đạt độ sâu quy định đặt cáp trong đất, sẽ áp dụng biện pháp xử lý tăng cường bằng khối bê tông hoặc ống siêu bền để bảo vệ cáp.
“Cần phối hợp với điện lực để tránh tai nạn tiếp diễn”
PV: Người dân, các đơn vị thi công công trình làm thế nào để nhận biết được vị trí có đặt tuyến cáp điện ngầm của EVN HANOI?
Ông Vũ Quang Hùng: Theo Quy định quản lý kỹ thuật của EVN HANOI, tất cả các tuyến cáp ngầm trung áp và hạ áp đều có mốc báo hiệu cáp ngầm dọc theo tuyến cáp, khoảng cách giữa các mốc lớn nhất là 20 mét/1 mốc với tuyến thẳng và 5m/1 mốc ở những tuyến cong. Trên thực tế, mốc báo hiệu cáp làm bằng sứ nên rất dễ nhận biết.
PV: Thưa ông, việc thiết kế và quản lí cáp điện ngầm của EVN HANOI hiện gặp khó khăn như thế nào?
Ông Vũ Quang Hùng: Hiện nay, lưới điện trung áp trong khu vực nội thành Hà Nội đã được hạ ngầm 100%. Lưới hạ áp tại một số tuyến phố chính đã được hạ ngầm. Những khó khăn trong việc thiết kế và quản lý hệ thống cáp ngầm mà EVN HANOI gặp phải đó là:
Thành phố có nhiều công trình ngầm và do các đơn vị khác nhau làm chủ đầu tư và quản lý khai thác nhưng chưa có một cơ quan thống nhất để quản lý và lưu trữ hồ sơ của toàn bộ các công trình ngầm nên việc thiết kế khó liệt kê đầy đủ công trình ngầm.
Bên cạnh đo, tất cả công trình cáp ngầm chỉ được thi công vào ban đêm và phải hoàn thiện ngay vào sáng hôm sau để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao thông đi lại của người dân. Trong hoàn cảnh đó, nếu gặp công trình ngầm chưa được tính trong thiết kế ban đầu, giải pháp khắc phục thường là chấp nhận độ sâu thực tế và bổ xung kết cấu để chống va đập cơ học. Ví dụ: đổ bê tông ở trên tuyến cáp, hoặc ống bảo vệ...
PV: Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên cáp điện ngầm trong nội đô bị vi phạm. Xin ông cho biết, Tổng công ty đã có những phương án gì để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn?
Ông Vũ Quang Hùng: Để ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang tuyến cáp ngầm, các công ty Điện lực đã gửi văn bản đến các cơ quan cấp phép của quận/huyện để yêu cầu đơn vị thi công trên địa bàn có ảnh hưởng đến các công trình ngầm phải liên hệ với các đơn vị quản lý điện.
Trong các “Thỏa thuận cấp điện” giữa ngành Điện với khách hàng, luôn yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải liên hệ với Công ty Điện lực để thống nhất các biện pháp an toàn cho công trình điện.
Chúng tôi đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Sở Công thương và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Tất cả các đơn vị thi công chuyên nghiệp đều nắm được các quy định về an toàn hành lang lưới cáp ngầm.
PV: EVN HANOI có kiến nghị gì với các cấp liên quan để bảo đảm an toàn cho hệ thống đường dây điện ngầm nói riêng cũng như sự an toàn của những người công nhân, các đơn vị thi công?
Ông Vũ Quang Hùng: Đã có hệ thống các văn bản pháp quy của Chính phủ và ngành Điện để bảo đảm an toàn cho hệ thống điện và người lao động.
Bộ Công Thương có quyết định số 12/2008/QĐ-BCT ngày 17/6/2008 về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện”. Nếu đơn vị thi công và người lao động tuân thủ các quy định trong Quy chuẩn về an toàn điện nêu trên sẽ ngăn ngừa được những sự cố xảy ra.
Với các dự án liên quan đến công trình điện, EVN HANOI xin kiến nghị như sau:
Thứ nhất, chủ đầu tư cần đề cao yêu cầu về năng lực chuyên môn và an toàn lao động khi chọn các đơn vị thi công.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phép khi đơn vị thi công đã có hợp đồng giám sát an toàn điện với đơn vị quản lý điện trên địa bàn.
PV: Xin cảm ơn ông!