Sự kiện

Thuỷ điện Sơn La náo nức trước ngày mừng công

Thứ ba, 4/1/2011 | 15:15 GMT+7

Nhà máy thủy điện Sơn La vào những ngày cuối tháng 12.2010 - thời điểm tổ máy số 1 đã phát đi những kWh điện đầu tiên lên lưới điện quốc gia - trên khuôn mặt của từng người thợ xây dựng thủy điện đều ánh lên một niềm vui vô hạn - niềm vui của hơn 1.800 ngày đêm chờ đợi, niềm vui của sự tự hào vì đã hoàn thành một phần lời hứa với Đảng, với nhân dân cả nước.

 
Toàn cảnh công trình thuỷ điện Sơn La.

Chiều cuối năm trên công trường

Chiều buông xuống trên công trường thủy điện Sơn La. Ở cửa xả số 1 của nhà máy, nước đổ xuống ầm ào như một dòng thác, bọt tung trắng xóa, lấp lánh trong ráng chiều tà. Nhìn từ phía hạ lưu, khối đập trên 5 triệu mét khối bêtông của thủy điện Sơn La sừng sững giữa đất trời Tây Bắc, như một người lực sĩ khổng lồ ôm Đà Giang vốn hung bạo vào lòng.

Từ nhà điều hành trên một đỉnh đồi cao nhìn ngắm toàn cảnh công trường vĩ đại mới thấu hiểu và thấm thía những công lao, nỗi vất vả của từng cán bộ công nhân trên công trình. Tôi đã gặp họ - hầu hết họ là những thanh niên còn rất trẻ - đến đây từ mọi miền tổ quốc. Họ mang sức trẻ và lòng nhiệt huyết đến với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này, vượt qua những cung đường còn lắm trắc trở, giữa một vùng rừng núi điệp trùng và đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn...

Thành công của thuỷ điện Sơn La một lần nữa khẳng định trí tuệ và bản lĩnh người thợ Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà

Hà Văn Tuấn - sinh năm 1987, quê Phú Thọ, là nhân viên kỹ thuật thuộc Xí nghiệp Sông Đà 501 - tâm sự, anh thấy vô cùng may mắn vì được làm việc tại công trường này. Tuấn đến đây với sự hào hứng và khát khao được cống hiến của một kỹ sư trẻ vừa ra trường. Dù ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng anh đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Tuấn đang cùng tất cả các anh em kỹ sư, công nhân khác khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại của tổ máy số 1 và các tổ máy khác của nhà máy với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hiện nay, trên công trường vẫn có hàng nghìn  công nhân làm việc 3 ca liên tục, không kể thứ bảy, chủ nhật. Để hoàn thành mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12.2010 này, công trình đã đạt được một số mốc tiến độ quan trọng trong năm như: Hoàn thành đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa từ tháng 5.2010, lắp đặt thành công rotor tổ máy số 1 trong tháng 8.2010, hiện đang thực hiện tổ hợp, lắp đặt stator và rotor tổ máy 2 theo đúng tiến độ...

Đứng trong lòng gian máy, ngắm nhìn những vòng quay nhanh, đều đặn của tuabin, trong tiếng ầm ào của dòng nước đang chuyển vận, Trưởng ban Ban quản lý Dự án thủy điện Sơn La - ông Nguyễn Hồng Hà - xúc động: Tổ máy số 1 phát điện lên lưới điện quốc gia là thời khắc vô cùng quan trọng. Đây là một niềm vui vô hạn, bởi lẽ chúng tôi đã hoàn thành được một phần rất quan trọng trong lời hứa với Đảng, với nhân dân và đặc biệt là tâm nguyện và sự hy sinh to lớn của hơn 20 nghìn hộ dân các dân tộc Tây Bắc đã nhường đất cho Dự án thủy điện Sơn La. Việc phát điện tổ máy số 1 sớm hơn 2 năm cũng mang một ý nghĩa kinh tế - chính trị hết sức quan trọng, góp phần giải quyết nhu cầu điện đang cấp thiết trên cả nước”.
Trên hết là tinh thần lao động quên mình

Trước câu hỏi: Dù đã từng chinh chiến trên khắp các công trường xây dựng thủy điện từ Bắc tới Nam, nhưng với công trình thủy điện Sơn La, những người thợ xây dựng thủy điện Việt Nam dường như lại một lần nữa được thử thách ý chí, lòng quyết tâm để có thể vượt lên chính mình?
 

