Nguyên nhân của việc thiếu điện rất nhiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, do thủy điện vẫn còn chiếm tới gần 40% nguồn phát của toàn hệ thống. Mà sử dụng thủy điện thì ưu điểm giá thành rẻ, nhưng nhược điểm vận hành được hay không còn tùy thuộc vào “hảo tâm” của ông trời. Những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán nghiêm trọng đã khiến các nhà máy thủy điện ở miền Bắc, miền Nam và Tây Nguyên gần như tê liệt hoặc chỉ phát điện cầm chừng. Các nhà máy thủy điện miền Trung sau những cơn khát, là những trận đại hồng thủy khiến các hồ thủy điện buộc phải tự vệ bằng cách xả lũ. Kiểu gì thì hậu quả cuối cùng là doanh nghiệp và người dân đều phải hứng chịu.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), ngoài chuyện thiếu nước, còn nguyên nhân chính là thiếu nguồn do tiến độ thực hiện Quy hoạch điện VI quá chậm. Đến nay cả nước mới thực hiện được trên 65% (đối với nguồn) và trên 45% (đối với lưới) so với quy hoạch. Hậu quả là mặc dù ngành điện đã huy động tất cả các nhà máy điện hiện có - kể cả các nhà máy điện chạy dầu DO, FO có giá thành cao nhất cũng không đủ đáp ứng nhu cầu chứ chưa nói đến nguồn dự phòng để thay thế mỗi khi có tổ máy nào đó “trái gió trở trời”. Vấn đề này cả Chính phủ, EVN đều đã thấy, nhưng không thể khắc phục vì “lực bất tòng tâm”, bởi lẽ không đủ vốn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận 7 nguyên nhân gây thiếu điện gồm: thiếu vốn; giải phóng mặt bằng chậm; giá điện còn thấp; năng lực của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu còn yếu; ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn kém; thiếu nước khiến sản lượng địên của các nhà máy thủy điện sụt giảm; các nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành lại chưa ổn định, quá trình xử lý sự cố kéo dài.
Theo ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, với vai trò là trụ cột chính trong việc đảm bảo cung cầu điện, nhiều năm qua, EVN đã cố gắng hết sức mình để huy động mọi nguồn vốn, huy động các nguồn nhân lực, phát triển khoa học kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện. Huy động vận hành tất cả các tổ máy điện hiện có (dù đã quá thời hạn duy tu bảo dưỡng), kể cả các nhà máy điện chạy dầu DO, FO có giá thành cao nhất để bù đắp phần nào sự thiếu hụt nguồn.
Đặc biệt, năm 2010, EVN đã đưa vào vận hành 11 tổ máy của 9 dự án nguồn điện với tổng công suất 1.895MW, trong đó tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La (công suất 400MW) đã chính thức hòa lưới từ ngày 16/12/2010 - vượt trước 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Khởi công 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 4.356MW. Đóng điện khoảng 100 công trình đường dây và trạm biến áp (11 công trình 500kV, 25 công trình 220 kV, 62 công trình 110 kV…) với tổng chiều dài 1.700km và dung lượng trạm biến áp 7.575MVA; khởi công 17 công trình lưới điện truyền tải từ 220 - 500 kV; hoàn thành Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm: Kom Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng); về cơ bản tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để cải tạo và bán điện trực tiếp.
Đáng kể nhất là sự khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ hứa hẹn sẽ có thêm khoảng 4.000 MW trong hệ thống vào năm 2014, khoảng 8.000 MW vào năm 2020 mà còn khẳng định việc đa dạng hóa nguồn điện khi tiềm năng thủy điện lớn không còn, năng lượng hóa thạch ngày càng khan hiếm, việc đầu tư vào điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo còn khó khăn. Đặc biệt, 5 năm qua, cả nước cùng nhau chắt chiu từng “giọt điện” để tiết kiệm được hơn 4 tỷ kWh điện cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khắc phục thiếu điện. Riêng năm 2010 tiết kiệm được gần 1,2 tỷ kWh, bằng 1,4% tổng lượng điện thương phẩm.
Bộ Công Thương dự báo, tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14,1 - 16%, giai đoạn 2016-2020 là 11,3-11,6%, giai đoạn 2021-2025 tăng 8,2-9,2%, giai đoạn 2026-2030 tăng 7,4-8,4%. Trong khi đó, dự kiến giai đoạn 2011-2014, tổng công suất nguồn có khả năng đưa vào hoạt động chỉ đạt khoảng 15.000 MW. Tổng giám đốc EVN, Phạm Lê Thanh khẳng định: nguy cơ thiếu điện các năm 2013 - 2014 rất cao, nhất là miền Nam. Ngành điện đang cố gắng từ nay đến hết năm 2011 đưa vào vận hành khoảng 5.000MW, tăng trên 20% công suất nguồn điện so với hiện nay; ưu tiên tích nước cho các hồ chứa thủy điện, bảo đảm đến cuối năm 2010 đạt mức nước dâng cao nhất có thể được nhằm huy động tối đa công suất cho mùa khô 2011; tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng. Tiết giảm hợp lý, công bằng khi thiếu điện. ông Tạ Văn Hường cũng bày tỏ sự khả quan khi khẳng định 2011 sẽ là năm hứa hẹn nhiều công trình điện mới được khởi công cũng như sự tham gia của các nhà đầu tư vào ngành điện.
Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài và bền vững, Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp lâu dài, như: xây dựng quy hoạch điện VII với những giải pháp hợp lý trong xây dựng nguồn và lưới; thực hiện cơ cấu lại ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động; thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển nguồn điện; thực hiện lộ trình từng bước giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư thu hồi vốn và có tích lũy để tái sản xuất mở rộng đồng thời với việc hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo; khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng; ưu tiên phát triển các ngành tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Tích cực triển khai chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2011-2015. Hy vọng các giải pháp trên sẽ góp phần giải quyết cơ bản những khó khăn về cung cầu điện trước mắt và lâu dài.