Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trên toàn cầu, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, mang lại cơ hội tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong một ngành công nghiệp mới và cải thiện cán cân thương mại, đồng thời giúp cho đất nước đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0.
Theo ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Hội nghị Điện gió Việt Nam năm nay có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, là lãnh đạo các bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh… cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.
Trong 2 ngày của Hội nghị sẽ diễn ra các phiên họp về “cập nhật chính sách”, nhằm cung cấp tổng quan về hiện trạng ngành công nghiệp gió ở Việt Nam và tiềm năng cho thị trường điện gió Việt Nam đến năm 2030; Vai trò của năng lượng gió hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050; Lộ trình hướng tới thị trường cho điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, trong đó, phải kể đến “Diễn đàn cấp cao về điện gió ngoài khơi: Làm thế nào để Việt Nam đạt được mục tiêu điện gió ngoài khơi vào năm 2030”. Hội nghị cũng sẽ bàn sâu về việc xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành điện gió, việc phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong việc phát triển lưới điện v.v.
Trả lời các câu hỏi của báo chí về khả năng hiện thực hoá mục tiêu 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030 tại Dự thảo Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa được phê duyệt, và trước đề nghị về việc tạm dừng thẩm định liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi của Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của GWEC cho rằng, "Chúng tôi là những đại diện của khối tư nhân, của doanh nghiệp, của ngành muốn đối thoại với Chính phủ để có thể tìm ra những giải pháp và những phương án cũng như cơ hội cho ngành điện gió Việt Nam. Tôi có thể khẳng định là phần lớn các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới về điện gió ngoài khơi, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi đều đã ở Việt Nam, hoặc ít nhất là đang quan tâm tới Việt Nam rồi và có những doanh nghiệp đã vào được khá nhiều năm rồi. Bây giờ họ đều đều đang muốn có giấy phép khảo sát để có thể bắt đầu việc khảo sát của dự án. Bởi vì thời gian để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cần rất lâu, khoảng từ 6-8 năm, nếu muốn đạt được mục tiêu 7GW của Chính phủ vào năm 2030 thì chúng ta phải bắt đầu càng sớm càng tốt…".
Giá mua điện gió cũng là vấn đề đặt ra, liên quan chặt chẽ tới việc đầu tư phát triển điện gió. Từ thực tế biểu giá mua điện ưu đãi (cơ chế giá FiT) đã hết hạn vào năm 2021, trong khi nhiều dự án điện gió trên bờ đã hoàn thành trước khi giá FiT hết hạn, khoảng 4 GW khác của các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng không kịp hoàn thành trước thời hạn... cũng ảnh hưởng nhiều tới nhà đầu tư cũng như tâm lý đầu tư vào các dự án điện gió ở Việt Nam.
Dưới góc độ nhà cung ứng, bà Lê Thị Phương Nhi, đại diện công ty Siemens Gamesa Vietnam chia sẻ, "trong giai đoạn 2 năm trở lại đây áp lực về mặt chi phí rất lớn, nhất là sau khi dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến các nguồn cung đầu vào chi phí tăng rất cao là một áp lực đặt lên chi phí của chủ đầu tư trong ngành điện gió".