Hàng nghìn công nhân vẫn làm việc 3 ca liên tục để đưa các tổ máy tiếp theo đi vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Thạch Lam - ttxvn

Phó TGĐ Tập đoàn Sông Đà, GĐ Ban điều hành Dự án thuỷ điện Sơn La Nguyễn Kim Tới cho rằng: Với một khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ, cùng tiến độ thi công gấp gáp nhất từ trước tới nay so với một công trình thủy điện, Thủy điện Sơn La thực sự là “lò lửa” để rèn luyện ý chí và lòng quyết tâm đối với thợ thủy điện trong suốt hơn 5 năm qua kể từ ngày khởi công dự án (ngày 2.12.2005). Với thủy điện Sơn La, một lần nữa bản lĩnh, trí tuệ người thợ xây dựng thủy điện Việt Nam lại được khẳng định. Trước hết là khả năng thích ứng với công nghệ cao, ý thức tổ chức và chấp hành kỷ luật nghiêm ngặt, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng trong phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và trên hết, đó là một tinh thần lao động quên mình của toàn thể của các kỹ sư, công nhân trên công trường, sự đồng lòng nhất trí của tất cả các đơn vị thi công.

Đập bêtông RCC hơn 2,6 triệu mét khối đã hoàn thiện ngày 25.8 vừa qua chính là minh chứng cho nỗ lực phi thường của một tập thể lớn, sau gần 2 năm thi công trong điều kiện thời tiết nhiều bất lợi mà vẫn đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khắt khe, trong đó phải kể đến khả năng làm chủ công nghệ mới của các kỹ sư Việt Nam. Giờ đây, những người thợ thủy điện Việt Nam sẽ càng tự tin hơn để có thể tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ còn khó khăn và nặng nề hơn nữa. Đó là tiếp tục chinh phục Đà Giang với Dự án thủy điện Lai Châu - dự án thủy điện trên bậc thang cao nhất của Đà Giang - có công suất trên 1.200MW tại Việt Nam, tiếp tục hành trình trên những nẻo đường vươn ra quốc tế để chinh phục những dòng sông và chinh phục chính mình.

Với Dự án thủy điện Sơn La - theo ông Tới - việc đưa tổ máy 1 vào vận hành phát điện mới chỉ đáp ứng được một phần của dự án, vì thủy điện Sơn La gồm 6 tổ máy. Như vậy, khối lượng công việc còn lại không nhỏ. Tới thời điểm này thì bánh xe công tác của hai tổ máy số 2 và tổ máy số 3 đã được tiếp nhận đến công trường an toàn. Hiện, các đơn vị vận tải đang vận chuyển máy biến áp của tổ máy số 2 và tổ máy số 3 lên công trường. Các đơn vị lắp máy đã hoàn thành công tác tổ hợp stator và rotor tổ máy số 2. Theo dự kiến, cuối tháng 4.2011 tổ máy số 2 sẽ phát điện. Những tổ máy còn lại sẽ đưa vào vận hành trong năm 2011 - 2012 và mục tiêu cuối cùng là hoàn thành dự án vào cuối năm 2012.

Chứng kiến sự nghiêm túc, hăng say lao động không kể ngày đêm của tất cả các cán bộ, công nhân viên trên công trường thủy điện trong những ngày cuối năm này, chúng tôi thực sự khâm phục và tin rằng, dù khó khăn còn nhiều ở phía trước, nhưng dự án sẽ được thực hiện đảm bảo chất lượng và đạt các mốc tiến độ đề ra.

Theo: Lao động