Diễn đàn năng lượng

CIP chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi với EVN

Thứ tư, 16/11/2022 | 09:17 GMT+7
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) tổ chức hội thảo về điện gió ngoài khơi. 
 

 
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo các Ban QLDA Điện 1,2,3, lãnh đạo Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1,2,3,4.
 
Mục đích của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm/kiến thức của CIP trong phát triển, xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới; trao đổi với EVN về kinh nghiệm và kiến thức của EVN về phát triển và triển khai các dự án nguồn và lưới điện truyền tải lớn tại thị trường Việt Nam.
 
Tại hội thảo, CIP giới thiệu điện gió ngoài khơi – các bước cần thực hiện để phát triển và xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi greenfield: từ lựa chọn địa điểm, khảo sát, xây dựng, vận hành và xử lý khi hết tuổi thọ dự án (decommissioning/ removal).
 
Ngoài ra, tại Hội thảo, các chuyên gia của CIP đã giải thích cụ thể những vấn đề về kinh nghiệm, xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi của CIP trên thế giới và khả năng hợp tác với EVN.
 
CIP là công ty quản lý quỹ hàng đầu thế giới của Đan Mạch, chuyên đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió ngoài khơi. Hiện nay CIP đang phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận. Với nguồn gốc hình thành từ vốn đầu tư của PensionDanmark – quỹ hưu trí lớn nhất dành cho người lao động tại Đan Mạch, Tập đoàn CIP hiện đang quản lý 08 quỹ với tổng số vốn là 19 tỷ USD và đang phát triển hơn 38 GW các dự án điện gió ngoài khơi tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
 
Sau Hội nghị COP26, Tập đoàn CIP đặt mục tiêu đầu tư 110 tỷ USD vào năng lượng tái tạo trước năm 2030 để đóng góp cho quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. 
Với vị thế là nhà đầu tư tiên phong tại nhiều thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi, CIP đã đạt nhiều thành công trong việc cung cấp tài chính, phát triển và vận hành các dự án, tiêu biểu như Dự án Changfang Xidao 600 MW tại Đài Loan – huy động được 3 tỷ USD, giữ kỷ lục về huy động vốn lớn nhất trong các dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (tháng 02/2020) và Dự án Vineyard 800 MW tại Hoa Kỳ – dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử của Hoa Kỳ đã thu xếp thành công hơn 2.3 tỷ USD vốn đầu tư (tháng 09/2021).
 
Bên cạnh việc tập trung phát triển danh mục các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu, CIP cũng đang tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo mới như các giải pháp chuyển điện thành X (Power-to-X) bao gồm hydrogen xanh và amoniac xanh, tích trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyền tải điện. Một số dự án chuyển điện thành X đáng chú ý bao gồm Dự án hydrogen Murchison 5GW tại Úc, Dự án Hoest 1GW tại Đan Mạch và Dự án hydrogen xanh HNH 1,7 GW tại Chile. Mới đây, CIP đã công bố kế hoạch phát triển 4 GW pin tích trữ tại Vương quốc Anh. Tập đoàn CIP cũng là đơn vị chủ lực phát triển Vindø, hòn đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới đặt tại ngoài khơi Đan Mạch.
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng những kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của CIP là rất bổ ích và EVN có thể học tập được rất nhiều từ kiến thức của CIP.
 
Lãnh đạo EVN cũng cho biết tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn, nếu Chính phủ giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án, EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với CIP để phát triển nguồn năng lượng này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Kim Thái